Chiến sỹ công binh 3 lần "được" truy điệu sống

(Baonghean) - Gặp ông Nguyễn Văn Tài khi vừa kết thúc hành trình thăm chiến trường xưa. Với ông, kỷ niệm về “một thời hoa lửa” luôn vẹn nguyên trong ký ức…

Sinh ra ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, 18 tuổi, vừa học xong phổ thông chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tài lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông bảo: Lúc đó, tôi vừa nhân giấy báo nhập học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được học ở trường Tổng hợp là niềm tự hào lớn đối với bản thân và gia đình và mở ra tương lai rạng ngời. Nhưng đất nước còn cảnh chiến chinh, mình lại là thanh niên trai tráng nên phải có trách nhiệm lên đường đánh giặc cứu nước. Dù biết chiến trường vô cùng ác liệt, tàn khốc, ra đi chẳng hẹn ngày về, hơn nữa gia đình có 4 anh em trai thì 3 người đã ra trận nhưng tôi vẫn quyết  tâm xung phong đi bộ đội”.
Năm 1967, bố mẹ đành gạt nước mắt tiễn ông lên đường làm nhiệm vụ. Chàng trai trắng trẻo, thư sinh ngày nào sau 3 tháng huấn luyện ở Sư đoàn 338 đóng quân ở Thạch Thành (Thanh Hóa) đã trở nên rắn rỏi, có kỹ năng chiến đấu thuần thục. Ông được điều động về đơn vị Đại đội công binh, Trung đoàn 2, Sư đoàn 324 và cuộc đời của người lính trẻ gắn liền với những trận đánh ác liệt. Trong đó có 3 trận đánh mà với ông là “kỷ niệm không thể quên”, bởi đã xác định khi tham gia thì “1 phần sống 9 phần hy sinh”, vì thế trước mỗi trận đánh ông và đồng đội đều “được” đơn vị làm lễ truy điệu sống theo nghi thức liệt sỹ hy sinh vì đất nước. 
Ông Nguyễn Văn Tài (thứ 5, trái sang) cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa ở TP Huế.
Ông Nguyễn Văn Tài (thứ 5, trái sang) cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa ở TP Huế.
Trận đánh ác liệt nhất đó là sau khi giải phóng Huế vào Tết Mậu Thân năm 1968, các cánh quân của ta buộc phải rút lui để củng cố và bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Lúc đó, trung đội của ông được giao nhiệm vụ đánh chặn hậu để đơn vị rút ra vùng giải phóng an toàn. Trước khi rút về hậu cứ, đơn vị đã tổ chức truy điệu cho những người ở lại, bởi đơn vị xác định đã ở lại cảm tử thì sự hy sinh sẽ không thể tránh khỏi. Khi biết quân ta đã rút, địch huy động 3 tiểu đoàn với đủ các loại hỏa lực hạng nặng và các loại vũ khí bộ binh tiến đánh, cộng với sự yểm trợ từ máy bay B52 đánh bom rải thảm.
Sau mấy ngày chiến đấu quyết liệt, trung đội có 12 người thì 10 người đã hy sinh, chỉ còn lại ông và Trung đội trưởng Song bị thương nặng. Ông rưng rưng nhớ lại: “Trước khi mất, anh Song trườn lại ôm lấy tôi dặn rằng: “Tài ạ, trung đội chúng ta đã hy sinh hết rồi, anh cũng không thể sống được nữa, vì thế em phải cố gắng sống để trở về báo cáo với đơn vị là chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Rồi anh Song hy sinh. Chỉ còn lại mình tôi trong vòng vây bốn bề của địch, lúc đó, tôi nghĩ tới 2 phương án, một là giả chết để hoàn thành nhiệm vụ mà anh Song giao, hai là rút chốt 2 quả lựu đạn rồi lao vào địch. Sau đó vì nhiệm vụ, ông đã chọn cách thứ nhất. Khi thấy tiếng đạn đã dứt hẳn, 3 tiểu đoàn địch xiết chặt vòng vây, tên chỉ huy hô lớn: “Xem thằng nào còn sống không?” rồi lấy xăm sắt xăm lên cơ thể từng người để kiểm tra. Chúng không ngờ rằng trong số 12 đồng chí đã hy sinh có người đang giả chết để trở về đơn vị theo lời trăn trối của đồng đội.
