Ngăn ngừa lao động xuất khẩu vi phạm hợp đồng

(Baonghean.vn) Thời gian gần đây, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh gặp một số khó khăn nhất định bởi thị trường bị thu hẹp. Nguyên nhân là tình trạng lao động Việt Nam nói chung và lao động Nghệ An ở nước ngoàinói riêng ý thức kỷ luật lao động kém, vi phạm hợp đồng, bỏ trốn, vi phạm pháp luật nước sở tại. Cùng với các bộ, ngành chức năng, tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng nói trên.


Tháng 8 vừa qua, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã tạm dừng kỳ thi tiếng Hàn dành cho lao động Việt Nam, và tháng 10 này cơ quan chức năng Ả Rập Xê-út đã bắt giam 28 lao động Việt Nam. Nguyên nhân là do hàng nghìn lao động tại Hàn Quốc đã hết hạn hợp đồng nhưng bỏ trốn, không chịu về nước. Ví dụ như: tại Ả Rập Xê-út, 28 lao động Việt Nam bị bắt quả tang đang lấy trộm 10 tấn đồng của Công ty Mohammed Salim Al Suwaidi mang đi tiêu thụ... Những vụ việc này chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của lĩnh vực xuất khẩu lao động Việt Nam. Tình trạng người lao động kém ý thức chấp hành pháp luật đang khiến Việt Nam thu hẹp, mất đi những thị trường lao động truyền thống và gây không ít khó khăn cho việc mở rộng thị trường mới. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, hiện vẫn có hàng nghìn lao động Việt Nam đang bỏ trốn tại Hàn Quốc, trong đó có 187 lao động người Nghệ An.

Ngăn ngừa lao động xuất khẩu vi phạm hợp đồng ảnh 1

Một góc xã Diễn Tháp - Diễn Châu- xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động

Anh Nguyễn Văn Tuấn, 30 tuổi, thường trú tại phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh - người vừa hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc trở về, cho biết: "Nguyên nhân khiến lao động bỏ trốn là do các chủ sử dụng lao động nước ngoài thích sử dụng lao động bất hợp pháp, vì không mất tiền đóng bảo hiểm, không mất chi phí môi giới, giá nhân công rẻ hơn lao động hợp pháp, không mất thời gian đào tạo nghề... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của một bộ phận lao động chưa cao; quá trình tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng lao động của các doanh nghiệp và chính quyền địa phương cơ sở chưa tốt".

Theo ông Trần Văn Ý - Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực Việt Nhật, chi nhánh Nghệ An, cho rằng: "Khi lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng thì bên kia báo về công ty mới biết. Để hạn chế tình trạng lao động vi phạm, chúng tôi quyết tâm làm tốt khâu sàng lọc tuyển chọn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những quy định nghiêm hơn. Các văn bản quy định của Nhà nước luôn ưu tiên và bảo vệ quyền lợi người lao động, song đi liền đó cần thực hiện nghiêm các chế tài -ví dụ như đối với những lao động bỏ trốn không chịu quay về, luật có quy định sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng thực tế chưa có ai bị truy cứu".


Xuất phát từ thực tế này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng "Đề án ngăn ngừa tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng". Tại Nghệ An, ngay từ đầu tháng 8, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã đề ra những biện pháp khắc phục những tồn tại nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về ý thức chấp hành đầy đủ, nghiêm túc những quy định về đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; yêu cầu các gia đình động viên con em cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài về nước để hưởng chính sách ưu tiên tái tuyển dụng.

Các biện pháp, chế tài nghiêm khắc khác cũng đã được tỉnh áp dụng: chính quyền các xã, phường, thị trấn không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của người đăng ký dự tuyển đi làm việc tại nước ngoài khi những lao động này đang có anh, em ruột cư trú bất hợp pháp tại đó; đối với những xã, phường, thị trấn có từ 3 người trở lên đang bỏ trốn, hoặc cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài, thì lao động của địa phương đó sẽ không được tiếp nhận hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại nước ngoài theo chương trình cấp phép; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho những lao động đi làm việc tại nước ngoài sau khi hoàn thành hợp đồng tìm được việc làm mới, hợp pháp thông qua tư vấn giới thiệu tại nước bạn...


 
Ông Lê Huy Vinh, chuyên viên Phòng Lao động - việc làm - tiền lương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An, cho biết: "Sở đã, đang và sẽ thực hiện nghiêm các biện pháp mang tính cấp thiết của tỉnh đề ra, đặc biệt là các chế tài đối với những địa phương có lao động vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động đối với các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài".

Thành Chung

Tin mới