Xây dựng gia đình văn hóa: Chú trọng nâng cao chất lượng

(Baonghean) - Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có yên ấm, hạnh phúc thì xã hội mới tốt đẹp, chính vì thế những năm qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa được người dân hết sức ủng hộ. Để triển khai có hiệu quả phong trào, chống bệnh “chạy theo số lượng” các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã trăn trở để có nhiều cách làm hay, hiệu quả. 

Bình xét công khai, dân chủ 
Chúng tôi về Hưng Đạo, một trong những địa phương được đánh giá là mạnh, chắc các phong trào văn hóa, trong đó tiêu biểu nhất là phong trào xây dựng Gia đình văn hóa của Hưng Nguyên. Trong khí thế xây dựng nông thôn mới, Hưng Đạo đã thật sự khởi sắc: đường làng, ngõ xóm bê tông sạch đẹp, trường học khang trang… Nhưng điều đáng mừng nhất ở  Hưng Đạo đó là bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế với các ngành nghề chính như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, duy trì phát triển các ngành nghề phụ, mở mang phát triển gia trại… thì hầu như gia đình nào cũng chuyên tâm vào việc nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ và tham gia đóng góp vào công tác từ thiện, nhân đạo.
Trao bằng khen cho các gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu cấp tỉnh. 	Ảnh: Mỹ Hà
Trao bằng khen cho các gia đình văn hóa xuất sắc tiêu biểu cấp tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà
Đến thăm gia đình ông Trần Văn Nhiện (85 tuổi) và bà Trần Thị Dần (77 tuổi)  ở xóm 5B. Là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền của xã Hưng Đạo, gia đình ông Nhiện hiện có 3 thế hệ cùng chung sống hòa thuận. Bà Trần Thị Dần cho biết: Để có thể hài hòa trong xử sự với mẹ chồng, với con dâu, bà luôn lấy sự đoàn kết, thương yêu, kính trọng làm đầu. Trong gia đình, người bố, người mẹ phải luôn là tấm gương sáng cho các con, đối xử bình đẳng với các con từ những việc nhỏ nhất. Ở quê, không chỉ có gia đình, mà còn chuyện họ hàng, làng xóm. “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, hàng xóm “Tối lửa, tắt đèn, có nhau” khi có chuyện buồn, vui đều chia sẻ, động viên kịp thời. Với ông Trần Văn Nhiện: Xây dựng gia đình văn hóa không phải vì danh hiệu, vì tờ giấy khen của xã, của huyện mà xây dựng gia đình văn hóa là để gìn giữ nền nếp gia phong, để duy trì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, để làm nền tảng cho các con. 
Ở đâu không biết chứ riêng xóm 5B, mỗi lần tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa là mỗi lần các gia đình được nghe hàng xóm góp ý cho mình những lời lẽ chân thành nhất. Gia đình nào con cái hư hỏng, gia đình nào bố còn đánh cờ bạc, gia đình nào chưa hòa thuận… đều được đưa ra dựa trên các tiêu chí để bình xét thật nghiêm túc. Để tránh tình trạng hàng xóm láng giềng “nể” nhau, ngoài nhận xét, đánh giá, ban cán sự xóm còn tổ chức bỏ phiếu kín để thể hiện tính dân chủ, công khai trong bình xét danh hiệu.
Trao đổi với ông Lê Quyết Thắng – cán bộ văn hóa xã Hưng Đạo được biết: “Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự làm thay đổi cuộc sống người dân, các tệ nạn xã hội ngày càng giảm, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, các gia đình quan tâm đến chuyện học hành, dạy bảo con cái hơn, nhiều gia đình duy trì 3 – 4 thế hệ cùng chung sống hòa thuận. Hàng năm, cứ đến Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, Hưng Đạo lại tổ chức hoạt động văn hóa – thể thao, đồng thời tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đây là dịp để các gia đình giao lưu, nhìn lại quá trình phấn đấu trong năm. Việc bình xét công nhận hay rút danh hiệu đều diễn ra một cách công khai, dân chủ. Nhờ đó, phát huy được tiếng nói của dân, tạo sự công bằng và làm cơ sở để ban vận động quyết định có công nhận hoặc rút danh hiệu GĐVH. 
