Bảo tồn văn hóa phi vật thể: Cần chính sách phù hợp

(Baonghean) - Cùng với công tác trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở…

CLB hát ví phường vải Kim Liên - Nam Đàn.
CLB hát ví phường vải Kim Liên - Nam Đàn.
Một trong những di sản văn hóa phi vật thể thời gian qua tỉnh ta đang hết sức để bảo tồn, phát huy đó là Dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị Dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” vào tháng 3/2011, Hội thảo khoa học quốc tế  “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh)” được tổ chức vào tháng 5/2014. Cả 2 cuộc hội thảo này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu dân gian trong nước và quốc tế, nhằm tìm ra những giải pháp thích hợp cho công tác bảo tồn, chính sách để thu hút, động viên, khuyến khích các nghệ nhân dân gian. Bên cạnh đó, từ năm 2009, tỉnh đã thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ để tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện, quảng bá và truyền dạy dân ca ví, giặm, trong đó có đưa dân ca vào trường học, thành lập các CLB dân ca ở các địa phương… Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, hàng năm, tổ chức Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ trên phạm vi toàn tỉnh nhằm khơi dậy tình yêu dân ca của các tầng lớp nhân dân, tạo nên một sân chơi ý nghĩa cho văn nghệ quần chúng.
 Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn văn hóa phi vật thể hiện nay gặp không ít  khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nụ – Trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở VH - TT và DL cho rằng: Nghệ An đang dần mất đi các di sản văn hóa phi vật thể, bởi rất ít người đứng ra đảm nhận công việc này. Khi đã sưu tầm được một loại hình nào đó, thì cũng chỉ lưu giữ trong sách vở, tài liệu mà chưa tìm cách để phát huy. Làm sao để người dân sống được nhờ phát huy di sản văn hóa phi vật thể là điều cần bàn… 
Bao nhiêu năm nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam – CLB Dân ca hát ví phường vải Kim Liên – Nam Đàn vẫn luôn nặng lòng với Dân ca xứ Nghệ và đau đáu nghĩ về sự tồn tại loại hình này trong tương lai. Sinh năm 1924, lớn lên từ những khúc hát ru và làn điệu dân ca của bà, của mẹ. Vì thế bà có tiếng là người hát dân ca hay khi còn nhỏ. Khi CLB hát ví phường vải Kim Liên thành lập, chính bà là người tiên phong trong vận động các thành viên cùng tham gia sinh hoạt. Không có kinh phí, các thành viên tự bỏ tiền túi góp quỹ với mong muốn gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương mình. Với vai trò trao truyền, dạy dân ca cho thế hệ trẻ, đến nay dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng chưa một buổi sinh hoạt CLB nào bà vắng mặt. Ông Nguyễn Văn Tư – Chủ nhiệm CLB cho biết: Cụ Tam là người nhớ nhiều, thuộc nhiều làn điệu cổ nhất trong CLB. Thế hệ nghệ nhân hát dân ca như cụ Tam bây giờ còn lại rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, mong muốn các cấp liên quan nên có cơ chế khuyến khích để lớp nghệ nhân phát huy, đào tạo, phát hiện tài năng hát dân ca ngay từ cơ sở. 
Trao đổi với Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, bà cho rằng: Do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, công tác nghiên cứu, sưu tầm còn mang tính dàn trải; nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được sưu tầm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng trong đời sống; nhiều nếp sống sinh hoạt văn hóa không còn phù hợp với đời sống hiện tại, các tệ nạn mê tín dị đoan ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại. Các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống như: truyện cổ tích, thần tích, thần phả, sắc phong, ca dao, tục ngữ, văn học dân gian… đã được nghiên cứu, sưu tầm, tuy nhiên chưa được tổng hợp, biên tập một cách khoa học và có hệ thống; trang phục, tiếng nói chữ viết của đồng bào các dân tộc đang có nguy cơ mai một… 
Để bảo tồn, gìn giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những giá trị to lớn của di sản văn hóa phi vật thể; sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ bằng sách, đĩa, chụp ảnh, ghi âm, quay phim … làm tư liệu. Cũng như di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể phải được trả về với cộng đồng, bản thân nó phải sống, tồn tại được trong nhịp sống hiện đại hôm nay. Ví như từ chất liệu dân ca, thời gian qua chúng ta đã phát triển thành những ca khúc mới mang hơi thở cuộc sống hiện đại qua sự sáng tạo của các nhạc sỹ, qua sự dàn dựng bằng những vở diễn của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ…Tăng cường bồi dưỡng hiểu biết của thế hệ trẻ về vốn di sản quý mà cha ông để lại. Để làm được điều đó, các địa phương cần đưa di sản vào dạy, giới thiệu ở trường học. Tổ chức các cuộc thi sáng tác lời mới, làn điệu mới trong nhân dân và học sinh, tạo một phong trào sáng tác mang tính quần chúng. Phát triển hơn nữa các CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ và các địa phương cần có chính sách động viên, khuyến khích để các CLB hoạt động. Mỗi địa phương phải xác định được di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất của mình là gì để có định hướng bảo tồn, gìn giữ, phát huy cụ thể chứ không dàn trải, chung chung. Những địa phương có tiềm năng du lịch, có thế gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ khách du lịch. Ví như khách du lịch đến Nam Đàn sẽ được nghe hát phường vải, đến Hang Bua – Quỳ Châu sẽ được nghe dân ca Thái, đến Yên Thành là được thưởng thức tuồng Kẻ Gám…
Quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách để duy trì hoạt động của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Để dân ca được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cả một hành trình, nhưng điều mà những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, truyền dạy như Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu, Nghệ nhân dân gian Chu Văn Tỵ và rất nhiều nghệ nhân khác đang rất trăn trở, đó là làm sao để dân ca nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể nói chung phải mãi trường tồn trong nhân dân, gắn với cuộc sống của người dân lao động.
Ngày 27/11/2014, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn và phát huy di sản quý giá này, từ năm 2015, tỉnh yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thường xuyên quảng bá các bài hát về Dân ca ví, giặm phục vụ du khách; đồng thời giới thiệu, quảng bá về Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thông qua các hoạt động du lịch. Định kỳ hàng năm, trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức hoạt động về Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh gắn với Liên hoan Tiếng hát Làng Sen. Trong năm 2015, tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng trang thông tin điện tử "Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh" liên kết với Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thanh Thủy

Tin mới