Vang vọng đêm giao lưu "Trò chuyện về Trịnh Công Sơn"

(Baonghean.vn) - Tối ngày 28/2, Tạp chí Văn hóa Nghệ An phối hợp cùng Khoa Ngữ văn, ĐH Vinh; Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An; Nhà xuất bản ĐH Vinh tổ chức đêm giao lưu “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn” nhân kỉ niệm 76 năm ngày sinh nhạc sĩ.

Quang cảnh đêm giao lưu “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn”
Quang cảnh đêm giao lưu “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn”

Tham dự đêm giao lưu có nhà báo, nhà văn Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, Tiến sĩ Lê Thanh Nga, khoa Sư phạm Đại học Vinh cùng nhiều diễn giả khác.

Đặc biệt, đêm giao lưu có nhà phê bình văn học Đặng Tiến, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Pháp trở về tham dự, với những chia sẻ riêng về Trịnh.

Trong không gian nhỏ, ấm cúng, vui vẻ, những người yêu Trịnh đã ngồi bên nhau, để tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa, đau thương và yêu thương đến tận cùng, để hát lại những ca khúc vượt thời gian, không gian, để thêm một lần lặng thấm ca từ, giai điệu vừa dung dị, đời thường vừa triết lý sâu xa đến “vô thường”...

Ông Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị tặng bức thư pháp cho Tạp chí VHNA
Ông Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị tặng bức thư pháp cho Tạp chí VHNA

Những “Diễm xưa”, “Hãy yêu nhau đi”, “Đóa hoa vô thường”, “Hạ trắng”, “Nối vòng tay lớn”... vang lên trong trẻo, da diết... Nhạc Trịnh sống mãi với thời gian bởi nó xoa dịu những niềm đau, nỗi khổ đau của con người, thuốc thang cho tâm hồn con người, khích lệ con người trong cuộc sống. Giúp con người ý thức sâu sắc cái ngắn ngủi của cuộc đời nhưng cũng làm cho con người ta nhìn sâu vào đó mà vượt qua cái hữu hạn của thời gian, để thở, để nói... để sống ý nghĩa, trọn vẹn thiết tha trong cõi đời.

Nhà phê bình ĐặngTiến với những chia sẻ mới về Trịnh
Nhà phê bình ĐặngTiến với những chia sẻ mới về Trịnh

Ông Nguyễn Hoàn, nhà “Trịnh Công Sơn học của Quảng Trị”, đã vượt hàng trăm km để về với đêm giao lưu, xúc động nói: “Nhạc Trịnh, lời Trịnh nói về tình yêu, về quê hương, về thân phận con người. Tôi yêu tất cả cái “gia tài âm nhạc” đó của Trịnh. Đặc biệt là những ca khúc về thân phận con người, bởi chiến tranh rồi cũng đã qua đi, cuộc sống bao đổi thay, thì ở thời đại nào con người vẫn có thân phận với bao nỗi niềm và mến thương. Cho nên nó sẽ luôn đúng, luôn xúc động, luôn nói được tiếng lòng của bao nhiêu người ở quá khứ, hiện tại, hay tương lai sau này”...

Những người yêu Trịnh trong đêm giao lưu “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn”.
Những người yêu Trịnh trong đêm giao lưu “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn”.

Nói về Trịnh, khó mà nói cho hết, nhưng điều đặc biệt nhất mà Trịnh làm được, theo lời người bạn lúc sinh thời của ông - nhà phê bình Đặng Tiến chia sẻ, đó là sự “giải phóng cho người phụ nữ”. “Người phụ nữ đối với Trịnh không phải làm gì cả, vui thì cười, buồn thì khóc, thích thì  “đứng lên gọi mưa vào hạ”, chỉ để yêu và được yêu. Người mẹ của Trịnh cũng không được nói đến với vẻ tảo tần, kham khổ, chịu thương, chịu khó mà với những khát vọng, tâm trạng riêng, trong chiến tranh, đi qua chiến tranh hay trong đời thường...

Đêm giao lưu “Trò chuyện về Trịnh Công Sơn” khép lại trong dư âm vang vọng. 76 năm chúng ta có Trịnh trên đời, và mãi về sau nữa, chúng ta vẫn có Trịnh, nhớ “cõi đời” của Trịnh và hát Trịnh.

 Hồ Lài

Tin mới