Về một ngọn tháp cổ độc đáo

(Baonghean) - Năm 1994, Nhà nước ta tổ chức khai quật di tích Tháp Nhạn - Hồng Long Nam Đàn, Nghệ An. Tổng số thu được 318 hiện vật. Ngoài vật liệu xây dựng như gạch ngói còn có đồ thờ, cúng và đồ mai táng.

Đồ thờ được trang trí  đẹp, trên đó có những bông hoa 12 cánh, 6 cánh. Đặc biệt, đồ mai táng có “ Hộp đựng xá lị ở đây cũng khá độc đáo, gồm 2 hộp lồng vào nhau. Hộp ngoài bằng đồng hình chữ  nhật, dài 12cm, rộng 8cm, cao 8cm... Hộp trong bằng vàng hình chữ nhật, dài 8cm, rộng 5,7cm. Nắp hộp được trang trí một khung hình chữ nhật các hoa hình 6 cánh có nhị. Bốn mặt hộp được trang trí  các khung hình chữ nhật các hoa ba cánh chụm lại với cuống có 2 đôi cánh đối xứng” (Hoàng Xuân Chinh/Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 92/ 2007).

Tháp  được xây dựng bằng nhiều loại gạch có những kích thước khác nhau phần lớn không có hoa văn, số  còn lại có hoa văn như văn hoa sen, văn hình mặt người... Mặt bằng chân tháp gần hình vuông, cạnh Bắc - Nam dài 9,20m, cạnh Đông - Tây dài 9m, phần chân tháp cao 2,30m gồm 2 phần: phần đế cao 0,70m, phần bệ  cao 1,60m. Phần đế và bệ đều xây theo lối giật cấp, thành đế dày 2,30m, thành bệ dày 1,60m. Bao quanh đế tháp là sân tháp lát gạch hình vuông, cạnh Bắc - Nam rộng 14,20m, cạnh Đông - Tây rộng 14m... Móng tháp sâu 0,95m. Lòng tháp xây giật cấp trên rộng dưới hẹp. Trên rộng 5,73m . 5,60m, dưới là 3,2m. 3,18m. Các hàng gạch xếp không trùng mạch và không có chất kết dính (Văn hóa Nghệ An).

Lấy kích thước này đem so sánh các tháp trong nước và ở Trung Quốc, như: Tháp Phật Tích (Bắc Ninh ); tháp Chương Sơn (Nam Định ) và hai tháp ở Trung Quốc thời Đường là Tháp Tiểu Nhạn và Tháp Đại Nhạn thì Tháp Nhạn  ở Hồng Long cao chừng 50m. Gạch xây ở Tháp Nhạn có nhiều loại với màu sắc và kích thước khác nhau. Ví dụ loại gạch lớn có kích thước: 40 . 20 .5cm; loại nhỏ: 28 .12 .2cm. Các nhà nghiên cứu tìm thấy trên viên gạch xây tháp có ghi dòng chữ “Đường Trình Quán lục niên”, nghĩa là viên gạch được sản xuất vào năm thứ sáu niên hiệu Trình Quán đời nhà Đường, đầu thế kỷ thứ VII, khoảng năm 632.


Theo ông Hoàng Xuân Chinh, qua nghiên cứu hộp xá lị, thấy rằng có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố văn hóa Việt - Ấn –  Hoa trong nghệ thuật Phật giáo đương thời. Yếu tố Trung Hoa được thể hiện trên vật liệu kiến trúc và hoa văn trang trí. Yếu tố Ân Độ  được thể hiện ở sự có mặt của hộp xá lị đặt trong thân cây chôn đứng. Yếu tố Việt được thể hiện từ văn hóa Đông Sơn trong việc chôn người chết để trong quan tài bằng thân cây khoét rỗng dựng đứng.


Vậy, xin nêu một số đề xuất:


1. Ở Hồng Long ngày nay có 6 di tích lịch sử văn hóa thuộc các cấp quản lý, trong đó có Di tích lịch sử văn hóa Nhạn Tháp. Đây là  một ngọn tháp Phật giáo độc đáo cổ ở  nước ta có thể ra đời cùng với sự ra đời của hệ thống chùa Tứ pháp ( Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ) ở đồng bằng Bắc bộ  vào những năm đầu Công nguyên và lúc bấy giờ  Tháp Nhạn cũng là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam. Vì vậy, các ngành, các cấp có liên quan cần có cách tiếp cận tích cực để nhận thức sâu sắc về  trung tâm Phật giáo vào loại cổ  nhất này ở nước ta.


2. Từ Tháp Nhạn đến các di tích lịch sử quan trọng ở Nam Đàn, như Kim Liên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Mai Hắc Đế, Thành Lục Niên....bán kính chừng 5 đến 7 cây số. Vì vậy, rất dễ cho việc thực hiện có hiệu quả các tour du lịch ở vùng quê này


3. Đề nghị các cấp có thẩm quyền và các tổ chức có liên quan nghiên cứu, lập dự án, quyết định chủ trương phục dựng ngọn Tháp Nhạn ở Hồng Long, Nam Đàn, Nghệ  An


4. Rất mong muốn các nhà đầu tư  trong nước và ngoài nước, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, những người con quê hương gần, xa... quan tâm, cùng nhau góp sức, lực để phục dựng nên ngọn tháp Phật giáo  – Tháp Nhạn - Hồng Long.

Bùi Đình sâm

Tin mới