Vòng 5 V.League và những án kỷ luật đáng nói

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 13/12, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành các quyết định kỷ luật đối với những vi phạm tại Vòng 5 V.League 2023-2024.

Theo đó, Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phạt Đông Á Thanh Hóa số tiền 40 triệu đồng vì có 7 người bị phạt thẻ vàng trong trận đấu gặp MerryLand Quy Nhơn Bình Định; phạt 30 triệu đồng đối với Ban Tổ chức sân Quy Nhơn do để xảy ra tình trạng ném đồ vật xuống sân và làm mất an ninh, an toàn và phạt tiền, treo giò đối với một số cá nhân vi phạm khác…

bongdath.jpeg
Đông Á Thanh Hóa bị phạt số tiền 40 triệu đồng vì có 7 người bị phạt thẻ vàng. Ảnh: Congly

Điều đáng nhấn mạnh ở đây là gần như các đối tượng bị xử phạt, nhắc nhở đều là những “nhân vật chính” của các đội bóng như huấn luyện viên trưởng, trợ lý, phó trưởng đoàn, bác sĩ.., và tập thể các ban huấn luyện đội bóng, ban tổ chức sân. Nghĩa là vi phạm ở vòng 5 đã khiến cho V.League vốn đã nóng càng nóng hơn, bắt buộc Ban Kỷ luật Liên đoàn phải nhanh chóng vào cuộc xử lý.

Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những vi phạm nói trên, ai cũng có thể nhận thấy tất thảy đều do tính thiếu chuyên nghiệp của các cá nhân và tập thể trong điều hành, xử lý ở trên sân cỏ. Trận đấu để lại dư chấn ồn ào, đáng tiếc nhất diễn ra ở trên sân Quy Nhơn, khi đội chủ nhà bị dẫn trước 0-3, sau đó gỡ lại 2-3 dẫn tới những hành động nóng nảy, thiếu kiềm chế ở trên sân của cầu thủ chủ nhà trước các hành vi câu giờ, đá rắn của đội khách. Đáng lẽ ban huấn luyện chủ nhà phải giúp cầu thủ ổn định tâm lý để thi đấu thì lại có những hành vi gây hấn, phản ứng không đúng mực với cầu thủ và ban huấn luyện đội khách. Trong khi đó, Ban Tổ chức sân Quy Nhơn lại để khán giả kích động ném đồ vật xuống sân, sau trận đấu còn tiếp tục làm mất an ninh, an toàn cho không chỉ cầu thủ đội khách mà cả trật tự xã hội…

Trong khi ở V.League hiện nay, khán giả đến sân cổ vũ, động viên cầu thủ thi đấu không phải ở sân nào, lúc nào cũng đạt được các con số mong muốn. Có sân rất đông khán giả như Hàng Đẫy, Lạch Tray, Thiên Trường…, lại cũng có những sân khán giả thưa vắng dần như Thống Nhất, Vinh, Pleiku... Sân Quy Nhơn gần đây cũng không phải là nơi có đông khán giả đến sân, vậy nhưng, chỉ một trận đấu không có kết quả tốt đã ngay lập tức để xảy ra tình trạng lộn xộn, vô lối, rất đáng phê phán, thậm chí là cơ sở để người ta có thể “treo sân” nếu mọi việc không được ngăn chặn kịp thời.

Bài học rút ra sau những bản án không hề nhẹ dành cho các cá nhân và tập thể nói trên là phải chủ động trước mọi diễn biến ở trên sân, trên khán đài, trong khu vực kỹ thuật của các đội bóng. V.League đang cho thấy không có trận đấu nào là dễ dàng đối với ban tổ chức sân, đối với trọng tài, các cầu thủ cũng như đông đảo người hâm mộ. Sự cạnh tranh quyết liệt của các đội bóng là cơ sở cho những những trận đấu hay, cho sự chiến đấu, cống hiến của cầu thủ, nhưng sẽ là khó khăn cho các trọng tài khi xử lý tình huống ở trên sân.

Những mâu thuẫn cá nhân, những hành vi nóng nảy cũng dễ phát sinh ở trên sân, khán đài hay ở khu kỹ thuật các đội bóng… Vì vậy, nếu ban tổ chức sân có đủ phương án và lực lượng để chủ động ngăn chặn, xử lý, nếu các cá nhân biết tôn trọng luật lệ, tôn trọng đối thủ và tôn trọng khán giả thì sẽ giảm thiểu được mọi sự cố, biến cố không mong muốn.

Nhân câu chuyện kỷ luật ở vòng 5 V.League, cũng cần nhắc lại những hành xử đẹp, những hành động hay của cầu thủ ở trên sân, đang được dư luận khen ngợi, cổ vũ. Đó là hành xử của đàn anh Văn Quyết (Hà Nội FC) với đàn em Quang Vinh (Sông Lam Nghệ An) sau khi bị phạm lỗi, rằng “ta là anh em, không phải chú-cháu”, cố gắng lên! Đó là chi tiết các đàn anh Xuân Mạnh, Văn Hoàng sau trận Hà Nội FC thắng Sông Lam Nghệ An 2-0, đã nán lại trò chuyện, động viên các đàn em “Cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn”…

Tất nhiên, bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông, là đối kháng, đua tranh quyết liệt trên sân cỏ, nghĩa là không tránh khỏi va chạm, cãi cọ, điều tiếng. Nhưng trên sân có trọng tài, có luật lệ và có sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cầu thủ, có sự giám sát của người có trách nhiệm, của truyền thông và hàng nghìn con mắt của khán giả. Việc phải ban hành các bản xử phạt đối với từng cá nhân và tập thể nói cho cùng là điều không ai mong muốn. Nhưng chắc chắn, bản án nào cũng có tính răn đe, ngăn ngừa, tạo điều kiện để các cá nhân và tập thể vi phạm có cơ hội sửa chữa, khắc phục, nhằm góp phần cho giải đấu đi về đích thành công.

Hy vọng sau vòng 5 V.League, những vi phạm tương tự sẽ không tái diễn và không có “đất diễn” trước hết là từ ý thức, trách nhiệm của những người trong cuộc. Đông đảo người hâm mộ đồng tình với hành xử của Ban Kỷ luật và tiếp tục đồng hành, ủng hộ, cổ vũ các trận đấu ở V.League 2023-2024 cũng như tất cả các trận đấu, giải đấu khác, thực sự giúp nâng tầm chất lượng giải đấu và bóng đá Việt Nam để hướng đến một bước phát triển trong thời gian tới./.

Tin mới