Nỗ lực cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván

(Baonghean.vn) - Vào viện trong tình trạng toàn thân cứng đờ, lên cơn co giật vì nhiễm trùng uốn ván, qua 4 lần chết lâm sàng nhưng bệnh nhân Hoàng Văn Tuấn đã được các y sỹ, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cứu sống một cách ngoạn mục.
 

Cách đây hơn 2 tháng, ông Hoàng Văn Tuấn (57 tuổi, xã Thanh Tùng, Thanh Chương) dẫm phải gai khi đi làm đồng. Do chủ quan, ông Tuấn không đến cơ sở y tế băng bó vết thương, không đi tiêm phòng dẫn đến nhiễm trùng uốn ván, khi gia đình đưa đi viện thìbệnh viện huyện không phát hiện ra. Đến khi bệnh nhân lên cơn co giật, cứng xương hàm, gia đình mới vội vã thuê xe cấp cứu chở xuống Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

 

Nỗ lực cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván ảnh 1

Nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân Tuấn trong những ngày đầu nhập viện (tại khoa Truyền nhiễm).

Tuần đầu điều trị, Thạc sĩ Quế Anh Trâm – Trưởng khoa cùng với bác sĩ trẻ Bùi Tiến Hoàn thay nhau túc trực 24/24 ở Phòng cấp cứu, những điều dưỡng nhiều kinh nghiệm nhất trong việc điều trị bệnh uốn ván cũng được huy động để chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Nằm trên giường bệnh, ông Tuấn liên tục lên cơn co giật, rất nhiều lần, các chỉ số trên máy đã về số 0 nhưng các y, bác sĩ vẫn không nản lòng. “Khi vào viện, bệnh nhân Tuấn đã phát bệnh rất nặng, nằm trên giường bệnh đã 4 lần chết lâm sàng. Qua mỗi lần “chiến đấu” cùng tử thần như vậy, chúng tôi càng quyết tâm bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân hơn”, thạc sĩ Quế Anh Trâm cho biết.

 

Sau 3 tuần điều trị tích cực tại Khoa Truyền nhiễm, những chỉ số sinh tồn của bệnh nhân bắt đầu ổn định. Ông Tuấn dần mở được mắt và cử động được một số bộ phận trên cơ thể. Dù các bác sỹ đã có thể thở phào về khả năng sống sót của bệnh nhân nhưng ông Tuấn vẫn phải mất thêm 20 ngày thở máy và điều trị tích cực tại Phòng cấp cứu, sau đó chuyển điều trị thêm hơn nửa tháng tại Khoa Phục hồi chức năng mới có thể đi lại những bước chập chững.

 

Được biết, gia đình ông Tuấn (vợ là Trần Thị Vỹ) thuộc diện nghèo đặc biệt của xã Thanh Tùng (Thanh Chương). Những ngày nằm viện ở Khoa truyền nhiễm, hai mẹ con bà Vỹ cứ tha thẩn đứng nhìn ông Tuấn lên cơn co giật, sùi bọt mép mà không biết sống chết thế nào. Số tiền gần 1 triệu đồng vay vội trước khi đi viện nhanh chóng hết veo, bà Vỹ phải tất tả trở về quê bán lợn gà và đi vay tiếp. Nhìn cảnh mấy mẹ con vừa sống bằng mì tôm vừa giật mình thon thót khi thỉnh thoảng ông Tuấn lại chết hụt trên giường cấp cứu, nhiều y, bác sĩ đã không cầm được lòng. Thạc sĩ Quế Anh Trâm đã phải nhờ đến các mối quan hệ của mình để xin các nhà hảo tâm giúp đỡ thêm cho gia đình bệnh nhân.

 

Nỗ lực cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván ảnh 2

  Ông Hoàng Văn Tuấn tại Khoa Phục hồi chức năng trong giờ chuẩn bị ra viện.

Hôm nay 30/5, sau khi sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân Hoàng Văn Tuấn được các bác sĩ cho ra viện, về nhà tiếp tục điều trị và tập luyện. Chứng kiến cảnh chồng mình từ cõi chết trở về, đã có thể ngồi được xe lăn, chập chững tập đi, bà Trần Thị Vỹ không cầm được nước mắt. “Nếu không có sự nỗ lực của các y, bác sĩ thì gia đình nghèo chúng tôi không thể cứu được ông ấy ”, bà Vỹ tâm sự.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Khoa Truyền nhiễm cứu sống được bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván thể nặng. Từ mấy năm nay, đã có rất nhiều bệnh nhân từ vùng sâu, vùng xa nhiễm bệnh uốn ván xuống Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An điều trị, thoát khỏi bàn tay tử thần. “Việc điều trị một ca bệnh uốn ván hết sức khó khăn và tốn kém, ít nhất cũng trên 50 triệu đồng, trong khi những người mắc bệnh này đều là người nghèo, thiếu hiểu biết lại ở những vùng sâu, vùng xa, vì vậy, để cứu sống được một ca uốn ván thực sự là nỗ lực rất lớn của các y, bác sĩ trong toàn bệnh viện”, bác sỹ Trâm cho biết.

Thùy Vinh

Tin mới