Băn khoăn ở Nghi Xá…

(Baonghean) - Về Nghi Xá (Nghi Lộc) trong những ngày cuối năm, khác với vẻ hối hả nhộn nhịp ở các nơi khác, nhịp điệu cuộc sống ở Nghi Xá vẫn chậm rãi, bình lặng. Nhiều người trong độ tuổi lao động vẫn rảnh rỗi đi uống chè xanh hết nhà này qua nhà khác, buổi này qua buổi khác… Ấy là vì họ đang thiếu việc làm.

Xã Nghi Xá là địa phương đứng đầu huyện Nghi Lộc về diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ cho xây dựng khu công nghiệp. Trong tổng số 2.104 lao động của Nghi Xá hiện nay, chỉ có 646 người đủ việc làm (chiếm 30.7%). Còn lại có 1.094 người thiếu việc làm và 364 người mất việc làm (69,3%). Như vậy là nhu cầu lao động của Nghi Xá vẫn  đang rất lớn.

Trao đổi với ông Bùi Đình Thắng - xóm trưởng xóm 7, chúng tôi được biết những người trong độ tuổi 35-40 trở lên thường chỉ tham gia làm thợ xây, phụ hồ, đi xe ôm. Chị Bùi Thị Minh (sn 1968) ở xóm 7 cho biết cả hai vợ chồng chị đều thiếu việc làm. Chị và chồng (anh Võ Mạnh Thành, sn 1970) thường tham gia và các tốp thợ xây, thợ phụ hồ đi làm công cho các công trình xây dựng. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng vẫn phải làm. Thậm chí, thời gian gần đây thợ xây, phụ hồ cũng ít việc, thiếu việc nên vợ chồng chị rất nhàn rỗi, hôm nào cũng đi uống chè xanh, tán gẫu.

Nhiều lao động ở Nghi Lộc vào TP. Vinh tìm kiếm việc làm.

 (Ảnh chụp tại đường Nguyễn Thị Minh Khai)  -Ảnh: Phạm Ngân

Chúng tôi theo ông Trần Đình Phước về xóm 8, nơi có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi lớn nhất xã Nghi Xá (xóm 8 trước đây có tổng diện tích đất nông nghiệp là 50 ha, bị thu hồi 32 ha). Tuy là xóm thuần nông, nhưng đến nay chỉ còn 87/175 hộ còn ruộng. Ông xóm trưởng cho biết, một số bà con nông dân xóm 8 đã tham gia lớp dạy nghề trồng nấm, làm mây tre đan do Phòng LĐ-TB&XH và Trường Dạy nghề Nghi Lộc tổ chức, đã thực nghiệm các mô hình trồng nấm, mô hình làm mây tre đan. Nhưng tay nghề yếu nên chất lượng sản phẩm thấp, không có thị trường tiêu thụ, thế nên các nghề này không thể vào được với Nghi Xá.

Không thể phủ nhận những cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành chức năng về quản lý và đào tạo, tạo cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều giải pháp thực hiện còn thiếu thính khả thi.

Nét chung của lao động Nghi Xá phần lớn có những tồn tại như: Bộ phận lao động dư thừa hiện nay chủ yếu ở độ tuổi từ 35-40 trở lên, có tâm lý ngại khó, ngại tiếp cận và làm việc với môi trường sử dụng lao động phải qua đào tạo, học nghề, nhất là đối với môi trường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Tiếp đến là tâm lý ngại phải thoát ly, ngại đi xa. Do đó, Nghi Xá cần tuyên truyền, vận động để bộ phận lao động dư thừa thay đổi được thói quen “chỉ chịu khổ, không chịu khó”, tiếp cận các kênh việc làm trước khi tỉnh, huyện có chính sách thiết thực hỗ trợ. Lao động là một nguồn lực, và sức lao động là một dạng hàng hóa đặc biệt cần được coi trọng và phát huy. Để 69,3% người trong độ tuổi lao động thiếu việc và mất việc làm, Nghi Xá đang để xảy ra lãng phí rất lớn.

Đức Dương

Tin mới