'Truyền lửa' nghề dệt thổ cẩm ở bản người Thái Nghệ An

(Baonghean.vn) - Từ khi biết cầm cây kim, sợi chỉ, các bà mẹ ở bản Na, xã Hữu Lập đã được bà hoặc mẹ truyền nghề thêu thùa, dệt vải. Đó cũng là cách thế hệ trước “truyền lửa” đam mê nghề truyền thống cho con cháu.

bna_bản na (3).JPG
Người Thái định cư ở bản Na từ những năm 60 thế kỷ XX. Hiện tại, bản có hơn 130 hộ gia đình và hầu hết là người Thái nhóm Tày Thanh. Qua hơn nửa thế kỷ sống quây quần bên nhau, cộng đồng vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm. Ban đầu phụ nữ bản Na dệt khăn, váy, áo… cho nhu cầu gia đình. Theo tập tục truyền thống, phụ nữ Thái khi về nhà chồng phải đem theo váy, áo, chăn, gối để làm quà cho cha mẹ và họ hàng nhà chồng và làm trang phục hàng ngày. Vì thế, những em nhỏ lên 9, lên 10 đã được dạy cách thêu thùa, may vá, dệt vải. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (11).JPG
Bà Lô Thị Mai (áo xanh) có 2 cháu gái. Bé lớn là Lô Thị Yến Hương sắp vào lớp 4, bé sau Lô Thị Yến Vi chuẩn bị lên lớp 2. Những tháng Hè vừa qua là quãng thời gian các bé được vui đùa thỏa thích, nhưng bà cũng không quên việc dạy các cháu nghề canh cửi vốn đã trở thành nghề truyền thống của cộng đồng người Thái ở bản Na. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (6).JPG
Bé Yến Hương được bà chỉ cho cách dệt vải từ 2 năm nay, nên đã có thể cầm thoi và thao tác một cách cơ bản. Bé cũng đã biết thực hiện những đường thêu đơn giản. Yến Hương chỉ mới bắt đầu tập cầm kim khâu. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (14).JPG
Nhiều em bé mới chỉ 9, 10 tuổi đã có thể ngồi vào khung dệt. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (20).JPG
Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ bản Na chủ yếu là trang phục của phụ nữ nhóm Tày Thanh, với những hình thêu đường diềm, hình hươu, nai, muông thú với các gam màu trầm ấm đặc thù. Ảnh: Hữu Vi
bna_bản na (21).JPG
Từ hàng chục năm nay, sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ bản Na khá nổi tiếng ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, người dân các huyện khác như Quỳ Châu, Quỳ Hợp cũng mua các sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ bản Na. Nhờ sự vào cuộc của một số tổ chức phi chính phủ như Craft Link và các cấp, ngành địa phương cũng như sự quảng bá của các cá nhân trên mạng xã hội, nên khăn, váy, áo của phụ nữ bản Na được bán đi nhiều nơi như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều thương lái còn mua để bán sang Lào theo đường tiểu ngạch. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (4).JPG
Gần đây, nhiều chị em sản xuất các sản phẩm đa dạng hơn theo đơn đặt hàng. Khung cửi truyền thống vốn chỉ dệt những khổ vải hẹp, nay đã được cải tiến để dệt được các khổ vải rộng hơn. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (29).JPG
Hiện nay, bản Na đã được công nhận làng nghề. Bà Lô Thị Mai được cử làm Giám đốc HTX Làng nghề thổ cẩm bản Na. HTX Ban Mai Xanh do Hội LHPN và Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Kỳ Sơn phụ trách cũng đã và đang có những hoạt động kết nối giúp quảng bá các sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ huyện Kỳ Sơn ra thị trường. Ảnh: Đình Tuyên
bna_bản na (31).JPG
Hiện nay, phần lớn cư dân ở bản Na sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều chị em trẻ tìm đến các khu công nghiệp lao động cho thu nhập cao hơn. Vì thế, việc truyền lại nghề cho các thế hệ con cháu cũng là cách giúp nghề dệt thổ cẩm trong cộng đồng được gìn giữ. Ảnh: Đình Tuyên

Tin mới