Xây dựng luật - công việc quan trọng của Đại biểu Quốc hội

Xây dựng luật là một trong những công việc quan trọng nhất của Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội.

ĐBQH tham gia như thế nào vào quy trình xây dựng luật?

Về lý thuyết, chỉ khi nào dự án luật được trình ra QH, thì việc tham gia của ĐBQH mới bắt đầu. Trong tất cả các giai đoạn của quy trình xây dựng luật, nghị quyết của QH, trừ giai đoạn Chủ tịch nước công bố luật, nghị quyết, thì ĐBQH đều có thể tham gia với những vai trò nhất định.

Ở giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và giai đoạn thảo luận, thông qua dự án, dự thảo tại QH, tất cả ĐBQH đều có thể tham gia trực tiếp vào việc thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết. Trong giai đoạn thẩm tra tại các Ủy ban của QH và giai đoạn thảo luận, cho ý kiến tại UBTVQH, các đại biểu là thành viên của các Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra và thành viên của UBTVQH cũng tham gia trực tiếp vào các nội dung hoạt động của các cơ quan tương ứng.

Nhưng trên thực tế, ngay trong giai đoạn soạn thảo các văn bản luật, nghị quyết của QH, các cơ quan soạn thảo thường mời một số ĐBQH tham gia quá trình soạn thảo với tư cách là người đề nghị, kiến nghị về dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc có thể tham gia với tư cách là thành viên được mời hoặc chuyên gia.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, vai trò của ĐBQH trong tổng thể quy trình xây dựng luật, pháp lệnh còn được thể hiện ở việc QH có thể quyết định việc ban hành luật, nghị quyết của QH theo hình thức thủ tục rút gọn. Đây là quy định kế tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Các ĐBQH có thể tham gia thảo luận, biểu quyết để quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với các dự án luật, pháp lệnh cụ thể khi UBTVQH trình.

Tham gia ý kiến cần kỹ năng gì?

Trước hết, các ĐBQH cần vận dụng tối đa kiến thức, kinh nghiệm của bản thân vào việc tham gia với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Kiến thức và kinh nghiệm bản thân của mỗi người chỉ giới hạn trong một hoặc một số lĩnh vực mà mình đã trải qua hay hoạt động. Kinh nghiệm này càng hạn chế đối với những đại biểu trẻ. Khi tham gia các dự án luật cần lưu ý đến lĩnh vực mà mình có kiến thức hay lĩnh vực mình đã từng công tác trước đây để từ đó đưa ra những ý kiến chắc chắn, cụ thể.

Hai là thu thập thêm thông tin. Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguồn thông tin mà các đại biểu có thể tham khảo trong quá trình nghiên cứu dự án luật. Thông tin từ chính hồ sơ của dự án luật: thông thường hồ sơ có rất nhiều, nên lựa chọn những tài liệu quan trọng bên cạnh dự thảo luật như: Tờ trình, Bản thuyết minh, báo cáo đánh giá tác động, văn bản thẩm định… Đặc biệt là Báo các thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH - đây là văn bản quan trọng, bao gồm các vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, kiến nghị chung về dự án luật.

Ngoài ra, dư luận xã hội, ý kiến cử tri, các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến lĩnh vực mà dự thảo luật quy định, hoặc những thông tin từ thực tiễn giám sát cũng là nguồn thông tin quý, hữu ích giúp cho quá trình tham gia xây dựng luật của ĐBQH.

Ba là xử lý thông tin. Đó là việc ĐBQH chắt lọc các thông tin thu được, so sánh, đối chiếu các thông tin đó với hồ sơ, tài liệu, với thực tiễn quản lý nhà nước và thực tiễn cuộc sống… Đồng thời, tìm hiểu, bổ sung các thông tin cần thiết nếu thấy vấn đề mình đang suy nghĩ để tham gia là chưa đủ thông tin, chưa chắc chắn. Nghiên cứu các vấn đề mà quy định trong dự thảo mà thấy còn chưa rõ ràng.

Bốn là, chuẩn bị ý kiến, trước hết cần lựa chọn vấn đề để tham gia ý kiến, bảo đảm từ cách nêu vấn đề đến lý lẽ đưa ra đối với vấn đề mình nêu cần được lập luận chặt chẽ. Đặc biệt cần xem cơ sở lý luận và thực tiễn mà dự án luật đó quy định liệu có khả thi không.

Trong quá nghiên cứu dự án luật, có thể nhận thấy nhiều vấn đề có thể có ý kiến, nhưng nên chọn những vấn đề mà mình thấy chắc chắn nhất, không chỉ là cảm tính. Nên chọn những vấn đề mang tính nội dung mà không nên sa vào các vấn đề về câu chữ hay kỹ thuật lập pháp, trừ phi câu chữ hay kỹ thuật lập pháp làm thay đổi nội dung quy định của dự thảo.

Năm là phương pháp thể hiện, kinh nghiệm cho thấy, bài phát biểu của ĐBQH nên có sự chuẩn bị chu đáo, nêu vấn đề gọn, rõ, lập luận chặt chẽ, có thể đưa ra các ví dụ cụ thể để minh chứng cho vấn đề đưa ra. Nếu nói vo được là tốt nhất nhưng nếu không tự tin thì có thể đọc văn bản góp ý đã chuẩn bị sẵn.

Tuy nhiên, ĐBQH có thể kết hợp cả nói và đọc, có sự phân tích bổ sung - đây là phương pháp mà nhiều ĐBQH đã lựa chọn và cho thấy hiệu quả. Một điểm cần chú ý là khi phát biểu nên căn thời gian, nhất là khi phát biểu tại hội trường, phát biểu gọn trong khoảng thời gian cho phép được đánh giá cao và không bị Chủ tọa nhắc nhở.

Sáu là biểu quyết thông qua, thông thường trước khi thông qua dự án luật, nghị quyết, các đại biểu sẽ nhận được báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH. Cần tranh thủ nghiên cứu và tập trung vào những vấn đề mà mình đã có ý kiến hoặc vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau được đa số ĐBQH quan tâm, đối chiếu việc giải trình với dự thảo đã được chỉnh lý (dự thảo trình QH thông qua) xem việc chỉnh lý đó đã được chưa. Tiếp đó là việc thể hiện chính kiến và ấn nút thông qua, có thể tán thành hoặc không tán thành, hoặc bỏ phiếu trống một điều, một số điều hay toàn văn dự thảo luật.

Xây dựng luật là một trong những công việc quan trọng nhất của QH và của các ĐBQH. Nó chiếm phần lớn thời gian hoạt động của QH kể cả trong và ngoài kỳ họp. Việc xây dựng luật cần được đầu tư thỏa đáng cả về nguồn lực con người và vật chất để thực hiện quyền lập pháp của QH. Trong xây dựng pháp luật thì chất lượng luật phải được đặt lên hàng đầu. Để bảo đảm mọi quan hệ xã hội, quan hệ hành pháp đều được pháp luật điều chỉnh thì cần một số lượng luật lớn nhưng nếu chất lượng của hệ thống pháp luật không bảo đảm thì cũng không mấy mang lại tác dụng./.

Hệ thống pháp luật tốt là hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn và ít lỗ hổng, tránh việc có thể bị lợi dụng. Mỗi ĐBQH đều có trách nhiệm quan trọng như nhau và không một ai, không một cơ quan, tổ chức nào có thể làm thay. Chất lượng của mỗi dự án luật được QH thông qua có đóng góp quan trọng của mỗi ĐBQH.

Ủy viên Thường trực UB Đối ngoại 
Nguyễn Sỹ Cương

Theo Đaibieunhandan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới