V-League: Không chỉ chuyện của Tiến Linh

(Baonghean.vn) - Từ 2000-2001, V-League bắt đầu cho phép các đội bóng được sử dụng các cầu thủ ngoại binh với mục tiêu “giúp bóng đá Việt Nam phát triển” khi cầu thủ được thi đấu với đối thủ khỏe hơn, khó hơn, khán giả vào sân đông hơn…

Điều đó không sai khi các ngoại binh đã đem lại nhiều dấu ấn đáng kể trong các trận đấu, nhưng theo thời gian mọi việc không đơn giản như mong mỏi ban đầu. Có nhiều vấn đề, câu chuyện đã xảy ra, khiến nhiều người phải lên tiếng.

Mới nhất, chuyện tiền đạo số 1 của Đội tuyển Việt Nam và Becamex Bình Dương là Tiến Linh sau 8 vòng đấu vẫn "tịt ngòi", bởi sự độc tôn của anh đã chuyển sang tiền đạo ngoại binh hàng đầu V-League là Rimario, vua phá lưới các mùa giải gần đây.

Xuân Mạnh thực hiện pha kiến tạo chính xác mang về bàn gỡ hòa cho Sông Lam Nghệ An tại vòng 8 V-League. Ảnh: Phi Hùng

Xuân Mạnh thực hiện pha kiến tạo chính xác mang về bàn gỡ hòa cho Sông Lam Nghệ An tại vòng 8 V-League. Ảnh: Phi Hùng

Một huấn luyện viên Sông Lam Nghệ An từng nói chuyện với người viết rằng, có đội bóng hạng A thi đấu không cần chiến thuật cao xa gì cả, tất cả chăm chăm phòng ngự, có bóng là phá lên, phất lên cho 2 ngoại binh thi đấu cao nhất, họ sẽ đủ sức tì đè, đủ sức làm mọi việc cần thiết rồi ghi bàn!

Xem kỹ lại quả có thế khi đội bóng nói trên không có mục tiêu gì cao xa, không có tham vọng thứ hạng bởi lực lượng nội binh thường thường, ngoại binh cũng thường, chỉ chạy khỏe, thi đấu không biết mệt mỏi, cũng không dính chấn thương và mọi việc cứ “khoán trắng” để ngoại binh lo liệu.

Tất nhiên, nhiều đội bóng V-League có nền tảng đào tạo trẻ tốt, có truyền thống thì họ cũng phải mua sắm ngoại binh, thậm chí nhập tịch cầu thủ để bổ sung, tăng cường lực lượng để phục vụ tham vọng và mục tiêu đề ra. Không chỉ mua sắm tiền đạo mà nhiều vị trí cần thiết như trung vệ ngoại (để chọi lại các tiền đạo ngoại), tiền vệ phòng ngự ngoại (để đáp ứng yêu cầu sức mạnh trấn giữ tuyến giữa và tấn công) cũng được tính đến và thực hiện có hiệu quả.

Sông Lam Nghệ An từng trải qua nhiều thời kỳ mua sắm ngoại binh mát tay, từ tiền đạo tới tiền vệ, hậu vệ chất lượng. Nhưng dần dà do tiềm lực kém nên đội bóng thành Vinh chỉ có được các ngoại binh làng nhàng, không giúp được nhiều cho đội bóng, kể cả việc khoán gọn ghi bàn cũng không mấy hiệu quả như nhiều người từng biết.

Tiến Linh đã giải được cơn khát bàn thắng khi mở tỷ số cho Becamex Bình Dương. Ảnh: Đức Anh

Tiến Linh đã giải được cơn khát bàn thắng khi mở tỷ số cho Becamex Bình Dương. Ảnh: Đức Anh

Ở Becamex Bình Dương, lâu nay, vị trí tiền đạo chơi cao nhất đều do Tiến Linh nắm giữ và đây là số ít các chân sút nội ghi được nhiều bàn thắng ở V-League, một hiện tượng quý hiếm được phát huy không chỉ ở câu lạc bộ mà cả lên U23 và Đội tuyển Việt Nam. Nhưng đáng buồn là đội chủ sân Thủ Dầu Một lại mua sắm về một ngoại binh khủng, chơi đúng vị trí của “con cưng” Tiến Linh và giờ đây dẫn đến một kết cục đáng buồn cho cả hai: Cả Rimario lẫn Tiến Linh đều ít hoặc không ghi được bàn thắng và đội nhà đang chìm sâu dưới đáy bảng xếp hạng khi đã phải sử dụng liên tiếp 3 huấn luyện viên trưởng Lư Đình Tuấn, Nguyễn Quốc Tuấn và Lê Huỳnh Đức.

Nhưng câu chuyện đáng buồn, đáng nói không chỉ của riêng Tiến Linh mà của rất nhiều tiền đạo nội ở nhiều đội bóng V-League 1 và 2. Ngoại trừ Văn Quyết nổ súng đều đều thời gian qua, Tuấn Hải và nhiều chân sút nội ở Hà Nội FC rất ít được ra sân để chứng minh năng lực của mình, kể cả khi đàn anh Văn Quyết gặp sự cố. Tiền đạo con cưng Đức Chinh của ông thầy Park Hang-seo đi hết Đà Nẵng đến Bình Định, hai năm mới có một bàn thắng làm vốn. Ở Sông Lam Nghệ An, tiền đạo Hồ Phúc Tịnh là nhân tố tiềm năng, dày vốn nhất trên hàng công nhưng làm sao chiếm được chỗ của Olaha hay Soladio?

Ai ai cũng biết, cũng thấm thía điều này và từng nói tới nhiều giải pháp khắc phục nhưng mọi việc vẫn không thay đổi được theo hướng tốt đẹp hơn. Kinh tế sau đại dịch gặp khó đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư-tài trợ bóng đá và V-League không nằm ngoài xu thế chung đáng lo này. Đầu tư thì phải có kết quả, có thành tích nên ngoại binh phải được sử dụng, phải có bàn thắng, trận thắng, đồng nghĩa với việc các cầu thủ trẻ, các chân sút nội rất khó chen chân đá chính, rất khó chứng minh năng lực như chúng ta từng biết.

V-League là câu chuyện của các đội bóng nhưng cũng là nền tảng cơ bản cho một nền bóng đá, cho sức mạnh của U23 hay Đội tuyển Việt Nam. Thiếu thực chiến do bị chiếm chỗ, chỉ là kép phụ nên U22 Việt Nam có cơ hội mười mươi vẫn đánh mất tức tưởi ở bán kết SEA Games 32 trước người Indonesia khát khao và kinh nghiệm đầy mình đấy thôi. Nay đến lượt Đội tuyển Việt Nam sắp tập trung mà những Tiến Linh, Đức Chinh, Tuấn Hải… đều không có gì nổi trội ở 8 vòng đấu V-League thì ông thầy Philippe Troussier sẽ cân nhắc sao đây khi gọi lên tuyển và liệu gọi lên có đáp ứng yêu cầu mới không, hay chỉ mang theo một chút…hào quang từ dĩ vãng? Chuyện nóng không của riêng Tiến Linh, là theo ý nghĩa đó./.

Tin mới