Cảnh giác với thực phẩm "bẩn" dịp Tết

(Baonghean) - Lợi dụng nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm tăng cao vào dịp Tết, nhiều cơ sở kinh doanh tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường...

Càng gần đến những ngày giáp Tết,  dãy nhà kho chứa hàng giả, hàng nhái bị thu giữ của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh ngày một đầy thêm. Dẫn chúng tôi đi xem những mặt hàng vừa mới tịch thu trong khoảng 10 ngày ra quân trở lại đây, Thiếu tá Nguyễn Huy Quân - Đội trưởng đội 4, cho biết: Có rất nhiều hàng kém chất lượng đang được bày bán trên thị trường. Nhiều mặt hàng được làm giả tinh vi, bằng mắt thường hoặc chủ quan không xem xét kỹ thì người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Cảnh sát môi trường kiểm tra mặt hàng làm giả, làm nhái.
Cảnh sát môi trường kiểm tra mặt hàng làm giả, làm nhái.
Một trong những lô hàng mà đội 4 vừa bắt giữ được là hơn 2.000 chai dấm được dán nhãn hiệu “Dấm gạo Hoa Gạo”, có địa chỉ tại 31/4C Tuấn Phúc - Phước Vinh - thành phố Huế. Về hình thức, sản phẩm này giống rất nhiều những sản phẩm vẫn được bày bán đại trà tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Người tiêu dùng khi mua sản phẩm hẳn cũng rất tin tưởng bởi địa chỉ sản xuất ghi trên bao bì rõ ràng, tem và hạn sử dụng đến ngày 20/6/2016...
Theo Thiếu tá Nguyễn Huy Quân: Toàn bộ lô hàng này đều là hàng kém chất lượng vừa tịch thu được tại gia đình bà Nguyễn Thị Thu và ông Phạm Văn Phúc ở xóm 3, xã Hưng Chính, thành phố Vinh vào ngày 20/1. Gọi là dấm nhưng tất cả các sản phẩm này đều được làm đơn giản bằng cách hòa nước lạnh với a xít. Khi bị bắt quả tang, chủ của 2 lô hàng này đều khai nhận, dấm  được sản xuất để phục vụ cho nhu cầu người dân dịp Tết. Giá của 1 chai dấm được bán ra thị trường từ 900 - 2.000 đồng (chỉ bằng 1/4 so với giá sản phẩm cùng loại).
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên cơ sở này bị bắt giữ (lần trước năm 2010).  Dẫu vậy, bất chấp việc xử phạt các chủ cơ sở này vẫn hoạt động và ngang nhiên đưa sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ ở thị trường. Cũng tại cơ sở của ông Phạm Văn Phúc, Đội Cảnh sát môi trường số 4 còn phát hiện nhiều hàng hóa thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ khác như ruốc bông, các loại gia vị để nấu thịt hộp... 
 Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng bánh kẹo
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng bánh kẹo ở Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) - Ảnh: Vân Thanh.
Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, cho biết: Tết là thời điểm nhu cầu tiêu dùng lương thực tăng cao và là dịp thuận lợi để những kẻ kinh doanh hám lời tuồn hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Điều này nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây tác hại vô cùng nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, chúng hoạt động bất chấp tính mạng của người dùng và việc tái phạm xuất hiện ngày càng nhiều.
Đơn cử, tại lò mổ xóm 15, xã Thượng Sơn (Đô Lương), cách đây 1 năm,  Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 1 đối tượng bơm nước bẩn vào bò nhằm tăng trọng lượng để bán kiếm lời. Ngày 14/1/2016, đối tượng Nguyễn Tất Xinh trú tại xóm 15, xã Thượng Sơn lại bị bắt quả tang vì hành vi tương tự. Theo khai nhận ban đầu, chỉ cần tiêm thêm nước vào bò thì trọng lượng có thể tăng thêm từ 15 - 20 kg. Với giá thịt bò thời điểm giáp Tết như hiện nay, chỉ cần thực hiện trót lót 1 con, đối tượng có thể kiếm lời từ 1.000.000 - 1.500.000 đồng.
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái xuất hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trong đó, có những mặt hàng được ghi xuất xứ từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng thực chất lại không xác định được tính chính xác của nguồn gốc xuất xứ.
Mỳ chính không rõ xuất xứ bán  ở chợ Công Thành (Yên Thành).
Mỳ chính không rõ xuất xứ bán ở chợ Công Thành (Yên Thành) - Ảnh: Văn Trường.
Bên cạnh đó, còn có nhiều mặt hàng được làm giả tinh vi như ruốc bông, thịt xay được làm bằng thịt bẩn, măng tươi ngâm với lưu huỳnh... Riêng vào thời điểm giáp Tết, do nhu cầu tăng nên các cơ sở chế biến lại dùng các nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thịt, nội tạng để làm nem, giò.
Trong tháng 1/2016, Phòng Cảnh sát môi trường cũng bắt giữ một lô hàng gồm 8 thùng phi chứa 1.600 lít mỡ bẩn. Theo lời khai của Hoàng Văn Sơn (xóm 3, xã Mỹ Sơn, Đô Lương), toàn bộ số mỡ này được thu mua từ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Vinh và đem về vùng nông thôn tiêu thụ. Qua kiểm tra, hầu hết mỡ sau khi chiên rán nhiều lần đều đã phân hủy, rất dễ tạo ra các chất nguy hại gây ung thư.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, ông Trần Đăng Ninh - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành cũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, lựa chọn chính xác hàng hóa trước khi mua. Nên tìm đến những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nhãn mác, có hạn sử dụng đầy đủ. Đồng thời nên cẩn trọng với những hàng đã quá hạn sử dụng hoặc hàng không có nguồn gốc xuất xứ. 
Về phía tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về pháp luật, kiến thức mua, bán, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, trong đó, tập trung vào các sản phẩm từ thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rau,... là những nhóm hàng có nhu cầu lớn.
UBND tỉnh vừa thành lập đoàn thanh tra liên ngành về đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2016. Qua hơn 10 ngày thanh kiểm tra, ông Nguyễn Minh Thọ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Mặc dù đã giáp Tết nhưng việc chỉ đạo của một số huyện chưa kịp thời, bỏ sót nội dung an toàn thực phẩm. Ý thức của một số doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế. Kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, đoàn đã xử phạt 10 đơn vị với tổng số tiền gần 45 triệu đồng, trong đó đơn vị bị xử phạt cao nhất là 8 triệu đồng. Đặc biệt, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất giò chả ở thành phố Vinh và huyện Nam Đàn, phát hiện hầu hết các cơ sở đều không đảm bảo các quy định tối thiểu.  
 Mỹ Hà

Tin mới