Cán bộ y tế dự phòng: Những bước chân thầm lặng

(Baonghean) - Câu “khẩu hiệu” nằm lòng của cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng chính là câu biến thể vui vui nhưng nêu rất rõ tính chất công việc:  “Đến hẹn… dịch lại lên”. Đúng vậy, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, nhưng anh Nguyễn Văn Quân, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn đang “lên lịch” cho chuyến đi Kỳ Sơn giám sát định kỳ và chuẩn bị cho đợt cấp vắc xin chống liệt mềm cho trẻ.

Anh cho biết: “Theo kế hoạch thì có 2 đợt cấp vắc xin, mỗi đợt từ 5-7 ngày, nhưng chúng tôi đang lo là đúng dịp làm rẫy thì khó mà kêu gọi đủ bà con đưa trẻ ra trạm. Đợt này, cả nước có 6 điểm uống vắc xin phòng bệnh liệt mềm cấp, Nghệ An được chọn điểm ở Kỳ Sơn vì Cửa khẩu Nậm Cắn thông thương sang Lào được xem là một điểm phơi nhiễm, có nguy cơ cao”. Rồi anh điểm lịch thường niên của… dịch: mùa dịch sốt xuất huyết cữ tháng 8, rồi kéo đến tháng 9, 10, 11; sau dịch này là đau mắt đỏ, tiêu chảy. Gần Tết, không khí lạnh, ẩm thì gia tăng cúm. Đặc biệt sau lũ lụt thì “ vắt chân lên cổ mà chạy”.

Khám, điều trị bệnh chân, tay, miệng tại Bệnh viện Nhi (TP.Vinh).

Đặc trưng lớn nhất trong hoạt động của Trung tâm Y tế dự phòng là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Khi nhận được thông tin về dịch bệnh (mới phát sinh hoặc tái phát sinh) cán bộ y tế dự phòng phải lập tức “lên đường” tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tham mưu cho ngành và địa phương về các biện pháp hữu hiệu nhằm khống chế dịch, không để lây lan ra cộng đồng. Họ là những người đầu tiên và trực tiếp đến nơi có dịch, cùng ăn, cùng ở và cùng… thức với bà con để làm tốt công việc của mình. Những ngày đi dập dịch là những ngày có bao nhiêu chuyện buồn vui, có những kỹ niệm kể lại vẫn… cười ra nước mắt. Anh Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dè dặt kể lại những chuyện của mình và luôn nhắc chúng tôi: “Anh em ở cơ sở mới thực sự là những người vất vả”. Đầu những năm 90, anh Trang là cán bộ trẻ mới ra trường gặp đúng đợt dịch tả ở Quỳnh Lưu. Thế là vội “xắn quần” về vùng dịch. Ăn, ngủ tại trạm xá xã hơn 10 ngày để làm sạch môi trường, có những lúc bưng bát cơm lên ăn vẫn lạnh cả sống lưng, thế mà dần cũng quen. Sau đó là những tháng dài đi miền núi. Mỗi năm 4 tháng, các anh ăn ở cùng đồng bào vùng sâu, vùng xa, từ chỉ đạo, lập kế hoạch, thực hiện chi tiết công việc phòng dịch… Không ít lần các anh, chị bị từ chối từ chính người dân, họ đóng cửa, không cho làm việc vì “y tế dự phòng đến kiểm tra, hàng xóm sẽ dị nghị về dịch bệnh”. Vì thế, các anh lại kiên nhẫn giải thích để bà con hiểu độ nguy hiểm khi để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Nhiều lần, đến giám sát chỉ số muỗi trong vùng sốt xuất huyết, lặn lội đêm hôm trong chuồng gia súc, chịu đựng mùi hôi hám, bất ngờ bị hô: “trộm” và suýt bị đánh oan bởi… một người trong gia đình sang hàng xóm xem ti vi về, không biết là cán bộ dự phòng đang… thực nghiệm mà tưởng trâu bò nhà mình có người đến dắt trộm. Chưa kể việc để điều tra loài muỗi gây dịch, cán bộ điều tra phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt: Trước đêm điều tra không được tắm bằng xà phòng có mùi thơm, không được dung nước hoa, không được hút thuốc lá… là những yếu tố xua muỗi.
 
