Làm phim về Bác ở nước Pháp

(Baonghean) - Năm 1974, đoàn làm phim của đạo diễn Phạm Kỳ Nam được cử sang Pháp để làm phim về quãng thời gian hoạt động của Bác Hồ vào những năm 20 của thế kỷ XX.
Khoảng cách lịch sử đã lùi xa trên nửa thế kỷ so với thời gian đoàn tới làm phim, nên các địa điểm ghi lại dấu ấn về Người đã mai một đi rất nhiều, các nhân chứng cũng người còn, kẻ mất! Những sự kiện nổi lên, như Bác cùng làm báo “Người cùng khổ” với luật sư Blôngcua, thì ông qua đời đã lâu, chỉ còn người con gái luật sư là bà Eelian có nhắc lại về tuổi thơ của mình được sống cùng với Nguyễn. Về Đại hội Tua, ở đó Bác trở thành người cộng sản, ngôi nhà họp đại hội chỉ còn lại một thảm cỏ xanh và chiếc cầu đá cổ bắc qua sông Loa. Nhân chứng hầu như không còn ai. Tìm mãi, đoàn mới gặp được cụ Látxê (khi đó đã trên 81 tuổi), nguyên là công nhân đường sắt. Cụ rất mệt nhưng khi ghi hình vào phim, cụ tỉnh táo nhớ về người thanh niên mang tên Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu rất hay về quyền sống của người dân thuộc địa.
Còn một sự kiện mà đoàn muốn đưa vào phim, là vào năm 1919, Bác Hồ có gửi một bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây họp ở Paris. Đó là hội nghị các nước đồng minh sau khi thắng phát xít Đức ở thế chiến I (1914 – 1918), đã tới họp bàn để chia lại quyền lợi, trong đó có các xứ thuộc địa. Nội dung của bản yêu sách là đòi quyền sống cho các dân tộc thuộc địa và tự do cho Tổ quốc mình. Sau rất nhiều lần tìm hiểu về sự việc trên, đoàn gặp được bà Tabui đã trên 70 tuổi. Khi biết đoàn từ Việt Nam sang làm phim về Nguyễn Ái Quốc, bà đã tiếp đón rất nhiệt tình.
Vào một buổi sáng mùa Đông năm 1974, bà Tabui đưa đoàn tới thăm ngôi nhà bà từng ở. Chính tại ngôi nhà này, ở ngay chiếc cổng gỗ to lớn kia, một buổi sáng năm 1919 có tiếng chuông reo, một cô gái khoảng 20 tuổi ra mở cổng. Cô gái đó chính là bà Tabui, lúc ấy là thư ký riêng của đại sứ Cambông. Đại sứ là ủy viên của đoàn Pháp, tại Hội nghị Vécxây, nơi họp của các nước đồng minh.
Bà Tabui đưa đoàn lần dọc theo hành lang rộng của ngôi nhà và nói:
- Đấy, tôi đã đưa người thanh niên đó theo hành lang vào phòng khách đại sứ.
Mọi người nhìn căn phòng, hình dung với vẻ oai nghiêm khi nó là phòng khách của viên đại sứ quyền uy, đại diện cho một cường quốc thắng trận tham dự một hội nghị lớn quyết định số phận của nhiều dân tộc thuộc địa trên thế giới. Thế mà trong vẻ oai nghiêm đó, có một thanh niên mảnh khảnh, đã tới đòi quyền sống cho những người cùng khổ.
Bà Tabui nhìn căn phòng, nhớ lại kỷ niệm xưa:
- Vẫn cánh cửa này, khi tôi mở ra thấy một thanh niên châu Á tuấn tú, hiền hậu với nụ cười nhã nhặn. Anh nói:
- Tôi là Nguyễn Ái Quốc, muốn gặp đại sứ Cambông!
Ông Cambông đi vắng nên anh trao cho tôi bản yêu sách nhờ chuyển tới đại sứ. Ngay từ giây phút đầu với giọng nói và ánh mắt đã để lại trong tôi ấn tượng về con người đầy nghị lực, mang tâm hồn trong sáng.
Anh dặn tôi rất kỹ về bản yêu sách đó và xin phép ra về. Tới cửa, anh dừng lại nói:
- Xin lỗi, tôi muốn cô đọc bản yêu sách này!
Tôi mở ra, bản viết tay rất rõ và đẹp. Tôi đọc kỹ cho anh nghe. Nghe xong anh nói:
- Lát nữa, ông đại sứ về, mong cô chuyển vào đọc cho ông nghe như cô vừa đọc, không bỏ sót chữ nào! Và anh cảm ơn tôi rồi ra về.
Bà Tabui còn là một nhà báo, nên bà gợi nhiều cảnh quay để tạo thêm không khí buổi sớm của năm 1919 ấy…
Khi chia tay bà còn nói với đoàn làm phim:
- Buổi gặp mặt hôm nay gợi tôi nhớ lại tuổi trẻ của mình, nhớ lại người thanh niên mang tên Nguyễn vào mùa Đông năm 1919 ấy. Tôi còn biết chỉ hơn 20 năm sau, người thanh niên đó trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giành quyền độc lập cho Tổ quốc mình!
Bà nhìn chúng tôi, nắm chặt tay từng người rồi nói:
- Tuy tuổi cao, nhưng có những người bạn tôi không thể không giúp. Các ông là những người như vậy, vì các ông đang làm phim về Nguyễn Ái Quốc, con người mà tôi rất quý trọng!
Lê Lân

Tin mới