Để tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa nói riêng và các phong trào khác nói chung, cán bộ xã Nam Cát (Nam Đàn) không chỉ có trách nhiệm, mà phải thực sự tâm huyết, trăn trở với phong trào. Ông Vương Hồng Thái – Bí thư Đảng ủy xã Nam Cát thẳng thắn: Quan điểm của lãnh đạo xã là không chạy theo hình thức, mà phải chọn lựa ra những hạt nhân tiêu biểu, có sức lan tỏa. Vì thế trong bình chọn danh hiệu Gia đình văn hóa nói riêng, các phong trào khác như làng văn hóa, dòng họ văn hóa… Nam Cát đã thực hiện rất bài bản và có nhiều cách làm sáng tạo. Ví như trong bình xét gia đình văn hóa. Ngay từ đầu năm, xã tổ chức truyên truyền trên loa phát thanh, trong các cuộc họp để người dân nắm rõ tinh thần, nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc đăng ký, xây dựng danh hiệu GĐVH. Sau đó, hướng dẫn cho người dân tự nguyện tổ chức đăng ký từ xóm trên cơ sở dựa vào các tiêu chí của Bộ VHTT và DL. Xóm có trách nhiệm rà soát lại, chốt danh sách và gửi lên Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn két xây dựng đời sống văn hóa” xã. Trong suốt một năm Ban chỉ đạo xóm, xã sẽ phối hợp theo dõi những hoạt động của các gia đình đã đăng ký, cuối năm đưa ra bình xét trên danh sách đã đăng ký xem gia đình nào đạt, chưa đạt ở điểm nào, phân tích cụ thể để các gia đình rút kinh nghiệm, nếu đã đạt rồi cần phát huy, gìn giữ, nếu chưa đạt thì cần cố gắng… Với cách làm này, tỷ lệ gia đình văn hóa của Nam Cát luôn ở mức trên 80%/năm, điều quan trọng là sau khi đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, xã đều tổ chức tôn vinh với mục đích làm gương cho các gia đình khác. Có như vậy, danh hiệu Gia đình văn hóa mới có sức lan tỏa và được người dân đón nhận.
Để danh hiệu bền vững
Phong trào “Gia đình văn hoá” đã trở thành một trong những nội dung quan trọng hàng năm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và trở thành phong trào thi đua toàn diện, sâu rộng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của nhân dân về xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Đến nay, tỷ lệ gia đình VH toàn tỉnh đạt 76 %, phấn đấu hết năm 2014 sẽ đạt 79%. Tính riêng giai đoạn 2007 – 2013 toàn tỉnh có hơn 60 ngàn gia đình được suy tôn gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc các cấp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những năm qua, việc bình xét, công nhận Gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, có nhiều vấn đề chưa hợp lý, thiếu thống nhất, dẫn đến tính thuyết phục chưa cao, nơi bình xét quá chặt, nơi quá lỏng, dẫn tới tỷ lệ công nhận Gia đình văn hóa có khoảng cách khá xa. 
Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT và DL khẳng định: Để phong trào xây dựng Gia đình văn hóa bền vững, thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò quan trọng của xây dựng gia đình văn hoá; xác định xây dựng gia đình văn hoá là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá” ở cơ sở, là nhiệm vụ của cả hệ thống thống chính trị. Đồng thời giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình đi liền với việc tiếp thu những giá trị tiến bộ của gia đình hiện đại, cao hơn nữa là để vun đắp tình yêu quê hương, Tổ quốc cho mỗi thành viên trong gia đình. Việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” cần tiến hành một cách nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn. Xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào khác, như xây dựng tổ văn hóa, xóm văn hóa... Đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm làm băng hoại giá trị trong gia đình; loại trừ các hủ tục trong đời sống xã hội và các tệ nạn đang diễn ra trong đời sống gia đình. Có như thế chất lượng GĐVH nói riêng và phong trào xây dựng đời sống văn hoá nói chung mới đem lại hiệu quả bền vững. Bởi suy cho cùng điều cốt lõi của danh hiệu GĐVH là mỗi gia đình hãy sống hòa thuận, đoàn kết, ấm êm, hạnh phúc góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
­Thanh Thủy

Tin mới