"Tôi thấy ngạc nhiên vì báo chí Việt Nam hay kết tội thay tòa"

Đó là chia sẽ của ông Hiệu Minh, Cựu chuyên gia CNTT của Ngân hàng Thế giới xung quanh việc báo chí đăng hình ảnh nghi can như thế nào?

Trao đổi với ông Hiệu Minh, Cựu Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, một Blogger khá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam.

1
Ông Hiệu Minh, Cựu Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới

Là người có thời gian sống ở nước ngoài nhiều năm, xin ông chia sẻ thông tin về báo chí nước ngoài đăng hình ảnh các nghi can như thế nào?

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi sống ở nước ngoài khá lâu, tôi rất ngạc nhiên với cách báo chí Việt Nam rất hay kết tội thay tòa án. Đó là cách hoàn toàn không hay, cho đến gần đây báo chí đã có cải tiến rất nhiều về cách gọi người ta là nghi can, nghi phạm. Đó là những từ thường dùng báo chí khi tòa chưa có kết luận thể hiện một tiến bộ mà chúng ta đều nhìn thấy rõ.

Gần đây, chúng ta thấy, báo Tuổi trẻ đã đăng ký họa chân dung một nghi can nhận hối lộ. Theo tôi, ký họa chân dung như vậy là tốt, mặc dù ký họa đó rất giống với chân dung thật ngoài đời quá. Ký họa là chỉ được vẽ vài nét thôi, không được vẽ quá kỹ. Thường người ta không vẽ mặt nhìn thẳng mà vẽ mặt nhìn nghiêng và làm sao cho rất khó nhận ra đâu là nghi phạm.

Ký họa chân dung nghi phạm đăng trên báo Tuổi trẻ
Ký họa chân dung nghi phạm đăng trên báo Tuổi trẻ

Ở nước ngoài họ rất tôn trọng quyền riêng tư. Nếu người đưa thông tin đó lên mà bị kiện ngược lại thì rất nguy hiểm. Khi dự phiên tòa, thường những người dự phiên tòa dùng bút chì vẽ, sau đó các báo sử dụng bức vẽ đó để đưa lên báo. Trừ những vụ án gây tranh cãi và phải có thỏa thuận của các bên thì mới đưa hình ảnh truyền hình trực tiếp. Nếu không có thỏa thuận thì tuyệt đối không được.

Cách hành xử đó là rất tốt và bảo vệ quyền con người. Vì nếu người đó được tòa tuyên vô tội, thì cuộc sống của họ không bị ảnh hưởng gì. Còn nếu người đó bị tuyên là có tội thì sau khi họ bị trừng phạt, họ vẫn có cơ hội hoàn lương và trở lại là người bình thường.

Cho nên, ngay cả những người bị phạm tội bị phạt tù cũng không đưa ảnh người ta lên. Nhưng trừ một số quan chức nhà nước. Vì sao lại thế? Vì người đó dùng tiền thuế của dân nhưng anh đã làm liều. Báo chí có quyền “bóc lột” đến cuối cùng. Ví dụ như, vụ Thống đốc bang liên quan đến đưa nhận hối lộ đều bị báo chí đưa rõ mặt. Báo họ có quyền đưa hình ảnh liên tục. Còn nếu người đó chỉ là một cá nhân, thì báo chí không có quyền đưa hình ảnh.

Nhưng thưa ông, liệu làm như báo chí phương Tây, không chụp ảnh, không đưa hình ảnh phiên tòa có làm giảm đi hiệu lực giám sát của dư luận đối với các phiên tòa không? 

Tôi nghĩ rằng, kể cả công dân có mặt tại tòa cũng đã tham gia giám sát phiên tòa rồi. Còn ở tư cách nhà báo, được tham gia và có trách nhiệm truyền thông tin đó đến với công chúng. Nhà báo hay công dân vẫn được thực hiện quyền giám sát của mình. Tôi nghĩ nó không ảnh hưởng gì đến quyền giám sát này.

Còn nếu báo chí đưa lên hình ảnh thật sẽ làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân của nghi phạm, nhất là có khi họ không phạm tội. Chẳng hạn như ông Chấn, ông Nén đã bị kết tội nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn phát hiện là oan sai, thì quyền lợi của ông ấy sẽ thế nào?

Tôi nghĩ rằng, bất cứ phiên tòa công khai nào, nhà báo cũng được vào, đó là con mắt của công dân. Nhà làm luật và cả 2 phía, cả Viện Kiểm sát và luật sư nâng cao hơn nữa vai trò của mình thì sẽ giảm đi rất nhiều án oan sai. Tuy nhiên, không thể tránh được oan sai, nhưng nó sẽ giảm.

Giảm oan sai phải bắt nguồn từ hệ thống tư pháp, nâng cao hơn nữa vai trò của luật sư và phía viện kiểm sát cũng thông tin minh bạch hơn. Đó là cách tốt nhất, chứ tôi không nghĩ tăng quyền giám sát của nhà báo giảm oan sai.

Thưa ông, việc đưa hình ảnh cá nhân nghi phạm đôi khi có sự “giúp đỡ” của người tiến hành tố tụng. Ông có nghĩ rằng, cần quán triệt với ngay cả những người tiến hành tố tụng để không xâm hại quyền của các nghi can không?

Tôi nghĩ đúng là phải từ cả nhiều phía. Luật sư, người tiến hành tố tụng và nhà báo phải hiểu rõ về quyền riêng tư cá nhân của những “nghi phạm” này. Về phía báo chí, khi đưa bất cứ hình ảnh nào liên quan đến cá nhân phải cân nhắc đến những ảnh hưởng đến cuộc sống của người đưa lên và gia đình họ. Quy định về quyền riêng tư không chỉ có áp dụng với nhà báo mà mọi công dân, cơ quan tổ chức đều phải tuân thủ đầy đủ nghiêm khắc.

Qua theo dõi, tôi thấy sự tiến bộ của tòa án nước ta đã khá rõ. Ví dụ như, ngày xưa hễ cứ là bị cáo, không biết có phạm tội hay không phạm tội, ra tòa thường mặc áo “sọc dưa” (áo đồng phục trong tù). Việc mặc như thế đã không đúng. Từ khi bỏ được bộ quần áo này với bị cáo, đến giờ đã khác nhiều.

Nếu áp dụng được ký họa trong tòa thì lại là một bước tiến bộ nữa. Ký họa phải thể hiện có sự việc đó, nhưng không được làm rõ khuôn mặt bị cáo và người tham dự, trừ quan tòa. Bạn vào xem báo các nước phát triển sẽ thấy rõ.

Theo tôi, nên đưa quy định trong bộ quy tắc ứng xử nghề báo với nội dung “các báo khi đưa hình ảnh nghi can, bị can, bị cáo, phiên tòa không được dùng ảnh thật, mà chỉ đưa ký họa”. Như vậy, sẽ có sự đồng bộ và đảm bảo tốt nhất quyền con người.

Xin cảm ơn ông!

Theo Infonet

Tin mới