"Những buổi ngày xưa vọng nói về"

(Baonghean) - Cha ơi, hôm nay con đưa cha về, theo nguyện vọng cuối đời của cha, về với nếp nhà nhỏ mà bao nhiêu năm cha đã phải rời xa, xuôi ngược mưu sinh. Nơi mà sâu nặng trong trái tim cha, cả thẳm sâu trong con nữa là tiếng gọi: quê Cha, đất Tổ. 
Đứng chân trên đất ấm quê mình, ngắm dòng Lam mùa này sóng sánh con nước, ngắm hoàng hôn chậm xuống trên cầu Yên Xuân, ruộng đồng xôn xao vụ gặt... con càng thấm thía hơn lời cha nói: Con người ta, dù đi xa tới đâu cũng chỉ thực sự cảm thấy mạnh mẽ và thanh thản nhất khi đặt chân mình trên mảnh đất quê hương. Con mới thấu hiểu, vì sao những ngày nằm trên giường bệnh, cha cứ đòi nghe bài hát: “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của nhạc sỹ Tân Huyền, và mỗi lần nghe, cha lại nhắm mắt... Và con đã về, không chỉ bởi mong mỏi của cha là chính bàn tay con sẽ thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ, mà còn có điều gì như giục bảo từ trái tim con. Con đã cảm nhận thấy một mối liên hệ nào đó vừa mơ hồ, vừa khăng khít, ấy là mối liên hệ giữa hiện tại và quá khứ, giữa lịch sử và huyền thoại, giữa đau thương và vinh quang... khi con nhìn ngắm quê mình.
Con nhớ về những câu chuyện của cha, dòng Lam đã chảy trôi suốt tuổi thơ của cha, đến tuổi thơ của những đứa trẻ bây giờ; về núi Lam Thành, có cái tên dân gian là rú Rum; về đền vua Lê, nơi thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần - là người vợ đã theo Lê Lợi từ những ngày dựng cờ khởi nghĩa; về chợ Cần, chợ Mý... với những lặn lội cùng bánh đúc, bánh đa. Và không có bao giờ, khi nhắc về quê hương mà cha không nhắc về ngày 12/9/1930. Cuộc nổi dậy quật cường ấy, cha không được chứng kiến, nhưng nó hằn sâu trong trí óc cha, qua lời của ông, của bà, bằng nước mắt, bằng nụ cười, bằng những cái giỗ trong họ mạc... Có những người thân của ta đã ngã xuống trong hơn 200 con người nhuộm máu trên cánh đồng Thái Lão. Và có tiếng trống dường như vẫn vang trong ngực cha, trong nhịp đập tự hào khi ai nhắc về tổng Phù Long, tổng Thông Lãng... Niềm tự hào đó, đã giúp cha vượt qua biết bao gian truân, giúp cha luôn ngẩng cao đầu và đau đáu nỗi niềm trở về.
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai thăm Bảo tàng   Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Mỹ Hà
Học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai thăm Bảo tàng Xô viết Nghệ - Tĩnh. Ảnh: Mỹ Hà
Bài hát mà cha yêu thích, bài hát đậm chất cách mạng, con đã từng thấy nó thật lạc lõng giữa trăm ngàn giai điệu hôm nay. “Chứ nước sông Lam biết khi mô cho cạn, cũng như tinh thần cách mạng của dân ta...”. Bài hát được nhạc sỹ Tân Huyền lấy cảm hứng từ phong trào Xô viết, cha đã nhắm mắt lặng nghe, không chỉ là cách mà cha nhớ về quê hương, mà còn là cách để cha sống cùng quê mình nữa. Phần hồn của con người, chắc hẳn đã làm nên từ những điều như vậy, từ cái mối ràng buộc của quá khứ, của ký ức, của nỗi nhớ, của điều thiết tha mà mình hướng về...?
Cha ơi, có lẽ nhiều đêm của đời mình, cha đã nghe “rì rầm trong tiếng đất” những chuyện ngày xưa ấy, lẫn với hơi thở của bà, tiếng khóc của mẹ... Như con bây giờ, đang lặng trước nghĩa trang quê nhà, nhìn xuống dưới chân mình đứng. Và con biết, dù có đi xa đến nửa vòng trái đất, con cũng như cha, cũng sẽ trở về, bởi thứ âm thanh thôi thúc ấy...
Nghệ An cuối tuần

Tin mới