“Sai một ly, đi một dặm”

(Baonghean) Bác Hồ đã dạy “cán bộ là cái gốc của công việc, công việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay kém”; thực tiễn cũng đã chứng minh công tác cán bộ là khâu then chốt, là trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Do vậy, việc thực hiện công tác cán bộ phải cực kỳ cẩn trọng, tỉnh táo, nếu lựa chọn, bố trí cán bộ sai thì... “sai một ly, đi một dặm”.

Vậy nhưng vì nhiều lý do, ở một số nơi, một số ngành do chưa xác định được công tác cán bộ là vấn đề cực kỳ hệ trọng, “đường lối nào phải có cán bộ ấy” để thực hiện và cán bộ phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị nên mới có tình trạng một số cán bộ chủ chốt của cấp xã, huyện hoặc tương đương... người thì yếu về chuyên môn, người thì thiếu tín nhiệm trong tập thể, người thì không trúng vào cấp ủy, thậm chí có người không hoàn thành nhiệm vụ... Nói chung là yếu về năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, cá biệt còn có người sa sút về lối sống, đạo đức lại “bị” điều về huyện, tỉnh, ngành làm cấp phó, hoặc cấp tương đương.

Cách bố trí “luân chuyển” cán bộ như vậy vô hình trung biến một số tổ chức, lĩnh vực, nhất là các đơn vị thuộc diện theo dõi “phong trào” thành cái nơi “thu dung” cán bộ cốt cán “kém chất lượng” và hệ quả tất yếu là “cán bộ nào thì phong trào ấy”! Chưa hết, cách làm trên còn khiến số cán bộ có năng lực của đơn vị bỗng dưng thành ra “quy hoạch treo”, thậm chí còn “nẩy sinh tư tưởng”, giảm nhiệt huyết phấn đấu... Vậy là từ cách bố trí cán bộ rất bất cập ấy đã “sai một ly” không phải “đi một dặm” nữa mà, tới tận “hai, ba, bốn dặm”, bởi sự hiện diện của cán bộ yếu kém đó không chỉ làm ảnh hưởng đến phong trào, sự phát triển của đơn vị, mà còn tạo nên sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào tổ chức, cấp trên của đội ngũ cán bộ kế cận, có năng lực, có phẩm chất tốt; nguy hiểm hơn nữa là làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng ta.

Tuy nhiên, điều đáng buồn nhất lại như câu trả lời chất chứa đầy bất lực của một vị lãnh đạo đầu ngành nọ: “Thực ra chúng tôi biết rất rõ, nhưng biết làm sao được với số cán bộ đó. Họ là những người làm việc thì không hiệu quả, cấp dưới nào cũng chê, phong trào của đơn vị thì trì trệ, nhưng khi bỏ phiếu tín nhiệm lại vẫn đạt yêu cầu, thậm chí có người còn “trăm phần trăm”, không vi phạm kỷ luật. Làm sao miễn nhiệm, cách chức được vì chưa có “tiền lệ”, mà để tại chỗ còn tệ hại hơn nên đành phải thực hiện “chính sách cán bộ” bố trí đi “ngang” hoặc đi “lên” làm cấp phó để “ngồi chơi xơi nước” và chờ “lĩnh lương tháng”. Vẫn biết là chưa có tiền lệ nên sẽ gặp một số khó khăn bước đầu. Do vậy, cần phải tạo ra tiền lệ để tạo nên tư duy “làm cán bộ có lên, có xuống” là sự thường. 

Vấn đề là, phải tạo thói quen cho người trong cuộc và cả dư luận trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; đặc biệt là người đứng đầu và những người có trách nhiệm trong việc đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ cần phải thẳng thắn, khách quan theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “lấy hiệu quả công tác làm thước đo để đánh giá cán bộ”.

Việt Long

Tin mới