Bàn thêm về “bệnh” vô cảm

(Baonghean) - Từ câu chuyện một bé gái bị liên tiếp hai chiếc xe tải tông gây trọng thương trên đường phố ở Trung Quốc mà có tới 18 người đi qua vẫn thờ ơ, mấy ngày gần đây các phương tiện thông tin của nước ta cũng liên tục lên tiếng về sự vô cảm của một số người trong cộng đồng.
 
Chương trình thời sự đêm 30/10/2011 của VTV có nêu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực xã hội học phân tích nhiều nguyên nhân gây nên “bệnh” vô cảm của con người hiện đại, trong đó có lý do sợ bị liên lụy. Việt Nam hiện vẫn đang là một trong những quốc gia có số vụ tai nạn giao thông xảy ra hàng năm khá lớn. Sự quan ngại nhất vẫn là con số tử vong trong các vụ tai nạn vẫn cao. Và không thể không thừa nhận, nhiều ca tử vong do sự chậm trễ được đưa đi cấp cứu từ sự vô cảm, sợ liên luỵ, phiền hà  của người qua đường.  

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quộc lộ 1A đoạn giáp ranh xã Nghi Liên và Nghi Kim (TP. Vinh)

Khi gặp một vụ tai nạn giao thông, người bị nạn đang nằm đó, thì việc người qua đường đi qua một cách dửng dưng đã đành; có nhiều người còn xúm lại xem chỉ vì tò mò mà không làm gì để giúp người bị nạn. Có người chỉ dừng lại ngó xem có phải người thân quen của mình không, nếu không lại thản nhiên bỏ đi. Sự vô cảm còn tới mức có những kẻ lợi dụng sự nhốn nháo trong các vụ tai nạn giao thông để có hành vi trộm cắp tài sản của người bị nạn đang bất tỉnh. Hay trên quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa 2 xã Nghi Liên và Nghi Kim (TP. Vinh), đã xảy ra việc người dân đổ xô ra lo “hôi của” từ xe ô tô trong các tai nạn nghiêm trọng mà không bận tâm đến tính mạng người bị nạn. Khi được hỏi, người dân trả lời, tai nạn bị thương, chết người ở đoạn đường này là… chuyện thường mà! 
 
Trở lại nguyên nhân do sợ bị liên lụy. Bản thân người viết đã gặp hai  trường hợp đưa người bị tai nạn đi cấp cứu và đã gặp những phiền lụy khiến cho những lần sau đó rất ngại ngần khi phải dừng lại để cứu giúp người bị tai nạn. Một lần có một thanh niên bị tai nạn xe máy bất tỉnh ở ngã tư Vườn hoa Vòi Phun (TP. Vinh); kẻ gây tai nạn đã bỏ chạy. Tôi dùng xe máy cùng một người nữa đưa nạn nhân xuống phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đó, một cán bộ cảnh sát giao thông đến sau để thực hiện điều tra đã tỏ thái độ hạch sách, tra vấn tôi đủ điều khi chưa nắm rõ vụ việc và chưa biết tôi là ai.
 
Một lần khác, cũng tại địa điểm đó, một cô gái trẻ cũng gặp tai nạn tương tự. Tôi đã đưa cô gái xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Vừa tỉnh lại cô gái cho biết quê ở huyện Quỳnh Lưu, làm nghề thợ may ở trọ tại phường Lê Mao. Sau đó cô gái đã tự nhận tôi là người quen biết khiến tôi đã gặp phiền phức không ít. Mặc dù tôi đã thanh minh nhưng những người xung quanh vẫn không thông cảm và cho rằng, nếu tôi không quen biết sao lại nhiệt tình đến thế(!).
 
Nhưng đâu phải “bệnh” vô cảm chỉ có trong những trường hợp tai nạn giao thông. Thiển nghĩ, loại “bệnh” này đã phổ biến “toàn diện” trong đời sống xã hội. Đơn cử, đi công tác miền núi, vị cán bộ có trách nhiệm ở một huyện nọ đã thản nhiên lấy chuyện đồng bào dân tộc ít người lấy tiền hỗ trợ làm ăn đi mua rượu uống làm câu chuyện vui. Người nghe cũng coi đó là câu chuyện giải trí mà không mảy may suy ngẫm. Người dân vùng bị thiên tai bão lụt đang đói khát chờ cứu trợ thì hàng cứu trợ bị cán bộ cơ sở cắt xén hoặc chia chác không đúng đối tượng. Hay như tại các khu dân cư, hàng xóm chứng kiến những vụ bạo hành dã man, xâm hại phụ nữ và trẻ em một cách vô nhân tính mà vẫn dửng dưng, coi đó “là chuyện của người ta”.v.v…
 
Nêu vài ví dụ nhỏ thế, để nói rằng đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động trong xã hội và cả trong mỗi chúng ta trước căn “bệnh” vô cảm ngày một nặng./.

Anh Vũ

Tin mới