Ý nguyện cử tri: Đại biểu quốc hội cần đưa ra những sách lược mới

(Baonghean.vn) - Các cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội với từng cương vị khác nhau, có tiếng nói chung để đưa ra các sách lược mới nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết những bức xúc của người dân.
Ông Cao Đình Hòe – Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học tỉnh:
 
Cần tiếp tục chăm lo “Giáo dục phổ thông phải từng bước đạt chuẩn mực và đi vào kỷ cương, nề nếp” cho độ tuổi học đường; thực hiện phương châm học tập suốt đời cho người lớn thông qua việc chú trọng Giáo dục thường xuyên tại các Trung tâm học tập cộng đồng (mỗi xã, phường, thị trấn có một Trung tâm).
Ở đó người học được thể hiện quyền “người học cần gì học nấy”; người dạy thì có thể các nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ; hoặc người dân sở tại đã thành công trong sản xuất, kinh doanh hướng dẫn cho người khác.v.v. Giáo dục và đào tạo người học (ở độ tuổi học đường và người lớn) ý thức việc học thường xuyên, suốt đời “Không chỉ của chúng tôi mà của chúng ta, không chỉ của mọi người mà của toàn xã hội”.
Cần tiếp tục tổ chức thi cán bộ quản lý giáo dục giỏi sau khi thi giáo viên dạy giỏi. Như vậy chúng ta tạo nên một trật tự giáo dục: học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi, cán bộ quản lý giáo dục giỏi làm tiên phong (đầu đàn) trong công cuộc “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. 
Thạc sỹ Nguyễn Đức Diễn- Giảng viên khoa Sinh, Trường Đại học Vinh:
 
Tài nguyên môi trường là lĩnh vực rộng lớn, trong nước có rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành môi trường. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn nhiều bất cập, hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường còn chưa có sự liên thông, liên kết. 
Thực tế hiện nay số sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc trong lĩnh vực môi trường không nhiều, do nhu cầu việc làm nên nhiều sinh viên chuyển sang công tác ở lĩnh vực khác. 
Trong khi những người làm quản lý nhà nước chủ yếu là kiêm nhiệm, không đúng chuyên môn. Những người trực tiếp làm công tác môi trường ít người được đào tạo đúng chuyên sâu về môi trường. Vì vậy, hiện nay đội ngũ lãnh đạo và cán bộ trong lĩnh vực môi trường chưa có nhiều kinh nghiệm, tỏ ra lúng túng, không giải quyết kịp thời, hiệu quả các sự cố về môi trường. 
Do vậy cần có sự quan tâm từ phía Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đồng thời đề xuất Quốc hội khóa mới cần hoạch định chính sách để bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. 
   Phó Giám đốc Bệnh viên Sản nhi - T. S – Bs CKII- Trần Văn Cương:
 
Càng ngày cử tri càng muốn hướng đến dịch vụ y tế tiện ích và hoàn hảo. Và, ngành y tế cũng mong muốn nhận được sự đồng cảm và ghi nhận của nhân dân trước những khó khăn thực tế và những nỗ lực của họ trong suốt những năm qua. Vậy, điều mà chúng tôi cần và người dân cần chính là quốc hội phải là chiếc cầu nối để người dân và ngành y tế tìm thấy tiếng nói chung. 
Thực tế trong những năm qua ngành đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận như việc phổ cập tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, từ 8 mặt bệnh nay đã phổ cập tới 12 mặt bệnh. Từ thành quả này đã có nhiều mặt bệnh nguy hiểm bị đẩy lùi. Thế nhưng việc tiêm chủng này có lúc có giai đoạn người dân chưa nhận thức đầy đủ nên mới có tình trạng một số người chủ động bỏ mũi tiêm, điều này rất nguy hiểm.  
Rồi việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân vì thiếu kiến thức nên người đân cũng chưa hiểu cùng một loại thuốc nhưng giá có thể chênh nhau tới 20 lần và tác dụng của nó vì thế cũng khác nhau. Vì thế khi bác sỹ kê đơn họ đã tính đến tất cả những khả năng từ việc đáp ứng thuốc đến khả năng tài chính của từng bệnh nhân. Và có những người vì chưa hiểu đã có những hành vi thiếu tôn trọng bác sỹ. 
Hay như việc chất lượng phục vụ tại các phòng khám, phòng cấp cứu, do lượng bệnh nhân quá tải, đội ngũ bác sỹ lại thiếu nên có lúc cũng chưa phục vụ được chu đáo, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân.  
Đồng thời chúng ta cũng nên hiểu có những ca bệnh không phải vào là được cấp cứu ngay, cũng tùy vào từng trường hợp nặng nhẹ, vì thế mà mới có việc có bệnh nhân chưa được thăm khám, ngay lập tức đã không vừa lòng với nhân viên y tế.
Tất cả những vấn đề chưa tìm thấy tiếng nói chung trên là vì chúng ta chưa có một cơ chế chính sách và hành lang pháp lý đủ rộng. Do đó mới cần có chiếc cầu nối để người dân và đội ngũ y tế nhận được sự đồng cảm với  nhau.
Và với vai trò là một cử tri tôi mong rằng quốc hội lần này sẽ bàn nhiều hơn, rộng hơn và thấu đáo hơn vấn đề về chất lượng khám chữa bệnh và những cơ chế đi kèm để hoàn thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Thanh Nga - Mai Hoa - Thanh Lê
Đồ hoạ: Trúc Anh
(Thực hiện)

Tin mới