Một câu chuyện cảm động

(Baonghean) - Đơn vị tôi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Cam-pu-chia từ năm 1979 đến năm 1986. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều tấm gương chiến đấu hi sinh cao cả, đầy lòng nhân nghĩa của bộ đội tình nguyện Việt Nam, trong đó có đồng chí Đặng Văn Tới - Trung đội trưởng Công binh đoàn 2 (Sư đoàn 8, Quân khu 9)

Đặng Văn Tới quê ở Nghi Liên (TP. Vinh), nhập ngũ 15/8/1978. Học hết lớp 10, Tới vào bộ đội. Cuối năm 1981, tình hình trên đất bạn Cam-pu-chia vẫn còn rất phức tạp. Bọn tàn quân Pôn Pốt tăng cường chống phá thành quả cách mạng của bạn. Mùa màng thất bát, nhân dân thiếu lương thực, nạn đói hoành hành. Trung đội của Tới  phải bớt khẩu phần ăn của mình để cứu đói cho dân, đưa gạo đến từng nhà, chăm sóc người già, trẻ em và cấp thuốc chữa bệnh cho người đau ốm; vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, đẩy lùi nặn đói. Vào một ngày tháng 2/1982, trên đường đi đến Cốt Sa La nhận nhiệm vụ, Tới đã gặp một phụ nữ Căm-pu-chia tên là Vân Na, chị đang chuyển dạ sinh thì trời đổ mưa. Thấy chị rất lo sợ, Tới đã dùng tiếng Căm-pu-chia trấn an chị: "Chị cứ yên tâm, bộ đội Việt Nam sẽ giúp chị"

Bà mẹ Campuchia rót nước uống cho các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

                                                                                  Ảnh minh họa

Nhìn thấy người phụ nữ đau đớn, vật vã, kêu cứu Tới không khỏi lúng túng. Anh lấy nilon và cành cây dựng tạm một túp lều che mưa cho chị, rồi lấy lương khô của mình cho chị ăn; chị đã bị đói mấy ngày nay nên sức khỏe suy kiệt, được ăn, chị đã tỉnh dần. Người phụ nữ Căm-pu-chia đã bình tĩnh lại và tỏ ra cảm động, chắp tay vái lạy: "Xin bộ đội Việt Nam cứu mẹ con tôi!”. Sau gần 20 phút vật lộn, toát mồ hôi dưới trời mưa gió, có lúc, Tới lo lắng tưởng như nghẹn thở. Anh đã dùng dao găm cắt rốn cho em bé. Một cháu trai kháu khỉnh đã oa oa cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng đến trào nước mắt của người lính tình nguyện Việt Nam và người mẹ trẻ Căm-pu-chia.

Bỗng một loạt cối 82 ly nổ liên tiếp, chát chúa. Tới vội vàng lấy thân mình che cho mẹ con cháu bé. Anh bị một mảnh đạn găm vào đầu, máu lênh láng… Anh ngất đi, đến khi đơn vị đưa về trạm phẫu thuật của trung đoàn thì anh đã trút hơi thở cuối cùng, dưới tán cây thốt nốt trên đất nước Chùa tháp vào một ngày đầu Xuân…

Nghe tin Đặng Văn Tới hy sinh, chị Vân Na bàng hoàng như bị mất người thân và để tang anh Tới như để tang anh trai mình. Một thời gian sau, chị đã kêu gọi chồng mình là anh Xê Noi, lính của Sư đoàn 310, Quân khu Tây Nam, do tướng Tà Mốc chỉ huy để về đầu thú cách mạng. Sau đó "Tiểu đoàn TNXP" của Khơ Me đỏ mà chị đã từng tham gia cùng quay về đầu hàng cách mạng.

Anh Xê Noi và chị Vân Na hết sức xúc động trước hành động cao cả của Đặng Văn Tới. Họ bàn nhau đặt tên con trai là Đặng Văn Nghĩa để ghi tạc ân nghĩa sâu nặng của Trung đội trưởng Đặng Văn Tới, của bộ đội Việt Nam.

Nguyễn Văn Tài (108 đường Héc Man, TP. Vinh)

Tin mới