Ngón tay thừa

(Baonghean) - Dù có yêu quý hay ghét bỏ đến mấy một sự vật, một con người của dĩ vãng, chẳng chóng thì chầy những điều ấy cũng sẽ thành bụi bặm mà cán chổi thời gian lùa một nhát là quét sạch. Hồi mới đi học, có khi mình quên béng tên lũ bạn trong lớp chỉ qua một mùa hè. Hoặc giả “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, cứ con Uyên mà gào toáng lên “Kiên ơi, ra nhảy dây”... đại loại thế. Nhưng cũng có những đứa bạn mình chẳng quên bao giờ. Mãi mãi.

Nguyên là một con bé thoáng trông không có gì đặc biệt. Hơi còi, hoặc cũng có thể là do mình bị ngộ sữa nên chẳng đứa nào đứng cạnh mình mà lại không còi. Ít nói, mặc dù mở mồm ra được khi lớp toàn những cái loa phóng thanh (như mình) đã là một kì tích. Cũng có thể ngay từ đầu, con bé ốm yếu dặt dẹo, da lúc nào cũng tai tái vì cớm nắng ấy đã khác biệt mà không ai nhận ra. Cho đến khi bắt đầu tập viết thì nó mới thực sự nổi bật.

Nguyên tập viết một cách khó nhọc. Không phải vì nó dốt mà học mãi không thuộc được rằng tròn như quả trứng gà là chữ O, khi trời nắng O đội mũ vào thành chữ Ô và chữ Ơ là chữ O râu vài ngày chưa cạo. Trái lại, nó im lặng và chăm chú, dạy cho nó cái gì là nó vui lòng lắng nghe và nhớ ngay. Chúng tôi không hiểu được nỗi khổ tâm của nó đơn giản vì chẳng đứa nào gặp phải vấn đề tương tự: Mỗi bàn tay của Nguyên có tận 6 ngón nên nó không sao cầm bút được như cô giáo hướng dẫn. Nó cứ vô tình một cách bất đắc dĩ cho những chữ O của mình đội mũ ngay cả khi trời không nắng và thỉnh thoảng được mọc râu trong khi bài tập viết chữ Ơ còn xa lắc.

Tôi tròn mắt hỏi nó: “Sao tay mày cứ vặn vẹo thế hả Nguyên?” khi nhìn những chữ O méo mó trong vở nó. Những lúc như thế tôi lại thở phào, vì điểm tập viết của tôi chưa bao giờ ngóc lên quá con 7 và tôi lại có dịp phân bua với mẹ: “Cái Nguyên ngồi cạnh con cũng được có 7 điểm thôi!”. Nhưng dần dà khi tôi bớt cẩu thả hơn thì vượt được nó chẳng có gì là khó. Con bé tội nghiệp, mặc cho nó cố gắng đến chai cả hai ngón tay cái, chữ nó mãi mãi chẳng ra gì! Điểm chính tả của cái Nguyên dở tệ nhưng nhờ thế mà “cuộc đời học sinh” của nó bớt tẻ nhạt, khi tôi và nó nghiễm nhiên thành đôi bạn cùng bàn cùng tiến. Mặc cho nó hốt hoảng lắc đầu quầy quậy, tôi vẫn lôi bằng được nó vào nhóm chơi nhảy dây. Chỉ khi đến phần oẳn tù tì chia phe thì cả bọn mới ngẩn tò te trước ngón cái thừa ra của Nguyên. Tôi đờ người ra một lúc rồi tuyên bố: “Để tao oẳn tù tì thay nó”, còn cái Nguyên chỉ biết nhìn tôi, vừa bối rối vừa biết ơn. 5 năm trời thay nó chơi oẳn tù tì, chi chi chành chành, nhiều ăn ít nhịn, tôi vẫn ngẫm nghĩ không biết có bao giờ nó thấy ghen tị hay tò mò muốn chơi thử một lần không?

Khi vào lớp 7, tôi suýt không nhận ra Nguyên khi ngày tập trung, nó khua hai bàn-tay-năm-ngón vẫy tôi loạn xị. Tôi thộn mặt ra: “Tay mày bị làm sao thế? - Mẹ đưa tao đi Hà Nội cắt rồi, mẹ mà đưa tao đi sớm hơn thì mày đã chẳng phải oẳn tù tì thay tao lâu thế, mày nhỉ?”. Tôi nhìn nó hớn hở mà ngẩn ngơ, thẫn thờ. Ừ thì bây giờ chúng tôi học lớp 7 rồi cơ mà, làm gì còn chơi oẳn tù tì nữa. Tôi có thấy phiền vì cứ suốt ngày phải chơi thay nó không? Tôi có thở phào nhẹ nhõm khi không phải nhìn ngón tay thừa của Nguyên mỗi lần nó nhấp nhổm giơ tay phát biểu nữa không? Tự nhiên tôi thấy buồn phát khóc.

Tôi và Nguyên, theo một cách nào đó đã thân nhau chính nhờ ngón tay cái thừa ấy. Liệu những kỷ niệm gắn bó với nó giờ đây có mất đi không? Có khi nào người ta không nhận ra một con người chỉ vì thiếu vắng đi một ngón tay cái không? Nghe có vẻ dớ dẩn nhưng tôi rất sợ rồi đây sau một mùa hè sẽ quên Nguyên như đã từng quên những đứa bạn cùng lớp. Tôi sợ khi không còn gì đặc biệt khơi gợi ta nhớ về một sự việc, một con người, chẳng chóng thì chầy những điều ấy cũng sẽ thành bụi bặm mà cán chổi thời gian lùa một nhát là quét sạch...

Sau này lớn lên, tôi hiểu ra rằng những ngón tay thừa của Nguyên cũng như những vết sẹo lồi của một vết thương hằn sâu vào lịch sử dân tộc và cả một lớp người. Những ngón tay màu da cam, những ngón tay giơ lên quệt giọt nước mắt khét mùi đạn bom và lau vội vết máu hoà lẫn cùng vô vàn thứ hoá chất. Ngón tay đã khiến tôi không bao giờ quên được Nguyên, như ông của nó không bao giờ quên những tháng năm sống chết trong bom đạn. Ngón tay không thôi nhắc nhở chúng ta rằng đất nước lành lặn này đã từng méo mó, rằng những gì Vẹn Nguyên của hôm nay sinh ra từ những Khiếm Khuyết của ngày hôm qua. Đó là những điều chúng ta chẳng quên bao giờ. Mãi mãi!

Hải Triều

Tin mới