Phố Văn Cao: Chuyện một người già về con phố trẻ

(Baonghean) - Phố là phố trẻ trong lòng nội đô thành Vinh. Phố ngắn chỉ độ chừng vài trăm mét, chẳng nhiều ấn tượng với lối kiến trúc nhà dân bình bình như bao lối ngõ khác của đô thị loại 1 này. Đôi lần đi trên phố, tự hỏi mình sẽ viết gì về những điều quá đỗi giản dị và thân thuộc này?

Sẽ viết về một làn hương dịu dàng từ những bông xoài bung nở cả ban mai mùa hạ? Sẽ viết về thao thức tiếng rao mỳ đêm vọng vào từng ngôi nhà im ỉm khóa? Hay viết về hàng cột đèn lặng lẽ, mờ tỏa sắc vàng vọt xuống từng tàng cây, từng góc phố, thi thoảng khẽ run lên trong tiếng ì ầm của dòng xe lấp loáng trên đường Quang Trung phả vào? Cũng có thể, tôi sẽ bắt đầu viết câu chuyện riêng của mình về phố, bằng những chắp nối quá khứ - hiện tại của một cư dân gắn bó với phố đã hơn hai chục năm trời, từ thuở phố chưa là… phố!
Đường Nguyễn Văn Cao
Đường Nguyễn Văn Cao
Cư dân bền bỉ phố ấy có tên là Trần Xuân Bảng. Gia đình ông Bảng định cư ở khu tập thể C5 Quang Trung, nhưng “địa chỉ thường trú” của ông là góc vỉa hè đầu đường Văn Cao ấy, nơi bao năm nay, ông dựng vài cọc chống, phủ bạt xanh, dắm vài chiếc ghế gỗ thành quán nước vệ đường phục vụ khách lạ, quen.
Bán hàng nước ở chốn này từ những năm đầu thập niên 1990 nên ông rành rẽ về bao sự đổi thay của phố, mà chuyện ông kể, nhẹ nhàng, giản đơn, tuyền những chi tiết ngỡ chừng vụn vặt mà ngẫm ra “đắt” lắm! Như thể, ông nói về phố thuở xưa, ngổn ngang những chứng tích chiến tranh chống đế quốc Mỹ và khí thế sục sôi kiến thiết phố mới: “Ấy là những năm 1980. Nhà tôi ở khu tập thể C5, từ đó nhìn xuống, cả vùng này lổn nhổn hố bom, gạch vụn, rồi thì bãi hoang cỏ mọc lút thân người. Thời bao cấp, nhân dân các khu tập thể và vùng lân cận thường vào đây phát hoang, trồng rau tăng gia sản xuất. Các hố bom thành ao trồng rau muống, rau rút… xung quanh vun lên mấy luống rau khoai… Chẳng biết do nước đọng hố bom tốt hay xấu mà rau cỏ gì cũng tốt lút cả lên!”.
Ông Trần Xuân Bảng xem lại những kỷ vật chiến trường
Ông Trần Xuân Bảng xem lại những kỷ vật chiến trường
Đoạn ông bảo, đường Văn Cao bấy giờ chưa được nối thông ra với đường Quang Trung như bây giờ, dân cư thưa thớt vài hộ quanh quanh những đường Lê Khôi, Nguyễn Thị Định… Thế nên, dẫu sát cạnh bên tuyến giao thông trọng điểm Quang Trung, nhưng đường Văn Cao vẫn có nếp lặng lẽ, khiêm nhường riêng. Mãi đến thời điểm năm 1993 - khi công trình Quảng trường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, mấy chục hộ dân vùng giải tỏa mạn quanh đường Hồ Tùng Mậu được phân đất, di cư về đây. Bãi hoang nhanh chóng biến thành phố thị, đường đất thụt thõm được rải nhựa phẳng lỳ, nối thông ra những nhộn nhịp đường Quang Trung, nay thành chốn đắc địa nhất nhì thành phố. Đường bấy giờ mới chính thức có tên đường Văn Cao. Ông Trần Xuân Bảng nhớ lại: “Ngày cắm bảng tên đường, dân phố xôn xao hết cả lên. Ai cũng bỏ dở việc đang làm, chạy đến chứng kiến sự kiện trọng đại ấy. Rồi bàn tán mãi về tên đường…”.
Tên đường lấy tên ông nhạc sỹ Văn Cao, người nhạc sỹ tài hoa, nổi tiếng của nước Việt mình. “Là ông sáng tác bài “Quốc ca” nước mình, chứ còn ai vào đây nữa. Tôi là tôi biết rõ lắm….” - ông Bảng hào hứng. Cái sự rõ rành của ông già hàng nước cũng chẳng có gì bất ngờ, là người dân Việt Nam, ai mà chẳng thuộc bài “Quốc ca”, chẳng biết đến ông Văn Cao! Nhưng chịu khó lắng nghe, thì cái sự rành rẽ mà ông dứt khoát khẳng định ấy, lại được bắt nguồn từ dòng ký ức đầy trân quý thời thanh niên hòn tên, mũi đạn.
