Tín hiệu mở từ "Tiết kiệm sinh thái"

(Baonghean) Vừa qua tại Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra Hội nghị cuối kỳ đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án Delgosea tại 5 quốc gia: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia và Việt Nam. Thành phố Vinh vinh dự đại diện cho 4 thành phố của Việt Nam (Đà Nẵng, Lạng Sơn, Trà Vinh, TP. Vinh) lần thứ hai tham gia tại hội thảo.

Dự án Delgosea do Liên minh EU và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) đồng tài trợ, đã được triển khai ở 104 trường ở Philippines, 150 trường ở Thái Lan và Campuchia.

Ở Việt Nam, Dự án Delgosea đã thực hiện “Chuyển giao và áp dụng mô hình thực tiễn tốt khu vực Đông Nam Á" cho 3 đô thị, đó là Chương trình Tiết kiệm sinh thái của Thành phố Marikina (Philippines) áp dụng cho Thành phố Vinh; mô hình “Bảo tồn và phát triển phố cổ” của Thành phố Phuket (Thái Lan) áp dụng cho Thành phố Đà Nẵng và mô hình Chính phủ điện tử của Thành phố Yogjakarta (Indonesia) áp dụng  cho Thành phố Trà Vinh.

Chương trình "Tiết kiệm sinh thái" tại Trường Tiểu học Hưng Dũng I - TP. Vinh.

 Ảnh: Hữu Quân

Với sự hỗ trợ của dự án Delgosea và Hiệp hội các đô thị Việt Nam, tháng 9/2011, Thành phố Vinh đã quyết định chọn 3 trường THCS và tiểu học trên địa bàn phường Hưng Dũng để áp dụng thí điểm chương trình “Tiết kiệm sinh thái” trong 2 năm 2011 - 2012. Sau gần 1 năm thực hiện, chương trình đã thu hút được nhiều thành phần tham gia, từ học sinh, giáo viên đến phụ huynh học sinh và cả cộng đồng. Với 38 “ngày sinh thái” diễn ra tại cả 3 trường ở Thành phố Vinh trong năm học 2011 – 2012 (tính từ tháng 9/2011 đến tháng 5/2012). Tổng số tiền các em học sinh tích lũy được từ việc tái chế rác là hơn 80 triệu đồng. So với mục tiêu ban đầu, kết quả này chưa đạt yêu cầu nhưng lợi ích gián tiếp mà Chương trình mang lại là rất ý nghĩa. Thông qua chương trình, học sinh được giáo dục kỹ năng sống, hình thành thói quen, ý thức quản lý chất thải, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên, môi trường; hiểu rõ được những lợi ích mà rác thải có thể mang lại. Một điều dễ nhận thấy là các em học sinh phường Hưng Dũng đã hạn chế tình trạng vứt giấy loại bừa bãi ở sân trường trong giờ ra chơi, bắt đầu biết cách phân loại, thu gom những loại rác thải có thể tái chế để tham gia Chương trình.

Cộng đồng dân cư tại các địa bàn thí điểm ở Thành phố Vinh cũng dần thích nghi, có suy nghĩ, hành động và việc làm tích cực đối với rác thải, như là thực hiện phân loại rác tại nguồn... Có thể nói, chương trình “Tiết kiệm sinh thái” rất có ý nghĩa về mặt lý luận cũng như thực tiễn, khi được triển khai thực hiện đồng bộ trên diện rộng sẽ góp phần giảm áp lực cho bãi rác của thành phố và sẽ giảm chi phí đầu tư cho công tác thu gom và xử lý. Đó cũng chính là mục tiêu trong công tác quản lý chất thải của các đô thị, đặc biệt là đô thị đang trên đà phát triển như Thành phố Vinh.

Kết quả bước đầu đã có những tác động tích cực đến cộng đồng dân cư của thành phố từ tư duy, nhận thức góp phần để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp. Từ kinh nghiệm và thực tiễn áp dụng ở Thành phố Vinh, tháng 4/2012, Thành phố Hà Tĩnh cũng đã tham quan học tập và đã triển khai thực hiện ở 11 trường học. Đánh giá những kết quả bước đầu TP. Vinh đạt được, Dự án Delgosea đã tặng thành phố Cup và Giấy khen triển khai có hiệu quả.

Ngày 13/7/2012, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh. Theo đó, trong năm học 2012 – 2013, UBND thành phố sẽ triển khai chương trình này trên toàn địa bàn, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện có hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo. Cụ thể, Chương trình sẽ được triển khai ở 51 trường học, trong đó có 23 trường THCS, 28 trường tiểu học với tổng số học sinh tham gia thực hiện gần 33.000 em.

Để tiếp tục phát huy những hiệu quả tích cực, thời gian tới, các cấp chính quyền từ thành phố đến phường, xã, các trường học, các thầy giáo, cô giáo và nhân dân, cộng đồng dân cư cần có sự quyết tâm cao hơn nữa để thực hiện chương trình; đặc biệt là việc tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của Dự án Delgosea, của Hiệp hội các đô thị Việt Nam trong công tác chuyển giao, đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ thực hiện tốt mô hình thực tiễn.

Chính phủ cần có cơ chế về mặt chi tiêu tài chính đối với chương trình như các dự án về môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền cấp tỉnh và thành phố cần tăng cường vai trò của các công ty môi trường đô thị trong việc chủ động tham gia vào Chương trình và có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở thu mua phế liệu tái chế trên địa bàn, để họ có điều kiện mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và Luật Doanh nghiệp. Về phía các phường, xã cần thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp để Chương trình “Tiết kiệm sinh thái” thực sự góp phần tích cực và quan trọng vào quá trình giải quyết các “vấn nạn” về rác và môi trường trong giai đoạn hiện nay.

Tin mới