​Sạch mình, hại người?

(Baonghean) - “Nơi bạn ở có đáng sống không?” Câu hỏi có vẻ như vu vơ, tưởng là cao xa, và cũng có vẻ “sến sồ” như một câu hỏi ở cuộc thi hoa hậu nào đó. Vì sao tôi nói vậy, vì xưa nay ở xứ ta, hình như người ta mới chỉ chú trọng đến việc đặt “câu hỏi hay” chỉ để đi tìm “câu trả lời hay”, chứ chưa phải chỉ ra vấn đề để thực hiện.

"Sống ăn thực phẩm bẩn, chết vùi trong hóa chất"
"Sống ăn thực phẩm bẩn, chết vùi trong hóa chất"
Vì vậy, rất có thể, nhiều người trong chúng ta xem câu hỏi đó dành cho người khác. Ngỡ như “đáng sống” hay “không đáng sống” là chuyện đâu đâu, chuyện của những nhà điều phối các chương trình Liên Hợp quốc, hay chí ít cũng là chuyện quốc gia...
Có lần, tôi được dự và nghe một vị thuyết giảng khá hay ho về môi trường sống cần được đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Vậy mà giữa hai buổi thuyết giảng, vị đó lại “tự thưởng cho mình” mấy điếu thuốc lá nhả khói mù trời, ngay cả khi bên cạnh có mấy phụ nữ mang thai đang tranh thủ tiếp cận vị ấy để trao đổi. Thì ra, vị đó vẫn đang coi chuyện “môi trường sống” là chuyện bên ngoài buổi thuyết giảng này!
Hàng ngày, tôi được nghe chuyện rau phun thuốc quá dư lượng, hóa chất biến thịt bẩn thành thịt sạch, bún phở ngâm hàn the, nước giải khát đóng chai kém chất lượng, cả đến nguồn nước máy cũng có nơi bẩn hơn cả nước ao...
Cơ quan chức năng đã vào cuộc, đã phát hiện và đã xử lý, nhưng xem chừng vẫn không ngăn chặn được. Còn những vụ việc lực lượng chức năng vào cuộc xử lý, bạn có nhận ra điểm gì chung không? Nói ra buồn lắm, chính dân ta chứ không ai vào đây cả. Dân ta đầu độc chính ta. Vì sao vậy, vì người trồng rau bẩn bán cho thiên hạ, còn trồng rau sạch cho riêng mình ăn, tương tự nhà làm thịt bẩn, bún bẩn đều như vậy. Vậy là, sẽ có chuyện bi hài rằng trong mâm cơm của nhà trồng rau, chỉ có đĩa rau sạch, còn lại đều có thể là thực phẩm bẩn. Tương tự trong mâm cơm của nhà làm thịt bẩn, chỉ có món thịt sạch, còn lại là thực phẩm bẩn. 
Mới rồi, có chuyện cá chết trắng biển. Mọi dư luận đang đổ về một số cơ sở công nghiệp có đường ống xả thẳng ra biển. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc. Chưa có kết luận cuối cùng, nhưng sự thật là cá xung quanh khu vực có ống xả đó chết nhiều nhất, từ đó mà lan ra khắp cả dải biển các tỉnh Bắc miền Trung. Bây giờ, trước tình hình cá bị nhiễm chì cao gấp hàng trăm lần cho phép, thì tác hại không còn có ai có thể tránh khỏi nữa. Đài truyền hình Quốc gia vừa đăng bản tin các tiểu thương buôn bán hải sản, các chợ hải sản đang ê chề vì hàng hóa ứ đọng. Các tàu thuyền đánh bắt ven bờ do đó cũng ê chề vì nguồn hải sản đang bị nhiễm bẩn, hải sản đánh bắt về khó tiêu thụ.
Bây giờ, câu chuyện đã đi xa hơn. Không chỉ là chuyện gia đình làm lợi cho mình còn làm hại gia đình khác. Mà rất có thể là vùng này vì chạy theo sự tăng trưởng bằng mọi cách, mà gây ra ảnh hưởng cho cả vùng ấy và cả các vùng khác. Các cơ sở công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, công nghiệp sản xuất liên quan đến hóa chất độc hại, nếu không quản lý tốt vấn đề xử lý môi trường, sẽ gây ra tác hại, hậu quả ghê gớm và lâu dài. Nếu vùng nào chỉ chạy theo chỉ số tăng trưởng, chỉ chú trọng “bề nổi” của thu ngân sách, mà “lơ là” khâu bảo vệ môi trường, thì chẳng khác nào tham bát bỏ mâm. 
Dọc biển Bắc miền Trung hiện nay hải sản chết nhiều. Không chỉ hệ thống mua bán, chế biến thủy hải sản ảnh hưởng, mà ngư dân cho đến các nhà hàng hải sản cũng... liêu xiêu. Chưa hết, lượng khách du lịch cho đến các bãi biển rất có thể sẽ có suy giảm, trước hết là ngay tại vùng có các cơ sở công nghiệp có nghi vấn xả thải ra biển, tiếp đó là các vùng lân cận.
Việc bảo vệ môi trường sống đáng sống, không bao giờ và chưa bao giờ là chuyện của người khác, gia đình khác, vùng khác. Đó phải là câu chuyện của chính mình, gia đình mình, vùng mình trước tiên. Câu chuyện “Nơi bạn ở có đáng sống không?”, đã trở thành nỗi ám ảnh thật sự!
Cây ngô đồng

Tin mới