V- League trở lại, lo ngại điều gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sau quãng nghỉ dài để Đội tuyển Việt Nam thi đấu ở ASIAN Cup 2023 và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đón Xuân Giáp Thìn 2024, V-League 2023-2024 trở lại với vòng đấu thứ 9 bắt đầu từ ngày 17/2.

Thật vậy, quãng nghỉ dài là cơ hội để các ông thầy mới như Kiatisuk khi đến Công an Hà Nội, Đức Thắng trở lại Viettel, Vũ Tiến Thành đến Hoàng Anh Gia Lai, Daiki đến Hà Nội FC… làm quen với các học trò, với triết lý vận hành đội bóng mới nhằm thực hiện các mục mục tiêu và tham vọng mới.

Với các đội bóng gặp khó trong 8 vòng đấu trước, các ông thầy như Nguyễn Thành Công, Nguyễn Trọng Bình, Phan Như Thuật… có thêm thời gian để củng cố lực lượng, tìm kiếm các giải pháp bổ sung, thay thế, tích cực đá giao hữu để duy trì thể lực, phong độ, nghỉ Tết ngắn ngày… nhằm tạo sự ổn định và bứt phá khi có cơ hội…

ha-noi-fc-2121.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Trong khi đó, các cầu thủ trong thành phần Đội tuyển quốc gia khi trở lại câu lạc bộ cũng phải bắt tay ngay vào guồng quay mới, dù không ở mức quyết liệt, đua tranh như khi thi đấu ở giải châu lục. Những bài học thành công hay thất bại sẽ “ngấm” dần vào quá trình luyện tập và thi đấu của họ. Đó là việc đáp ứng thể lực cho các giải đấu tập trung, ngắn ngày. Đó là những thói quen xấu ở V-League phải nhanh chóng bị loại bỏ nếu muốn nâng tầm thực sự. Và không chỉ cầu thủ, ban huấn luyện Đội tuyển Việt Nam, từ ông Philippe Troussier đến các trợ lý, phiên dịch… cũng phải nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm, phương pháp làm việc, việc nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới, rút kinh nghiệm sâu sắc sau những trận thua vừa qua…

Ông Troussier từng nhiều lần mong mỏi, hy vọng các đội bóng ở V-League trong mỗi vòng đấu sử dụng nhiều nhân tố trẻ, tạo cơ hội cho họ được rèn dũa, cọ xát và trưởng thành. Điều này là đúng đắn nhưng không dễ để ông thầy người Pháp được đáp ứng trọn vẹn, đầy đủ. Bởi các đội bóng có thực lực và tham vọng riêng, có mục tiêu và cách làm khác nhau, trừ Sông Lam Nghệ An cơ bản sử dụng dàn trẻ trong cả mùa giải. Chỉ tiếc rằng, trong số dàn cầu thủ trẻ trẻ ở đội bóng này ông Troussier hiện không “chấm” cầu thủ nào cho Đội tuyển Việt Nam và hy vọng có mặt ở U23 Việt Nam cũng không nhiều như mong đợi dù họ luôn cố gắng vượt bậc.

Hơn nữa, các câu lạc bộ không vận hành mọi việc như đội tuyển, từ lối chơi cho đến bố trí nhân sự nên rõ ràng, việc khó vẫn hoàn khó. Đình Bắc ở Quảng Nam phải thi đấu lùi sâu, nhường khâu tấn công cho ngoại binh, trong khi Thái Sơn không hẳn lúc nào cũng được đá chính ở Đông Á Thanh Hóa. Ông Troussier không ưa dùng Hoàng Đức ở giữa sân nhưng ở Viettel, cầu thủ này luôn được mặc định như sở trường lợi hại bậc nhất… Sự khác nhau này đòi hỏi cả thầy lẫn trò phải làm nhiều việc, nhiều thời gian mới có hy vọng thành công.

Để thấy, khi V-League trở lại là cơ sở để ông Troussier theo dõi phong độ từng tuyển thủ, tìm ra những nhân tố mới cho Đội tuyển Việt Nam. Nhưng mọi việc sẽ không dễ dàng cho ông thầy người Pháp, bởi điều ông muốn cầu thủ chơi “kiểm soát bóng” ở V-League là câu chuyện…phù phiếm. Chỉ có Hoàng Anh Gia Lai lâu nay thực thi lối chơi này nhưng lại chính là đội bóng luôn phải đua tranh để trụ hạng. Hà Nội FC hay Viettel cũng có thể cầm bóng giỏi nhưng họ không coi đó là sở trường. Nghĩa là các đội bóng phải linh hoạt theo thực tế, theo từng đối thủ, từng thế trận, nếu không nói là chủ yếu chơi theo cách “ăn chắc, mặc bền”, phòng ngự tốt rồi mới tính chuyện tấn công, phản công.

Tất nhiên, bản thân các đội bóng cũng như ban tổ chức, giới chuyên môn, truyền thông và người hâm mộ không khó để nhận diện những mặt yếu kém lâu nay của V-League. Nhưng vấn đề là sửa chữa đến đâu, lúc nào, triệt để hay qua chuyện. Trọng tài lâu nay là khâu yếu trong các điểm yếu, dù V-League đã có sử dụng VAR. Nếu trọng tài thực sự công bằng, nghiêm minh, không yếu bóng vía khi cầu thủ phạm lỗi, tiểu xảo, không bị vướng bận những chuyện ngoài sân cỏ… thì mọi chuyện sẽ dần sáng sủa lên. Đáng tiếc là sau mỗi vòng đấu lại có một hay nhiều chuyện khiến truyền thông lại vào cuộc rôm rả, mà không ít lần người ta cố tình bỏ qua, xem nhẹ để giải đấu… về đích an toàn?

Khi V-League trở lại, hy vọng cuộc đua giữa các đội bóng sẽ tăng nhiệt, hấp dẫn và thú vị, nhất là giữa các nhóm đội bóng tranh ngôi vua và nhóm tránh xuống hạng. Các đội bóng Thủ đô như Hà Nội FC, Công an Hà Nội, Viettel… khi được “thay tướng” liệu có “đổi vận” hay không đang được chờ đợi ở những vòng đấu tới? Thép Xanh Nam Định, Quy Nhơn Bình Định hay Đông Á Thanh Hóa cũng đang làm mọi việc để hiện thực hóa tham vọng của mình. Đó thực sự là những tín hiệu tích cực của V-League. Tất nhiên, cuộc đua nhóm cuối liên quan đến Khánh Hòa, Hoàng Anh Gia Lai, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Sông Lam Nghệ An cũng không kém phần quyết liệt, cũng đáng xem, đáng nói và hứa hẹn không ít bất ngờ.

Rất đáng chờ đợi các trận cầu nảy lửa, hấp dẫn, cống hiến từ các cặp đấu V-League tới đây. Còn nếu V-League vẫn cứ lặp lại nếp cũ, cứ ‘bổn cũ soạn lại” thì rất đáng lo ngại cho quá trình tìm kiếm, xây dựng lực lượng, lối chơi cho các đội tuyển quốc gia.

Tin mới