Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Lào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chiều 11/1, tại TP. Vinh, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Lào”.

Đồng chí Vũ Hải Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: Đôn Tuấn Phong, Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Khánh Thục - Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Hằng - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đại diện Bộ, ngành trung ương; Đoàn ĐBQH các tỉnh Biên giới giữa Việt Nam và Lào; 10 tỉnh có đường biên tiếp giáp biên giới với Lào.

bna-img-6081-2902.jpg
Toàn cảnh Hội nghị giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Lào”. Ảnh: Phạm Bằng

GÓP PHẦN GIỮ GÌN SỰ ỔN ĐỊNH ĐƯỜNG BIÊN GIỚI

Đường biên giới đất liền Việt Nam - Lào có chiều dài hơn 2.337km, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới Lào. Năm 1977, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào được ghi nhận bằng việc hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước.

Thực hiện Hiệp ước, trong giai đoạn 1978 - 1987, hai nước đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa với 214 cột mốc/199 vị trí mốc. Từ năm 1995 - 2003, hai bên đã hoàn thành việc lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 và giải quyết toàn bộ các khu vực tồn đọng sau phân giới cắm mốc.

bna-img-6107-274.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội và tỉnh Nghệ An chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho rằng, kể từ khi ký kết 2 văn kiện pháp lý, hệ thống điều ước quốc tế về biên giới trên đất liền giữa hai nước cơ bản đã hoàn thiện. Các điều ước đã ký kết phù hợp và đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn quan hệ về biên giới giữa hai nước. Công tác triển khai Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ đã được thực hiện tốt, cơ chế phối hợp kịp thời, chính xác.

Trong thời gian qua, các địa phương đã triển khai tương đối tốt việc quản lý đường biên, mốc giới theo Nghị định thư và Hiệp định; kịp thời phát hiện và báo cáo các cấp khi phát sinh sự vụ, phối hợp với phía bạn Lào giải quyết phù hợp, góp phần gìn giữ sự ổn định của đường biên giới và đóng góp tích cực vào quan hệ giữa 2 nước.

bna-img-6114-6320.jpg
Đồng chí Vũ Hải Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khai mạc hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn kiện pháp lý trên không tránh khỏi những bất cập, nên chưa giải quyết được triệt để các vấn đề phát sinh mới như chăn thả gia súc, gia cầm, trồng trọt... vượt quá đường biên giới, vượt biên trái phép, xâm canh, xâm cư...

KIẾN NGHỊ BỐ TRÍ KINH PHÍ, QUY ĐỊNH SỬA CHỮA CÁC CỘT MỐC HƯ HỎNG

Tại hội nghị, các Bộ, ban, ngành, các địa phương có chung đường biên giới với Lào đã tập trung đánh giá toàn diện, cụ thể những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với Lào.

bna-img-6229-6165.jpg
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trình bày báo cáo việc triển khai thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ trên đất liền giữa Việt Nam với Lào. Ảnh: Phạm Bằng
bna-img-6266-8890.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Các địa phương đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về một số nội dung trong Hiệp định; việc sửa chữa các cột mốc bị hư hỏng; quản lý, phát triển cửa khẩu; kinh phí đối ngoại; cơ chế đặc thù cho lực lượng công tác khu vực biên giới...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, Nghệ An là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Lào dài nhất cả nước với 468,281km, gồm: 105 vị trí mốc/116 mốc và 44 cọc dấu, tiếp giáp với 3 tỉnh: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bo Ly Khăm Xay.

bna-longimg-6287-156.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Trong thời gian qua, Nghệ An đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Lào. Các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới phía Lào để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo vệ, giữ vững nguyên trạng hệ thống mốc quốc giới, cọc dấu biên giới trên địa bàn tỉnh. Bố trí kinh phí để xây dựng lại một số cột mốc bị hư hỏng do mưa lũ số 397, 410 và gia cố sửa chữa chân cột mốc quốc giới số 397 tại huyện Kỳ Sơn.

bna-img-6190-2830.jpg
Các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Công tác xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; duy trì nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua lại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào trong đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Lào, tỉnh Nghệ An đề nghị các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ các địa phương về nguồn lực, ban hành quy định, trình tự triển khai xây dựng, sửa chữa các mốc quốc giới, cọc dấu biên giới bị hư hỏng; đồng thời nghiên cứu, cho phép lực lượng Bộ đội Biên phòng của hai bên được cấp giấy phép xuất nhập cảnh vùng biên giới cho cư dân biên giới theo đúng quy định.

bna-img-6316-1625.jpg
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Kết luận hội nghị, đánh giá lại những kết quả, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Lào, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho biết, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Đối ngoại sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện báo cáo giám sát gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tin mới