Vất vả là thế, nếu không có sự tận tụy, nhiệt huyết thì cán bộ y tế dự phòng khó lòng mà hoàn thành nổi công việc: Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, giám sát sức khỏe cộng đồng, sức khỏe nghề nghiệp, kiểm tra dinh dưỡng, kiểm dịch y tế, xét nghiệm… Những gì họ đã lặng thầm đóng góp vì sức khỏe cộng đồng là vô cùng to lớn. Một ca phẫu thuật khó ở bệnh viện thành công dễ gây được tiếng vang lớn, nhưng một ổ dịch nguy hiểm được khống chế cứu sống hàng ngàn người đôi khi cũng ít người biết đến. Chính nhờ công sức của họ mà nhiều người dân tránh được bệnh cũng những di chứng nặng nề (bại liệt, viêm não Nhật Bản…) và góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng sự chênh lệch quyền lợi và thu nhập giữa những thầy thuốc y tế dự phòng với các thầy thuốc trong bệnh viện lại khá lớn. Trong khi các bệnh viện có thu được tự chủ toàn phần hoặc một phần thì hệ thống y tế dự phòng hầu như không có thu. Các khoản thu nhập tăng thêm như khám sức khỏe lao động, tiêm phòng… còn quá khiêm tốn. Mức kinh phí hoạt động của y tế dự phòng hiện nay đang được các địa phương áp dụng mỗi nơi một khác, phụ thuộc vào ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, mức lương cơ bản của cán bộ y tế dự phòng thấp, nhất là cán bộ mới vào nghề, phụ cấp ưu đãi nghề cũng thấp (30% ở đồng bằng, 35% ở miền núi) nên không thu hút được cán bộ có trình độ cao về làm ở tuyến huyện. Ngay ở tuyến tỉnh, đã gần 10 năm chưa thu hút được bác sỹ về mà chỉ có… đi. Mức phụ cấp lưu động chỉ vài trăm ngàn một tháng không đủ bù đắp chi phí khi đi thực địa. Phụ cấp chống dịch vài chục ngàn một ngày ra vào vùng dịch cũng được cho là quá thấp, không đủ cho các nhu cầu cá nhân tối thiểu. Chính những khó khăn này, cộng với những bất cập nảy sinh sau khi chia tách TTYT huyện khỏi bệnh viện đã khiến cho hệ thống y tế dự phòng trên phạm vi cả nước đã thiếu lại càng yếu. Ngay như ở TTYT dự phòng tỉnh với định mức biên chế được giao là 94 nhưng đến nay cũng mới có 73 cán bộ, trong đó có hơn 10 người đang được cử đi đào tạo đại học và sau đại học chia đều cho 6 khoa, 2 phòng. Với dân số hơn 3 triệu người, diện tích 16.000km2 ở tỉnh ta thì số cán bộ làm y tế dự phòng hiện có khó mà đáp ứng được yêu cầu. Ngành Y tế cũng đã đặt ra một số giải pháp nhằm thu hút bác sỹ về công tác TTYT dự phòng và tuyến huyện, bên cạnh đó cũng đào tạo y sỹ thành bác sỹ (học chuyên tu) nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế và có những hạn chế nhất định. Trong khi đó, dịch bệnh ngày càng nhiều, càng phức tạp, độ lan truyền nhanh do sự giao lưu, thông thương ngày càng lớn, nếu không có những giải pháp lâu dài và cách nhìn nhận đúng về vai trò của y tế dự phòng thì nguy cơ về sức khỏe cộng đồng là không tránh khỏi.

Thùy Vinh

Tin mới