Những "bóng hồng" mạnh mẽ

(Baonghean) - Phải dăm bận hẹn hò, tôi mới gặp được các chị do đặc thù công việc của các vệ sỹ. Cứ ngỡ đằng sau những bộ đồng phục nghiêm nghị kia, là những con người… sắt đá, ấy thế mà tôi đã gặp những nụ cười rạng rỡ, những chia sẻ chân thành…

“Duyên” nghề
Chị Nguyễn Thị Vân - người nữ đội trưởng đội vệ sỹ duy nhất của Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Invico (chuyên về dịch vụ vệ sỹ, thiết bị an ninh và đào tạo cung cấp nhân lực vệ sỹ cho thị trường) đón tôi bằng nụ cười rạng rỡ, bởi như chị quan niệm “Ai cũng muốn mình đẹp nhưng nếu tạo hóa không cho ta sắc đẹp thì ta phải tự tạo cho mình một khuôn mặt tươi chứ em”. Tự nhiên tôi cảm thấy một niềm lạc quan yêu đời nồng nhiệt trong từng bước chân dứt khoát, trong từng lời nói sang sảng uy quyền và trong toàn bộ con người rắn chắc nơi chị. Nói “uy quyền” là không ngoa bởi nhân viên do chị quản lý hầu hết là nam, những vệ sỹ nam qua những đợt huấn luyện về chuyên môn vốn thừa tinh thần mạnh mẽ và cơ thể khỏe mạnh vậy mà vẫn nghe lời chị răm rắp với một thái độ thành tâm nể phục.
Chị Vân đang làm nhiệm vụ.
Chị Vân đang làm nhiệm vụ.
Sinh ra và lớn lên tại Hưng Lộc (TP. Vinh), chưa đầy 2 tuổi chị đã phải chịu đựng những đớn đau của bom đạn. Lần đó, đúng đêm giao thừa năm Mậu Thân 1968, gia đình chị mất đi một người con bé bỏng 5 tuổi, đó chính là chị gái của chị, còn chị thì phải nhập viện với những vết thương nặng. Hy vọng của cha mẹ chị chỉ như sợi khói mỏng manh khi nghe người thân động viên “Thôi, lo chuẩn bị hậu sự đi thôi, con Vân cũng không sống được nữa đâu”. Vậy mà chị thoát khỏi bàn tay tử thần khi nhịp thở đã trở nên thoi thóp, khi khắp chân tay không còn chỗ nào bác sỹ có thể lấy ven để tiêm. “Chị đã sống một cách kỳ diệu, đó là món quà vô giá mà ông trời đã ban cho cha mẹ chị, em ạ!”, chị Vân rưng rưng khi vừa hình dung ra câu chuyện xưa cũ vừa chỉ cho tôi thấy những vết sẹo trên người. Và rồi chị đã sống, không phải sống với những di chứng tật nguyền của bom đạn mà ngược lại, chị còn có phần khỏe mạnh hơn, nhanh nhẹn hơn những bạn cùng lứa và dĩ nhiên, chị mạnh mẽ và quyết đoán vô cùng. 19 tuổi, chị đã gạt nước mắt tạm biệt anh chị, cha mẹ theo chồng về xã Hưng Đạo - huyện Hưng Nguyên để làm một nàng dâu hiền thảo, một người vợ đảm đang. 
Cuộc sống nơi quê có phần vất vả hơn, cứ đến mùa lũ lụt, cả gia đình lại cõng nhau rồng rắn đi tránh lũ. Chồng chị cũng vì thương vợ con vất vả mà viết đơn xin ra khỏi quân đội khi đã có thời gian cống hiến hơn 10 năm trời. Anh chị tần tảo làm nông nuôi 3 đứa con ăn học. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho đến cách đây hơn 4 năm, chị quyết định viết đơn xin đi làm vệ sỹ. “Mình thử một lần thoát khỏi lũy tre làng xem năng lực của mình đến đâu chứ”, nghĩ là làm, chị một mình lẳng lặng đi làm đơn, chụp ảnh làm hồ sơ, đi khám sức khỏe mặc sự ngăn cản của đứa con trai đầu. Chồng chị hiểu và thông cảm cho chị nhưng cậu con trai thì lại khác, vì sợ mẹ làm việc vất vả, thức đêm thức hôm mà cậu đã ra sức thuyết phục mẹ từ bỏ ý định làm vệ sỹ. Nhưng ý chị đã quyết là chị cố gắng làm bằng được, chị nói với con trai chị rằng hãy để mẹ được thử sức với chính bản thân mẹ, nếu lỡ mẹ thất bại thì mẹ sẽ chấp nhận ý muốn của con. 
