Trình phương án đưa hàng trăm héc ta rừng đặc dụng sang rừng sản xuất tại Nam Đàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chỉ vì “bị” quy hoạch vào diện tích rừng đặc dụng mà gần 15 năm nay, hàng chục hộ dân tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn không thể khai thác số keo mình đã trồng, dù trước đó họ đã được giao đất để trồng rừng sản xuất.

Những ngày gần đây, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng sản xuất của 34 hộ dân xóm 9, xã Nam Thanh. Đây là khu vực rừng sản xuất của người dân, thuộc khu vực Đá Hàn - Khe Su, nằm trên dãy núi Đại Huệ, được UBND xã Nam Thanh giao đất để sản xuất từ năm 2007. Sau 1 thời gian người dân sản xuất bình thường, đến nay, dù đã đến kỳ thu hoạch keo nhưng người dân vẫn không thể khai thác khi toàn bộ khu vực này đã được bao trọn trong bản đồ thuộc rừng đặc dụng.

Bà Nguyễn Thị Hằng, một trong số 34 hộ dân xóm 9, xã Nam Thanh đã làm đơn kiến nghị đến chính quyền địa phương giải quyết việc cho phép khai thác keo trên khu vực này. Theo bà Hằng, trước đây, 34 hộ dân được giao đất trồng rừng thì mỗi hộ có diện tích khoảng 3 ha. Sau khi nhận đất, người dân đã trồng rừng theo đúng quy định. Năm 2014 - 2015, đã khai thác lứa keo đầu tiên, nay đã đến kỳ thu hoạch lứa keo thứ 2, người dân trong xóm đã nhiều lần kiến nghị được khai thác nhưng đến nay vẫn chưa được cho phép.

bna-khu-vuc-ma-nguoi-dan-xom-9-xa-nam-thanh-kien-nghi-duoc-khai-thacanh-tien-dong-7372.jpg
Khu vực rừng sản xuất bị trùm bởi rừng đặc dụng mà người dân xã Nam Thanh đang kiến nghị được chuyển đổi. Ảnh: TĐ

Ông Bùi Hữu Hiếu, cùng trú tại xóm 9, xã Nam Thanh cho biết, trước đây, người dân được chính quyền địa phương vận động nhận đất trồng rừng nhằm phủ kín đồi trọc, hạn chế tình trạng cháy rừng và phát triển kinh tế. Bởi khu vực Đá Hàn - Khe Su ngày xưa chỉ là cây bụi, lau lách. Sau khi người dân vào trồng keo đã góp phần to lớn vào việc phủ xanh. Khi quy hoạch vào rừng đặc dụng, người dân không nhận được thông báo nên cũng không biết rằng rừng của mình đã bị quy hoạch.

Được biết, vào năm 2007, thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ, UBND huyện Nam Đàn đã thành lập Ban chỉ đạo giao đất lâm nghiệp, riêng tại xã Nam Thanh, chính quyền địa phương đã tiến hành giao đất cho 376 hộ gia đình với tổng diện tích 448 ha, trong đó có 31 hộ với diện tích hơn 41 ha tại vùng Đá Hàn - Khe Su, xóm 10B (nay là xóm 9).

Sau khi được giao đất, các hộ dân đã tiến hành canh tác, trồng rừng và đã làm hồ sơ đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tại vị trí nói trên. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã không thực hiện được vì Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn căn cứ vào quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Nghệ An, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014, xác định có 36,26ha/41,13ha thuộc đất Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý.

Đến tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử tại huyện Nam Đàn, nâng tổng diện tích rừng đặc dụng ở Nam Đàn từ 628 ha lên 3.069 ha. Trong đó, có hơn 1.700 ha rừng phòng hộ, 410 ha rừng sản xuất, 240 ha đất hoang đồi và gần 29 ha đất vườn được chuyển sang rừng đặc dụng.

Tháng 9/2021, UBND huyện Nam Đàn đã có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, trong đó đề xuất chuyển một số diện tích rừng đặc dụng ở những vùng không liên quan đến di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, sang rừng sản xuất. Tuy nhiên, do vướng vào Luật Quy hoạch nên đến nay chưa được cấp trên phê duyệt. Mới đây, UBND huyện Nam Đàn tiếp tục có văn bản, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi gần 500 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để người dân có thể thu hoạch keo, bạch đàn. “Những diện tích này chủ yếu là bạch đàn, keo mà người dân đã bỏ giống, phân bón, chăm sóc nay cây đã quá tuổi thu hoạch và một số diện tích rừng thông đã khai thác nhựa lâu năm. Đây là nguyện vọng rất chính đáng của người dân”, một vị lãnh đạo huyện Nam Đàn cho biết.

khu-vuc-rung-san-xuat-cua-nguoi-dan-nay-da-nam-trong-moc-ranh-gioi-rung-dac-dung-anh-tien-dong-8103.jpg
Mốc ranh giới rừng đặc dụng tại xã Nam Thanh. Ảnh: TĐ

Ông Đậu Đình Hùng – Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết, đơn vị tiền thân là Lâm trường Đại Huệ, đến năm 2006 chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ và năm 2012 thì chuyển thành Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn như ngày nay. Theo ông Hùng, kể từ khi quy hoạch thành rừng đặc dụng, không chỉ người dân bị mắc kẹt, Ban Quản lý cũng lâm vào cảnh tương tự. Bởi nhiều diện tích rừng thông được trồng để lấy nhựa nhưng khi thành rừng đặc dụng thì không được khai thác.

Tháng 2/2021, Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đã có tờ trình về việc xin khai thác tận dụng cây phù trợ, nhựa thông…, trong rừng đặc dụng, ngày 10/8/2022, UBND huyện đã ban hành Công văn số: 272/BC-UBND về việc đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan khai thác rừng đặc dụng tại huyện Nam Đàn gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT trong đó đã đề nghị cấp trên điều chỉnh chuyển 212,68ha, khoảnh 2, TK1012 thuộc xã Nam Thanh từ rừng Đặc dụng sang rừng sản xuất. Ngày 24/3/2023 Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị tư vấn đã làm việc với UBND huyện và các phòng, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh và cập nhật diện tích rừng nêu trên vào Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về Lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Thế - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn cho biết: Liên quan đến vấn đề đất rừng sản xuất của người dân bị trùm lên bởi rừng đặc dụng, ngày 16/6/2023, UBND tỉnh đã tổ chức họp nghe kết quả rà soát và đã ban hành Thông báo số 423/TB-UBND yêu cầu đơn vị tư vấn làm việc, thống nhất lại số liệu với UBND huyện và các ngành lần cuối trước khi trình HĐND tỉnh thông qua và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/7/2023.

Ngày 5/7/2023, đơn vị tư vấn đã làm việc với UBND huyện Nam Đàn và các ngành liên quan và thống nhất đưa diện tích rừng tại xã Nam Thanh vào Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và Quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Hiện nay đang tiếp tục tiến hành các bước để thông qua.

Ngày 20/7/2023, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức họp với đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thị để nghe kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay UBND tỉnh cũng đã trình Bộ NN&PTNT để tiến hành các thủ tục điều chỉnh theo quy định.

Tin mới