Nam Đàn: Tăng cường phòng chống bệnh dại

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, hiểm hoạ bị chó dại tấn công luôn là nỗi lo của nhiều người. Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhưng thời gian qua vẫn xảy ra nhiều cái chết thương tâm do chó dại cắn.
 
Chuyện xảy ra cách đây đã gần 3 tháng, nhưng cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Cảnh Thái (sinh năm 2003) ở xóm 2, xã Xuân Hoà, Nam Đàn vẫn chưa hết ám ảnh nhiều người dân nơi đây. Vào thời điểm cuối tháng 3 ÂL/ 2012, khi sang nhà ông bà nội chơi thì cháu Thái bị chó cắn rách da, chảy máu. Do chủ quan nghĩ chó nhà đang nuôi không thể bị bệnh được, hơn nữa, trước đó con chó cũng không có biểu hiện gì đặc biệt nên anh Nguyễn Cảnh Thuỳ (bố cháu Thái) đã không nghĩ đến chuyện phải đưa con đi tiêm phòng dại. Chỉ hơn 10 ngày sau, cháu Thái bất ngờ lên cơn dại, miệng sùi bọt, cắn xé đập phá mọi thứ vớ được trong nhà; sau khi phát dại không lâu thì bị tử vong... Được biết cũng trong thời gian này, tại xã Xuân Hoà cũng đã có 4 trường hợp bị chó cắn, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cộng với tâm lý chủ quan nên không đi tiêm phòng bệnh dại.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn tiêm văcxin phòng bệnh dại cho người dân bị chó cắn.

Để ngăn chặn khả năng bệnh dại bùng phát, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân, huyện Nam Đàn đã ban hành Chỉ thị số 10/2012/CT- UBND về việc tiêm văcxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Theo đó, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với động vật và con người; lập sổ theo dõi tiêm phòng đến từng hộ dân, rà soát đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng trong đợt chiến dịch để có kế hoạch tiêm bổ sung; công tác tiêm phòng phải nhanh gọn, triệt để. Đối với Trạm thú y, phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của hệ thống thú y cơ sở, tổ chức tập huấn về biện pháp phòng chống bệnh dại động vật; định kỳ 3 ngày/ một lần báo cáo kết quả thực hiện cho phòng nông nghiệp huyện. Các chủ hộ nuôi phải quản lý tốt đàn chó của gia đình (nuôi nhốt hoặc xích), theo dõi sức khoẻ hàng ngày, báo cáo ngay cho thú y xã khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện nghi ngờ bệnh dại; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tiêm phòng văcxin dại của địa phương; nếu chó, mèo để mắc bệnh dại cắn người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật...
 
Chị Nguyễn Thị Hiệp, cán bộ kỹ thuật Trạm Thú y huyện Nam Đàn cho biết: Tuy công tác tiêm phòng bắt buộc thuộc trong kế hoạch hàng năm của ngành thú y, nhưng các năm trước, vấn đề tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó ở các địa phương chưa quyết liệt, còn chiếu lệ, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp (dưới 40%). Từ đầu năm 2012 đến nay, nhất là sau ca tử vong của cháu bé ở xã Xuân Hoà, Trạm đã họp đội ngũ thú y cơ sở, phân công cán bộ chỉ đạo điểm trực tiếp xuống cơ sở thực hiện ráo riết và giám sát công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi; soạn hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, viết bài tuyên truyền cho các xã phát trên hệ thống truyền thanh để người dân nắm được nguy hại của bệnh dại... Qua công tác tuyên truyền vận động, ý thức phòng tránh bệnh trong cộng đồng nâng lên đáng kể, ngày càng có nhiều chủ hộ nuôi thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
 
Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 20/24 xã hoàn thành đợt I tiêm phòng dại với tổng số là 16.820 liều văcxin; các xã thực hiện đúng tiến độ và đạt tỷ lệ cao (trên 80%) như xã Nam Xuân tiêm 1.950 liều /2.190 con, Nam Anh 1.820 liều /2.210 con, Xuân Hoà 1.690 liều/ 1.835 con, Hùng Tiến 1.500 liều / 2.200 con...
 
Theo chị Lê Thị Hoài Thu, y tá kiêm phụ trách Truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn: cho đến nay, kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; khi người mắc bệnh đã lên cơn đều dẫn đến tử vong. Và biện pháp duy nhất để cứu chữa người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại là phải tiêm ngay vac-xin dại và huyết thanh kháng dại theo đúng chỉ định. Tiêm phòng càng sớm càng có hiệu quả cao, tốt nhất là trước 24 giờ; tuyệt đối không chạy chữa bằng thuốc nam để tránh cái chết oan uổng. Khi bị chó cắn, nạn nhân phải tiến hành rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hoặc nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn; xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả; sau đó phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, theo dõi và tiêm vắcxin... Nếu chỉ theo dõi xem con chó đó có biểu hiện bất thường rồi mới đi tiêm là sai lầm, vì khi chó phát bệnh dại thì người bị cắn đã vô phương cứu chữa...
 
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế huyện, từ đầu năm 2012 đến nay, toàn huyện đã có 235 người đến khám và tiêm vắc xin phòng, kháng bệnh dại (tăng 105 người so với cùng kỳ năm ngoái ). Điều đáng mừng là số người đến tiêm phòng sau khi bị vật nuôi cắn dưới 10 ngày chiếm hơn 80% trong tổng số người đến tiêm. Tuy nhiên, ngoài trường hợp được tiêm phòng miễn phí là trẻ em dưới 6 tuổi, thì mức phí cho một đợt tiêm vác xin, huyết thanh phòng và kháng dại còn khá cao (1 mũi tiêm 180.000 đồng, cả đợt tiêm là 900.000 đồng), cũng là nguyên nhân tác động đến tâm lý “ngại” đi tiêm phòng trong người dân... Để làm tốt công tác phòng, chống bệnh dại không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế và thú y mà cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các cấp chính quyền, đoàn thể để  giúp người dân nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại và xóa bỏ tâm lý chủ quan đối với căn bệnh này.

Ngọc Anh

Tin mới