Và rồi, tính đến nay, cuộc “thử sức” đó đã kéo dài hơn 4 năm trời. Dĩ nhiên phải vững lắm, phải có ấn tượng và uy tín lắm thì chị mới trụ được với nghề chừng ấy thời gian. Với một công việc bình thường thì 4 năm chưa là gì nhưng với nghề vệ sỹ, lại là nữ vệ sỹ thì 4 năm đã đủ chứng minh sự gan góc, nhiệt tâm với công việc của chị. Từ một nhân viên bình thường, giờ đây, chị Vân là nữ đội trưởng duy nhất và có uy tín nhất của Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Invico, hiện đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ tại Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam. 
Anh Lê Mạnh Hùng - Giám đốc công ty, một người có thâm niên trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ nói: “Đối với nghề vệ sỹ, uy tín và tầm ảnh hưởng của công ty nhờ một phần rất lớn ở nhân viên bởi chính họ chứ không phải ai khác hàng ngày làm việc trực tiếp với đối tác. Có những người tâm huyết và trách nhiệm như chị Vân thì nói thật là chúng tôi không phải lo lắng gì cả”.
Hiện tại mục tiêu mà chị Vân làm việc (là khu vực, địa điểm làm việc của một đội vệ sỹ) có 17 nhân viên trong đó 15 là nhân viên nam, tuổi đời từ 20 đến 50, ngoài ra chị còn quản lý thêm hai mục tiêu nữa bao gồm 13 nhân viên nam và 4 nhân viên nữ. Đặc điểm của nghề vệ sỹ là các nhân viên phải chia ra các vị trí để làm việc và để cùng lúc quản lý được số nhân viên làm việc  rải rác ở các vị trí đòi hỏi người đội trưởng phải hết sức tâm huyết, nghiêm khắc, nhưng cũng không kém phần mềm dẻo và tế nhị. Có như vậy các đồng nghiệp mới nể phục và công việc mới trôi chảy được. 
Ít thâm niên và kinh nghiệm hơn chị Vân, chị Nhàn (sinh năm 1970, quê Nam Đàn) chỉ mới vào nghề được gần 2 tháng. Chị Nhàn tâm sự: “Mới đầu đi làm ai cũng chê cười rằng, ai đời phụ nữ lại đi làm “nghề gác cổng”, nhưng sau thấy tôi có thu nhập ổn định, lại có thêm nhiều mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, nên ai cũng mừng và động viên tôi”. 
Căn phòng nhỏ là nơi chị làm việc, cũng là nơi nghỉ ngơi buổi trưa của chị nằm cạnh vách núi, yên tĩnh và lặng lẽ đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng dế gáy và tiếng những con chim gọi bạn. Trong khung cảnh tĩnh mịch đó, hình ảnh người nữ vệ sỹ áo xanh với những bước chân nhanh thoăn thoắt, tay luôn luôn thường trực máy bộ đàm như một điểm nhấn an lành khiến tôi như quên hết những xô bồ nhộn nhịp ngoài kia. Cũng chính màu áo xanh này là một bước ngoặt bất ngờ và đầy niềm vui trong cuộc đời của các chị.
Những Buồn vui
Đối với các chị, khi đã quyết tâm đi theo nghề này, thì luôn luôn xác định khó khăn, vất vả hơn gấp nhiều lần so với nam giới nên sự cố gắng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm luôn được các chị đề cao. 
Khi mới tiếp nhận chức vụ đội trưởng, chị Vân đã phải mất ăn, mất ngủ hàng tháng trời để chấn chỉnh lại đội ngũ theo sự quản lý của mình. Và khi biết chị được bổ nhiệm chức vụ đội trưởng, nhiều người đã không ngần ngại nói thẳng với ban lãnh đạo “Thiếu chi đàn ông mà lại đưa một người phụ nữ lên làm đội trưởng? Có nên cơm cháo chi không đây?”. 
