Xuất hiện 3 ca bệnh bạch hầu ở huyện Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Sau khi phát hiện 3 ca bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, ngành Y tế Nghệ An đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An thông tin: Sau khi phát hiện 3 ca bệnh bạch hầu tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, trong ngày 21-22/10, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Nghệ An, CDC đã thành lập đoàn công tác lên phối hợp với chính quyền huyện Kỳ Sơn triển khai công tác phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Hữu Lập. 

Cho 300 trẻ uống kháng sinh dự phòng bệnh Bạch Hầu. Ảnh: Thành Chung
Cho 300 trẻ uống kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Thành Chung

Tại xã Hữu Lập, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế, điều tra dịch tễ, lấy 24 mẫu để làm xét nghiệm khẳng định vi khuẩn bạch hầu và rà soát trẻ tại 2 điểm trường bản Chà Lắn, bản Xốp Thạng và đã cho 300 trẻ uống kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu.

CDC đã hướng dẫn địa phương khoanh vùng, cách ly khử khuẩn toàn bộ khu vực có dịch, kiểm soát công tác điều trị dự phòng bằng kháng sinh. Bên cạnh đó, yêu cầu địa phương phải rà soát đối tượng để xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch nhằm ngăn chặn, khống chế kịp thời dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc bạch hầu.

Hiện nay, sức khỏe 3 ca bệnh mắc bệnh bạch hầu đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ổn định, chuẩn bị được xuất viện. 

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Tin mới