Nhiều công ty ở Nghệ An thờ ơ với bệnh nghề nghiệp của người lao động

(Baonghean) - Cùng với quá trình công nghiệp hóa, nhiều yếu tố độc hại phát sinh, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe; kéo theo bệnh nghề nghiệp (BNN) ngày càng có xu hướng gia tăng, để lại nhiều hệ lụy. Vậy nhưng ý thức của cả người lao động và chủ sử dụng lao động về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế…
Theo khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An, hiện nay người lao động chưa thực sự hiểu rõ và ý thức về việc phòng bệnh nghề nghiệp đúng cách. Đa số công nhân, lao động chưa thực sự quan tâm, tìm hiểu và có ý thức phòng tránh về BNN. 
Kinh doanh xăng dầu là một trong những ngành nghề có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao.
Kinh doanh xăng dầu là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao.
Chị Bùi Thị Loan, công nhân Công ty cổ phần Minh Trí (Khu công nghiệp Bắc Vinh) cho biết: “Khi làm việc chúng tôi có sử dụng găng tay, khẩu trang bảo hộ. Nhưng nói thật là tôi cũng không biết được những bệnh có thể mắc phải trong nghề may là bệnh gì để chủ động phòng tránh”. 
Kể cả những ngành, nghề tiềm ẩn nguy cơ cao mắc BNN, ý thức phòng bệnh của người lao động vẫn còn hạn chế. Chị Nguyễn Thị Thịnh, cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Hà Huy Tập (TP. Vinh) cho biết: “Hầu hết người lao động ý thức sử dụng các dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, găng tay, mũ, giày trong khi làm việc. Nhưng việc sử dụng dụng cụ bảo hộ chưa thường xuyên; có lúc thời tiết im mát, còn không dùng đến khẩu trang, hay đội mũ”. 
Khám
Khám sức khỏe cho công nhân Công ty may Prex Vinh.

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động của nghề nghiệp tác động tới người lao động; trong đó có BNN nguy hiểm có thể gây nguy cơ ung thư cao.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An  tại 20 đơn vị trong năm 2015 về các yếu tố liên quan đến môi trường lao động, kết quả cho thấy có đến 5,51% tỷ lệ mẫu về độ ồn không đạt tiêu chuẩn cho phép; độ ẩm có đến gần 11% mẫu không đạt chuẩn, tốc độ gió trên 8% mẫu không đạt chuẩn…

Về phía các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cũng còn thờ ơ trong việc phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thực tế, số doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động vẫn còn ít (năm 2015 chỉ có 45 lượt đơn vị).

Riêng với một số ngành nghề đặc thù cần phải khám, phát hiện BNN thì như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 6 đơn vị doanh nghiệp đăng ký khám BNN cho người lao động. Cụ thể, có tổng số 1.433 người được khám, trong đó phát hiện 113 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp.

Kiểm tra, giám sát môi trường lao động tại Công ty Namsung Vina (cụm công nghiệp Tháp Hồng Kỷ, huyện Diễn Châu).
Kiểm tra, giám sát môi trường lao động tại Công ty Namsung Vina (cụm công nghiệp Tháp Hồng Kỷ, huyện Diễn Châu).
Thực tế, để khám, phát hiện BNN cho lao động sẽ làm tốn kém một phần kinh phí không nhỏ nên các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) thường bỏ qua. Trên địa bàn toàn tỉnh có đến gần 95% doanh  nghiệp vừa và nhỏ, trong tổng số trên 10.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Bởi vậy, để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp này về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống BNN cho người lao động vẫn còn là bài toán khó. 
Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Hường - Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển sản xuất mà chưa mấy quan tâm đến việc chấp hành các quy định về an toàn lao động cho người lao động, trong đó có vấn đề bệnh nghề nghiệp, mặc dù thời gian qua ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Để nâng cao ý thức của chủ sử dụng lao động trong vấn đề này thì cần có cả quá trình. Trong khi đó, lực lượng thanh tra mỏng nên hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát”.
Nguyệt Minh - Thu Hiền

Tin mới