Rồi không ít lần chị gặp phải những điều rắc rối chướng tai, gai mắt nhằm thẳng vào chị. Nhưng rồi chính những đồng nghiệp nam bây giờ đã nhận xét về chị “Khó mà qua mắt được chị Vân lắm!”, chị đã khẳng định được bản lĩnh của mình. Tạo hóa đã ban cho chị một cảm xạ đặc biệt về cách nhìn nhận con người và sự việc, chính vì vậy, ở bất cứ mục tiêu nào chị công tác cũng hạn chế tối đa những sự việc đáng tiếc. Chị quan niệm “Nghiêm khắc nhưng phải khôn khéo. Khi mình có tâm huyết và sự chân thành thì mọi sự sẽ được bền lâu”. Nhờ đó mà chị được toàn đội nể phục, anh em còn động viên chị dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bởi họ thấy chị quá lo lắng cho công việc. Đó là thành quả vững chắc nhất mà chị đã có được, để giờ đây, những lời đàm tiếu, nghi ngại tự nhiên biến mất.
Chị Vân nói với tôi rằng, chỉ cần nhìn người nào đó 5 giây là chị có thể đoán được họ là kẻ gian hay người ngay, chỉ cần nhìn vào người lái xe là chị có thể biết trên thùng hàng có bị gian lận hàng hóa hay không. Khi tôi còn chưa kịp gật đầu tin tưởng thì một cậu vệ sỹ đã nói thêm “Đúng đấy chị ạ! Chị Vân tinh mắt lắm đấy!” Tôi hiểu, đó chưa hẳn chỉ nhờ “tinh mắt”. Phải hội tụ nhiều yếu tố lắm mới tạo cho người ta một khả năng phán đoán nhanh nhạy và chính xác đến vậy. 
Những thành tích lập được chỉ là một phần kỷ niệm rất nhỏ trong quãng hành trình 4 năm đến với nghề vệ sỹ của chị. Đằng sau đó là những âm thầm lặng lẽ mà ít ai hiểu được. Có những hôm trời mưa phùn rét mướt, chị phải đi làm từ 4 giờ sáng và trở về khi nhà nhà đã lên đèn. Có những đêm buông màn nằm ngủ rồi chị vẫn bồn chồn không tài nào nhắm mắt được, vậy là lại dậy xách đèn pin, bộ đàm đi tuần tra. Những cuộc tuần tra ban đêm lặng lẽ một mình không có trong sổ sách, không có trong lịch làm việc, nhưng luôn khiến chị đau đáu và dồn tâm huyết vào.
Với chị Nhàn thì khác, chị không có nhiều kinh nghiệm trong công việc, nhưng nhờ những lần ngồi tỉ tê tâm sự chuyện đời, chuyện nghề với chị Vân mà những triết lý sống và làm việc của chị Vân đã phần nào thấm dần vào chị. Nhìn chị, người ta thấy vẫn còn toát lên những nét chân chất, hiền lành của một cô gái quê, nhưng chỉ cần nghe tiếng xe tải từ xa, đôi chân của chị đã thoăn thoắt chạy ra, tay cầm quyển sổ ghi ghi, chép chép, tay cầm bộ đàm liên lạc với đồng nghiệp. Chị kể cho tôi nghe về những ngày mới đi làm, phải thay ca muộn, chị một mình run sợ đi về trên quãng đường dài, bởi lâu nay công việc của chị là làm nông, tối đến chỉ chong đèn xem ti vi một lát rồi đi ngủ; hay những lần về nhà nhìn bộ mặt giận dỗi và những lời trách móc của chồng, chị cũng tủi phận muốn bỏ việc… Nhưng rồi, ngẫm nghĩ lại, chị lại bừng quyết tâm. Nhìn chị làm việc, tôi cảm nhận được khát vọng thay đổi cuộc sống bằng bất cứ công việc lương thiện nào của những người phụ nữ yếu mềm như chị.
Trước lúc chia tay, khi những cơn nắng tháng Mười đã nhạt màu trong buổi xế chiều, chị Vân hát cho tôi nghe một điệu ví dặm và đọc cho tôi nghe bài thơ chị làm. Tôi nhìn hình ảnh chị với mái tóc dài thẳng mượt, bàn tay mềm múa minh họa cho bài hát, đôi mắt hiền dịu và tự hỏi người phụ nữ này với người phụ nữ mạnh mẽ, cương nghị trong bộ đồng phục màu xanh, tay mang bộ đàm, mắt nhìn bao quát có gì liên quan đến nhau không nhỉ?. Và rồi, tôi tự trả lời được ngay, chắc chắn là có rồi, bởi đơn giản, các chị là những “bóng hồng mạnh mẽ”.
Bài, ảnh: Sao Mai

Tin mới