Xử lý nghiêm khắc Luật sư vi phạm pháp luật

Đó là ý kiến kết luận của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sáng 17/3, tại Hà Nội, cho ý kiến vào Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp.

Trình bày dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: Luật sư (LS) không phải là chủ thể của hành vi tham nhũng nhưng có thể có các hành vi tác động bằng cách mua chuộc, giúp sức cho tiêu cực, tham nhũng. Ở mức độ thấp, hành vi tiêu cực của LS thể hiện ở việc vi phạm pháp luật, vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS trong hành nghề nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, chỉ dừng  lại ở mức độ bị xã hội phê phán hoặc chịu chế tài kỷ luật trong nội bộ.

Ở cấp độ nguy hiểm hơn, tiêu cực trong hoạt động hành nghề LS thể hiện ở hành vi tiếp tay cho tham nhũng, rửa tiền. Biểu hiện cụ thể là đưa hối lộ, môi giới hối lộ hoặc hành vi khác nhằm giúp sức cho tội phạm tham nhũng, tiếp tay cho các thế lực xấu thực hiện việc rửa tiền, che giấu nguồn gốc của đồng tiền bất hợp pháp. Thực tế đã từng xảy ra một số trường hợp LS có hành vi lừa đảo, chạy án và đã bị xử lý hình sự.

Cho ý kiến về Đề án,Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, Đề  án cần nêu và phân tích được tác hại lớn, thậm chí rất lớn và có tính nhân quả của hành vi tiêu cực trong hành nghề LS có thể làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (nhất là cán bộ điều tra, kiểm sát, tòa án, thi hành án) trong quá trình bào chữa, tư vấn, trợ giúp pháp lý.

Dưới góc độ cơ quan nhà nước về quản lý hoạt động LS, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, Đề án còn nhận diện thiếu hành vi vi phạm của các tổ chức hành nghề LS, hành vi cố tình lách luật, lợi dụng “kẽ hở pháp luật” để bảo vệ cho khách hàng bằng mọi giá…

Nhận định các quy định pháp luật rườm rà, chồng chéo, thiếu rõ ràng cũng là một nguyên nhân tạo môi trường phát sinh tiêu cực cho LS, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh đề nghị phòng, chống tiêu cực “từ nguồn” thông qua việc hoàn thiện thể chế để tăng cường tính minh bạch và thống nhất trong thực hiện, hạn chế tiêu cực.

Chỉ ra trong xã hội hiện nay vẫn còn dư âm không tin LS cho lắm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đặt câu hỏi: “Vậy tiêu cực đó nằm ở đâu, nhóm đối tượng nào?". “Hay trường hợp vô trách nhiệm, “làm cho xong” trong bào chữa chỉ định, đây cũng là hành vi tiêu cực, cần nhận  diện rõ”. Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cho rằng phải có giải pháp tạo cho giới LS niềm kiêu hãnh của “một hiệp sỹ bảo vệ công lý”, chứ không phải tâm lý lo ngại, đề phòng, tìm cách luồn lách… để người dân tin vào LS.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba đề nghị cần có cơ chế giám sát hoạt động hành nghề LS, bởi hiện nay LĐLS mới có một Ủy ban Khen thưởng - Kỷ luật nhưng hoạt động kiêm nhiệm. Đồng thời, phải chú trọng công tác phát triển đảng trong đội ngũ LS, đặc biệt là LS trẻ.

Nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, dư luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần loại bỏ những LS yếu kém chuyên môn, có hiện tượng chạy chọt, lo lót tiêu cực và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, không được bao che cho hành vi tiêu cực…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận trong bối cảnh bộ máy chưa ổn định, Đảng đoàn LĐLS có nhiều cố gắng trong chuẩn bị Đề án nghiêm túc, công phu.

Chủ tịch nước nêu rõ, LS là nghề cao quý vì có thiên chức bảo vệ lẽ phải, công lý, bảo vệ quyền hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ. Không gươm, đao, súng, đạn nào bảo vệ được chế độ mà không có công lý. Do đó, việc xây dựng Đề án là cần thiết để có đội ngũ và hoạt động LS vì công lý, không tiêu cực, góp phần xây dựng “nền tư pháp vì dân”.

Đồng tình với hạn chế Đề án đã nêu vẫn còn một bộ phận không nhỏ LS vi phạm đạo đức hành nghề, Chủ tịch nước cho rằng, bản thân đội ngũ LS cần tiếp tục rèn luyện, đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của LS; tạo chuyển biến về nhận thức trong xã hội về đội ngũ LS. LS phải luôn đứng về lẽ phải, công lý, bảo vệ chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Đề cập đến các nhóm giải pháp, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề án cần chú trọng  tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong Đảng đoàn LS; hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiện toàn nhân sự lãnh đạo LĐLS; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan nhà nước, mặt trận, nhân dân; phối hợp với các cơ quan tố tụng. Đẩy mạnh các hoạt động tự quản, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc LS vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức trong LS; đồng thời chú trọng đến việc tôn vinh, khen thưởng, xây dựng hình ảnh cho các LS…

Chủ tịch nước đề nghị, Đảng Đoàn LĐLS tiếp tục tiếp thu các ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện Đề án báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo vào đầu tháng 4.

Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã cho ý kiến về Báo cáo việc xây dựng Kỷ yếu Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương các nhiệm kỳ từ năm 2002 - 2016.

Từ năm 2009 đến 9/2015, LĐLS Việt Nam đã nhận được hơn 400 đơn khiếu nại  đối với LS, trong đó có rất nhiều đơn thư có nội dung liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề LS. Đến cuối năm 2015, các Đoàn LS đã xử lý kỷ luật 100 trường hợp, trong đó đã kỷ luật bằng hình thức  xóa tên 35 LS (đa số là vi phạm trong hành nghề LS). Có một số LS đã vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, xử lý hình sự do lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản.


Theo ĐCSVN

TIN LIÊN QUAN

Tin mới