Sau 3 tiếng đồng hồ bao vây, địch rút xuống cắm trại ở bên suối cách trận địa khoảng 200m. Ông Tài đứng dậy lấy hết sức bình sinh vượt qua cơn đói khát để khắc tên từng chiến sỹ lên thắt lưng rồi chôn cất các đồng đội của mình dưới những hố bom. Sau đó, tìm đường trở về đơn vị...
Sau 15 ngày băng rừng, vượt suối và sống nhờ bằng nước suối, lá cây, của mài, củ sắn đào được bằng dao găm cùng sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc Vân Kiều, ông đã tìm được đơn vị khi ấy đóng quân ở xã Hưu Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong niềm xót xa xen lẫn tự hào của đồng đội.
Lần thứ 2 ông “được” truy điệu sống, đó là vào năm 1972 ở cao điểm 367, mặt trận Tây Nam Quảng Trị, đây là cao điểm khét tiếng của địch, chúng án ngữ ở cao điểm này và khống chế mọi con đường tấn công vào phía Nam của quân đội ta với đủ các loại vũ khí, khí tài tối tân nhất. Bên ngoài cứ điểm chúng giăng trận địa mìn dày đặc như mạng nhện và coi đây là cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Nhiệm vụ của đơn vị công binh là phải gỡ mìn để dọn đường cho quân ta tấn công cứ điểm. Một lần nữa, ông xung phong xông vào trận địa để rà phá bom mìn. Khi nhiệm vụ hoàn thành cũng là lúc bị địch phát hiện, một mặt chúng tấn công bằng súng, một mặt cho kích nổ những quả mìn còn lại. Trận đấu đó, 2 đồng đội của ông đã hy sinh, còn ông bị thương nặng.
Anh Tài (thứ 2, phải sang) và đồng đội trong ngày giải phóng Phan Rang.
Anh Tài (thứ 2, phải sang) và đồng đội trong ngày giải phóng Phan Rang.
Lần thứ 3 ông “được” truy điệu sống là trong trận đánh ở Tây Bắc Huế vào tháng 3/1975. Nhiệm vụ của công binh là phải phá hủy bằng được một cây cầu để chặn đường tiến đánh cũng như rút lui của địch. Trong khi đó, cây cầu hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của địch, chúng bố trí 2 đầu cầu rất nhiều hỏa lực mạnh và một đơn vị thiện chiến. Một lần nữa ông lại phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Với vai trò chỉ huy và là người điểm hỏa cuối cùng ở giữa cầu, ông cùng 10 chiến sỹ được đơn vị làm lễ truy điệu sống.
Bước vào trận đánh, trận địa pháo yểm trợ của ta đã dội cơn mưa đạn pháo xuống 2 đầu cầu, 11 chiến sỹ cảm tử ôm bộc phá xông ra giữa cầu, khi đã đặt được bộc phá cũng là lúc 7 đồng chí ngã xuống trước làn đạn dày đặc của quân thù, 2 đồng chí bị thương rất nặng và hy sinh ngay sau đó, chỉ còn lại ông và một đồng chí nữa ở Hà Tĩnh sống sót. Vì sợ bộc phá không kịp nổ nên ông để dây cháy chậm chỉ vài mm, đến lúc kích nổ, sức ép của khối bộc phá khổng lồ đã đánh văng ông xuống sông. Khi đó không ai có thể nghĩ được ông còn sống, nhưng điều thần kỳ đã đến, ông chỉ bị thương nặng và 3 ngày sau, ông tìm về đơn vị của mình.
Sau khi giải phóng Huế - Đà Nẵng, ông và đồng đội tiếp tục nhận lệnh tiếp tục tiến đánh vào Nam, và khi đơn vị của ông vào đến Phan Rang cũng là lúc quân dân ta đã giành chiến thắng. Sau này, ông còn tiếp tục chiến đấu trên những mặt trận không kém phần cam go, ác liệt khác. Đó là chiến dịch truy quét tàn quân Fulro, sang chiến trường Campuchia chiến đấu và huấn huyện xây dựng lực lượng quân đội cho nước bạn. Với những chiến công của mình, ông đã 19 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, diệt tăng, dũng sỹ giao thông…
Cảnh Nam 

Tin mới