Chuyện là, ông Trần Xuân Bảng nguyên là chiến sỹ của Trung đoàn 84, Sư 325, Quân đoàn 2. Ông nhập ngũ năm 1967, chinh chiến dày dặn khắp các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Đông Nam Bộ… Ký ức chiến trường hoa lửa vẫn vẹn nguyên, lấp lánh sáng trong ánh mắt nua già, trong cả nỗi rung động không ngừng của một con mắt hỏng vì mảnh bom trên chiến trường Quảng Trị năm nao. Ông là lính trinh sát pháo binh, có nhiệm vụ trinh sát trận địa, chấm tọa độ các mục tiêu để “ta” rót pháo trúng đích. Lính trinh sát luôn đối mặt với hiểm nguy, thương vong, đến nỗi, trước mỗi lần xuất trận, ông Bảng và đồng đội lặng lẽ thêm một lần làm lễ truy điệu sống của chính mình. Ra trận, trên người chỉ độc chiếc quần đùi bộ đội, còn đồ đạc trên người tất thảy đều để lại, gửi gắm đồng đội để “nhỡ có chuyện gì…” Lễ truy điệu sống mấy chục năm về trước ấy vẫn vẹn nguyên hình ảnh trong ông: Căn hầm nhỏ hầm hập nóng, lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc treo cao, muôn ánh mắt sáng ngời lòng yêu nước, đặt bàn tay lên lồng ngực ấm nồng và khe khẽ cất lời bài “Quốc ca”. “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc… Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...” Lời bài hát hào hùng ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho ông và đồng đội, ngân vang trong trái tim tuổi trẻ như kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.
Năm 1975, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đi vào giai đoạn khốc liệt nhất. Trung đoàn 84 cùng với nhiều đơn vị quân lực khác được lệnh tiến sâu vào, giải phóng lần lượt Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Bình Định - Khánh Hòa - Đồng Nai - Quận 9 Sài Gòn. Đoàn quân đi giữa mùa Xuân, trong khí thế của lòng yêu nước và ý chí quyết thắng. Ông Trần Xuân Bảng bảo, chuyện lâu không lần giở, ngỡ rằng đã quên rồi, thế mà đến giờ phút này, ký ức những năm tháng hào hùng ấy vẫn hiện lên sắc nét. “Vào đến cửa ngõ Sài Gòn, biết giờ phút định đoạt sự thống nhất dân tộc đã gần đến, ai cũng thấy lòng mình phấn khích lạ. Một thứ cảm giác gì đó kỳ diệu lắm, như thể vừa qua giấc ngủ dài đã thấy ánh sáng ở trước mặt. Anh em không ai bảo ai, bất chợt lặng đi một quãng như thế. Rồi thốt nhiên, một anh lính trẻ cất nhịp: “... Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen chúc quân hành ca/ Đường vinh quang xây xác quân thù/ Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/ Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/ Tiến mau ra sa trường/ Cùng tiến lên… Nước non Việt Nam ta, vững bền…”.
Ông kể, và ông cất lời hát thật. Mái đầu bạc ngẩng cao, ngực ưỡn thẳng và ông nhìn xa xăm ra phía loang loáng xe đầu đường Quang Trung, giọng khàn đục mà âm điệu hào hùng lắm. Tôi khẽ nhắm mắt lại, tưởng tượng ra chàng thanh niên Trần Xuân Bảng của 40 năm về trước … Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc trong buổi chiều nay, giữa quán nước nhỏ bé này, bên cạnh người đàn ông dạn dày sương khói chiến trường, trong không gian lặng lẽ của con phố mang tên vị nhạc sỹ khả kính sáng tác ca khúc Tiến quân ca bất hủ…
Phước Anh
Nhạc sỹ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao (1923 - 1995), quê quán ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ ông theo gia đình ở Hải Phòng. Ông học qua bậc tiểu học và trung học rồi lên Hà Nội học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong, tham gia nhóm Đồng Vọng, sáng tác các ca khúc lãng mạn như "Bến xuân", "Suối mơ", "Thiên Thai", "Trương Chi",... ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Được giác ngộ cách mạng, ông tham gia công tác trong Hội văn hoá Cứu quốc và Đội danh dự trừ gian của Hà Nội. Chính tay ông đã diệt 1 tên việt gian khét tiếng gian ác... Cũng thời kỳ này ông đã sáng tác bài “Tiến quân ca”, sau này trở thành Quốc ca Việt Nam. Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp 19/12/1946 ông tham gia những công tác đặc biệt của Bộ Nội vụ, rồi về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Bắc. 
Trong thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác những bài hát nổl tiếng như “Sông Lô”, “Chiến sỹ Việt Nam”, “Tiến về Hà Nội”... Sau hiệp nghị Genève, 1954, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sỹ Việt Nam, ông là tác giả của nhiều tuyển tập nhạc rất được bạn yêu nhạc ưa thích và được giới thiệu ở ngoài nước. Văn Cao là một nhạc sĩ tài hoa. Ông còn làm thơ và vẽ. Ông còn nổi tiếng về những họa phẩm minh họa với một phong cách riêng. Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định và TP. Vinh (Nghệ An).

Tin mới