Xung quanh chuyện tìm mộ: Góc nhìn khoa học

Sau khi tìm kiếm mộ tại các điểm tự nhận có khả năng tìm mộ bằng phương pháp tâm linh, nhiều người tự cho mình được "vong" của các liệt sỹ nhập vào và có khả năng tìm kiếm mộ.

Cùng với đó có nhiều người mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh. Nhưng do nhận thức chưa đầy đủ một số người cho rằng là bị "ma ám", nguy hiểm hơn nhiều gia đình tự chữa trị bằng phương pháp dân gian như dùng bùa yểm, roi dâu để đánh đập đuổi tà ma gây thương tích cho những người rối loạn thần kinh. Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn Bác sỹ Phạm Ngọc Ngô- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An về hiện tượng dân gian mà gọi là "ma ám" dưới góc nhìn của chuyên khoa tâm thần học.

PV: Qua việc điều trị các trường hợp bị bệnh được cho là "ma ám" liên quan đến việc cầu vong liệt sỹ, xin bác sỹ cho biết nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh trên?

 

BS Phạm Ngọc Ngô: Các bệnh nói trên thuộc nhóm các rối loạn tâm thần có căn nguyên sang chấn tâm lý (Psychogenic), hay nói cách khác là có liên quan đến yếu tố tâm lý. Nguyên nhân gây bệnh có 3 yếu tố đó là: Sang chấn tâm lý, nhân cách và môi trường.


Sang chấn tâm lý là tất cả những việc, những hoàn cảnh trong các điều kiện sinh hoạt xã hội trong mối liên quan phức tạp giữa người và người tác động vào tâm thần gây ra những cảm xúc mạnh (phần lớn là tiêu cực, sợ hãi, lo lắng, tức giận...). Việc tìm mộ liệt sỹ là khát vọng nung nấu, dồn nén trong lòng thân nhân liệt sỹ là vết thương lòng khó phôi pha, chính là sang chấn tâm lý mang một ý nghĩa thông tin đặc biệt vừa mạnh về cường độ và kéo dài về thời gian (trường diễn trong mấy chục năm qua). Đây là một dạng Stress mạnh.

Những người bệnh được cho là bị "nhập vong" hầu hết là phụ nữ, qua xem xét họ là những người thuộc nhân cách yếu (thần kinh yếu), có tính tự kỷ ám thị cao nên rất dễ bị ám thị. Như một quy luật, các nhân cách hoạt động trong môi trường có tác động qua lại và cảm ứng với nhau mật thiết. Khi cảm ứng tiêu cực có thể gây ra bệnh tập thể. Khi cảm ứng tích cực thì tác động ngược lại. Những người tìm đến các điểm tìm kiếm mộ liệt sỹ trong môi trường khói hương nghi ngút, kẻ khóc, người cười, múa, hát bất thường, với tâm trạng lo âu thấp thỏm, mong muốn được "vong ốp", chờ đợi mệt mỏi... thì việc khởi phát bệnh là điều khó tránh khỏi.


P.V: Bác sỹ có thể cho biết cụ thể về triệu chứng của các bệnh nhân sau khi đi tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp tâm linh trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?


BS Phạm Ngọc Ngô: Ở những người nhân cách yếu, trước kích thích của một sang chấn tâm lý mạnh, không tự kiềm chế được vỏ não sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái ức chế và cảm ứng dương tính vùng dưới vỏ làm giải thoát hoạt động bản năng như gào thét, khóc lóc, giẫy dụa...

Hoạt động dưới vỏ tăng cường cảm ứng âm tính trở lại vỏ não, đưa vỏ não vào trạng thái giai đoạn hoặc bao vây các khu vực nhất định của vỏ não bằng vòng đai ức chế. Trong trạng thái giai đoạn tính ám thị tăng cao, biểu hiện của bệnh rất đa dạng, phong phú về triệu chứng: Các cơn phân ly, giãy dụa, co giật; cơn kích động cảm xúc: cười, khóc, la hét...; cơn ngất lịm: người bệnh cảm thấy mình mềm dần ra rồi ngã ra từ từ (thuật ngữ y học quốc tế ký hiệu là F44.2 sững sờ phân ly); các rối loạn vận động: gật đầu, lắc đầu, run, liệt; rối loạn cảm giác: mất cảm giác thường là cảm giác nông không phân bố theo quy luật giải phẫu (F44.7 tê và mất cảm giác); rối loạn giác quan: mù đột ngột nhưng đáy mắt bình thường, phản xạ đồng tử còn tốt; các rối loạn thực vật nội tạng: nôn, nấc, co thắt ruột, thực quản (F45.0 rối loạn cơ thể hóa).

Triệu chứng về tâm thần, cảm xúc không ổn định, biểu hiện dễ khóc, dễ cười, dễ buồn, tri giác rất nhạy cảm với kích thích giác quan, ảo giác từng lúc (có thể nghe tiếng nói trong đầu). Những người mắc phải triệu chứng này, chủ yếu là tư duy cụ thể, phân tích, tổng hợp, suy đoán thường nông cạn, thường nói về bản thân mình, lời nói lên bổng xuống trầm, kèm theo điệu bộ kịch tính, nhi tính, người đa nhân cách, trí tưởng tượng phong phú, bịa chuyện làm cho câu chuyện thêm ly kỳ. Tác phong hành vi kịch tính phô trương, nhiều hành vi tự phát thiếu suy nghĩ.


P.V: Vậy phương pháp chữa trị cho những người mắc chứng bệnh rối loạn tâm thần nói trên nên thực hiện như thế nào thưa ông?


BS Phạm Ngọc Ngô: Có thể coi tâm linh và ngoại cảm song hành cùng chuyên khoa tâm thần. Tâm linh không thể có ở những người mất hết các hoạt động tâm thần. Các bệnh nhân nhập viện sau khi đến các điểm tìm kiếm mộ liệt sỹ về đều mắc triệu chứng không ngủ được, cứ cho là người này, người kia nhập vào mình. Có nhiều người bị rối loạn tâm thần do uống phải thuốc gây ảo giác. Họ không mất tiếp xúc với thực tại và nhận thức được bệnh lý của mình.

Đây là bệnh có thể chữa được. Vì vậy, các bệnh nhân cần được điều trị theo phương pháp tâm lý trực tiếp như: giải thích hợp lý, ám thị, thôi miên, thư giãn, luyện tập... kết hợp với thuốc an thần để chấn an tinh thần. Nếu như để các yếu tố "lợi lộc thứ phát" (từ chuyên môn trong y học) bệnh thành mãn tính là rất khó chữa.

Đặc biệt trong quá trình điều trị cần phải cách ly môi trường, thoát khỏi môi trường dẫn đến gây bệnh. Do không hiểu biết nên nhiều gia đình sau khi có người thân mắc chứng hoảng loạn tâm thần cho rằng bị "ma ám" và dùng các phương pháp dân gian như dùng bùa yểm tà ma, đánh đập người bệnh gây thương tích như thời gian qua là rất nguy hiểm. Mong muốn của chúng tôi là những gia đình có người bệnh hãy nhìn nhận một cách tỉnh táo, khoa học.


P.V: Cảm ơn bác sỹ!

Thanh Lê (thực hiện)

Tin mới