Cơ hội đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ

(Baonghean) - Ngày 4-5-2011, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội ký Quyết định nâng cấp từ Trường Trung cấp nghề số 4 thành Trường Cao đẳng Nghề số 4 - Bộ Quốc phòng, đã mở ra những cơ hội mới trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, các đối tượng chính sách và người lao động trên địa bàn Quân khu 4.
 
Được thành lập vào tháng 12/1993, Trung tâm Xúc tiến việc làm Quân khu 4 được giao nhiệm vụ giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ và các đối tượng chính sách xã hội; góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị đã thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ chế từ đơn vị bao cấp sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ về tài chính, đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2002, Trung tâm Xúc tiến việc làm Quân khu 4 được nâng cấp thành Trường dạy nghề số 4, năm 2007 thành Trường Trung cấp nghề số 4, Bộ Quốc phòng.
 
Thượng tá Nguyễn Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng, cho biết: Với phương châm “Chất lượng đào tạo là lựa chọn hàng đầu, giải quyết việc làm là ưu tiên số một’’, 18 năm qua, Trường đã đào tạo cho hơn 52.000 học sinh, sinh viên; giới thiệu việc làm cho gần 10.000 lao động thuộc nhiều đối tượng, trong đó ưu tiên bộ đội xuất ngũ và con em gia đình chính sách. Quy mô đào tạo của nhà trường không ngừng phát triển; chương trình, giáo trình đào tạo nghề được hoàn thiện và luôn được cập nhật phù hợp với thực tế yêu cầu cho 15 ngành nghề; mở thêm 02 cơ sở đào tạo trên các tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thanh Hóa; lưu lượng đạt trên 10.000 học sinh, sinh viên/năm; 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. 

                 Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB &XH 
              thăm Trường Cao đẳng nghề số 4   (Ảnh tư liệu của đơn vị)

Bám sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động, những năm qua, Nhà trường tiến hành đào tạo 9 nghề trình độ cao đẳng, 26 nghề trình độ trung cấp, 37 nghề trình độ sơ cấp.  Từ năm 2001 đến 2010, Trường đã tích cực tổ chức các hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; tăng cường khả năng, năng lực cho lực lượng dự bị động viên quốc phòng... Nhà trường đã chủ động hợp tác với các công ty, nhà máy, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước và các thị trường lao động ở nước ngoài để giới thiệu và giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
 

Hiện nay, Nhà trường đang thực hiện chuẩn hoá, nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; chú trọng, tuyển dụng, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh và chuyên gia lành nghề; phấn đấu đến 2015 có trên 80% có trình độ đại học, trong đó 40% có độ thạc sỹ trở lên; Đồng thời khẩn trương hoàn thiện, chuẩn hoá chương trình đào tạo; xây dựng những nghề trọng điểm, có tính chất mũi nhọn, phù hợp với khả năng của trường và nhu cầu sử dụng nguồn lực của xã hội. Để tăng cường nguồn lực, từ vốn ODA7 của Cộng hòa Áo, vốn theo chương trình đầu tư nghề trọng điểm và các nguồn khác để nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật từ hệ thống giảng đường, nhà xưởng, ký túc xá. Kết hợp đổi mới phương pháp giảng dạy với nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới để phục vụ dạy học; tăng cường thời gian đào tạo thực hành; đào tạo gắn với doanh nghiệp, với thực tiễn cơ sở sản xuất; dạy nghề gắn với dịch vụ, kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ.
 
Đại tá Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Là trường dạy nghề của quân đội, chúng tôi chú trọng đào tạo toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Học sinh, sinh viên không chỉ được đào tạo có tay nghề vững mà còn được rèn luyện, tu dưỡng trong một môi trường nhân văn để hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt; khi ra trường không chỉ có tay nghề giỏi, tác phong công nghiệp, thích ứng với thị trường lao động, mà còn có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, yêu lao động, có tính kỷ luật cao.

Trần Hoài

Tin mới