Tiếp tục phát huy giá trị đặc biệt của Khu Di tích Kim Liên

(Baonghean.vn) - Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị quá trình bổ sung, điều chỉnh, trùng tu các hạng mục trong Khu Di tích Kim Liên cần giữ được hồn cốt và bản sắc văn hóa làng quê. 

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại cuộc làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh với Ban quản lý Khu di tích Kim Liên chiều 20/4 theo kế hoạch giám sát việc thực hiện các kết luận của Ban theo Chương trình giám sát việc quản lý Nhà nước về các di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện năm 2014. 

Cùng tham gia cuộc giám sát có lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao, huyện Nam Đàn và xã Kim Liên.

Du khách về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu.
Du khách về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu.

Hàng năm, Khu di tích Kim Liên đón từ 1,5 - 1,8 triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan, du lịch, tưởng niệm, tìm hiểu mảnh đất địa linh, nhân kiệt - nơi đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 2004 đến nay, Khu di tích Kim Liên liên tục được đầu tư tồn tại, bảo tồn gắn với phát triển du lịch, tạo cảnh quan, diện mạo mới cũng như các hoạt động tại di tích ngày càng đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản các hiện vật được chú trọng và phát huy tốt giá trị di tích.

Đặc biệt, một số tồn tại, hạn chế tại di tích mà Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh kiến nghị thông qua giám sát năm 2014, như vệ sinh môi trường; tình trạng buôn bán hàng rong, chèo kéo du khách; bất cập trong việc bố trí các ki ốt dịch vụ trong di tích..., được chấn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở khảo sát thực tế, thay mặt đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, UBND huyện Nam Đàn và UBND xã Kim Liên quan tâm phối hợp giải quyết một số khó khăn, hạn chế đang đặt ra.

Trước mắt là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương di dời các ki ốt kinh doanh đang bất cập ngay lối ra vào quê ngoại Bác Hồ, đảm bảo sự tôn nghiêm của di tích; đồng thời quy hoạch hợp lý địa điểm kinh doanh mới.

Quá trình bổ sung, điều chỉnh, trùng tu các hạng mục trong khu di tích cần giữ được hồn cốt và bản sắc văn hóa làng quê, hạn chế bê tông hóa; tiếp tục nghiên cứu việc đổi mới quản lý và các hoạt động tại di tích, nhằm khai thác tối đa các giá trị, xứng tầm di tích Quốc gia đặc biệt và là trọng điểm du lịch.

Một trong ngôi nhà láng giềng nhà của Bác Hồ được phục dựng lại. Ảnh: Mai Hoa
Một trong ngôi nhà láng giềng nhà của Bác Hồ được phục dựng lại. Ảnh: Mai Hoa

Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cùng đề nghị Ban quản lý Khu di tích cân nhắc ý định đưa việc kinh doanh các sản phẩm đặc thù của địa phương vào các nhà láng giềng của nhà Bác Hồ đã được khôi phục; đồng thời tăng cường tuyên truyền về văn hóa ứng xử của người dân, tạo ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người dân quê Bác trong lòng du khách.

Bà Lan cũng đề nghị cần quan tâm định hướng kinh doanh các dịch vụ trong di tích, đặc biệt là các sản phẩm của địa phương và các đồ vật lưu niệm; chất lượng các dịch vụ văn hóa; chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm với các dịch vụ ăn uống./.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới