Lòng tham và đôi dép

(Baonghean) - Hồi học lớp 5, trước phòng học lớp mình là một hàng xoài. Đến mùa, con gái đứng trước hành lang ngó ra í ới, con trai tháo dép ném cho xoài rơi xuống. Xanh lè, chua ngoét mà đứa nào cũng tranh nhau ăn. Mấy phút sau đã thấy ông bảo vệ cầm thước rượt bọn con trai chạy vòng vòng. Mèo đuổi chuột chán, ông cáu tiết tịch thu luôn đống dép vun dưới gốc cây, mấy thằng cứ thế lẽo đẽo đi theo, xin xỏ ngoạc cả mồm: “Bác ơi, cho cháu xin đôi dép!” 
Của ăn vụng là của ngon, bố mình vẫn bảo thế mỗi lần kể chuyện hồi bé đi trộm ngô, trộm khoai về nướng. Dường như đã thành chân lý: Cái cảm giác đạt được những thứ không thuộc về mình hình như lúc nào cũng hấp dẫn hơn là chỉ đơn giản ra chợ mua một cân xoài, đùm khoai - chán ngắt! Tại sao lại hấp dẫn? Câu hỏi tưởng chừng như “phàm tục” nhưng hoá ra có gốc rễ sâu xa đến tận thủy tổ của loài người: Adam xưa không kìm nổi lòng tham trước trái cấm vườn địa đàng, huống hồ là Adam nay trước nương ngô chín mẩy. 
Vừa qua mình có đọc được bài báo về việc người dân đổ xô ra đường “hôi bia” khi một xe tải chở bia gặp tai nạn. Mới nghe qua mình chỉ phì cười, nhưng đến khi sự vụ được lên hết báo ta rồi báo Tây thì mới giật mình: Sao nghiêm trọng vậy? Một bà mẹ tham gia “hôi bia” kể với vẻ hối hận rằng thấy mọi người đổ xô vào nên cũng vội vàng tham gia để khỏi “thua chị kém em”. Trong khi đứa con gái chứng kiến cảnh mẹ nhào ra đường “cướp bóc” thì chỉ hỏi “Nhà mình không uống bia, mẹ lấy làm gì?”. Suốt chặng đường về và cho đến bây giờ, bà mẹ chỉ biết hổ thẹn, tự hỏi rồi đây sẽ lấy tư cách nào để dạy con. Mới biết, người lớn còn phải học ở con trẻ nhiều.
Câu hỏi của cô con gái tưởng như ngây ngô, hoá ra lại đánh vào đúng ranh giới triết học giữa cần thiết và sự thèm muốn. Chúng ta vẫn thường để cho lòng tham cuốn mình đi xa khỏi câu hỏi “Ta cần cái gì?”, “Ta có cần thứ này không?”, trả lời một cách lạc đề rằng “Thừa còn hơn thiếu”. Trong cuộc sống vốn dĩ có nhiều người thích giành giật về phần mình những thứ không thuộc về hay không cần thiết cho bản thân, chỉ để làm dịu đi thôi thúc cháy bỏng của lòng tham mà lờ đi tiếng gọi của lương tâm và lí trí. Có phải các bà nội trợ vẫn thường không kìm lòng được trước những quảng cáo “Mua 3 tặng 1”, “Mua bánh tặng thuốc đánh răng”,… mà không bao giờ đặt câu hỏi, liệu có bao giờ mình dùng đến món đồ được tặng kèm? Hoặc giả khi được đặt câu hỏi “Nhặt được một khoản tiền lớn bạn sẽ làm gì?”, trong khi miệng đáp “Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” thì thú thật là trong đầu mình còn đang phân vân nên đi du lịch vòng quanh thế giới hay đầu tư vào thị trường bất động sản…
Đã qua mất rồi cái thời tháo dép ném xoài để rồi lẽo đẽo đi theo bác bảo vệ xin lại dép. Khi không còn là trò nghịch ngộ của con trẻ nữa, một hành vi của lòng tham chắc chắn sẽ khiến ta mất đi nhiều hơn là một đôi dép. Bởi vì, theo định lí bảo toàn vật chất của Newton thì vật chất không tự sinh ra, cũng không tự mất đi, chúng chỉ dịch chuyển dưới hình thức này hay hình thức khác. Khi ta mừng rỡ vì lấy được dăm, ba chục chai bia “của chùa” thì thứ mà ta đã “viếng chùa” không phải là đôi dép mà là tư cách và lương tâm của bản thân. Chúng ta thường xem trọng lợi ích trong mọi phép tính toán, đo lường nhưng lại quên mất rằng tư cách đạo đức của mình cũng là một khoản sinh lời to lớn, mà món hời thu về sẽ là những mối quan hệ lành mạnh và sự tôn trọng của mọi người. Vậy nên, khi viết đến dòng này, mình chợt giật mình nhìn xuống chân và tự hỏi: Đôi dép lương tâm của mình có còn đây hay đang ở trên tán xoài xa tít? 
 Hải Triều 
(Email từ Paris)

Tin mới