24 trường hợp đã tử vong vì virus cúm H7N9 ở Trung Quốc

Những ca nhiễm cúm mới vẫn đang được ghi nhận rải rác tại nhiều khu vực của Trung Quốc.

Dịch cúm H7N9 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Tính đến chiều 29/4 đã có thêm một bệnh nhân tử vong vì nhiễm virus cúm H7N9 tại Thượng Hải. Những ca nhiễm cúm mới vẫn đang được ghi nhận rải rác tại nhiều khu vực của Trung Quốc. Giới chức y tế Trung Quốc tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn dịch cúm lây lan và hướng dẫn người dân các biện pháp ngăn ngừa virus cúm.

Giới chức Đài Loan, Trung Quốc ra lệnh cấm người dân tiếp xúc gần với chim bồ câu (Ảnh: AFP)

Giới chức Đài Loan, Trung Quốc ra lệnh cấm người dân tiếp xúc gần với chim bồ câu (Ảnh: AFP)

Giới chức y tế tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, một trong những khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm cúm H7N9 nhất trên cả nước, xác nhận trường hợp bệnh nhân tử vong ngày 29/4. Bệnh nhân này 89 tuổi, tử vong sau 12 ngày nhập viện, nâng tổng số ca tử vong vì cúm H7N9 tại Thượng Hải lên 13 người.
Như vậy tính đến ngày 29/4, số người chết do virus cúm H7N9 ở Trung Quốc được xác định là 24 người.

Trong ngày 29/4 không có trường hợp nhiễm cúm mới được ghi nhận tại Thượng Hải. Đến nay, thành phố này có 33 người được xác định nhiễm cúm, trong đó 11 người đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Tại tỉnh Sơn Đông, cùng ngày cũng có thêm 1 bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 tử vong. Bệnh nhân này là trường hợp nhiễm cúm đầu tiên tại Sơn Đông. Trước đó một ngày, con trai 4 tuổi của bệnh nhân này cũng phải nhập viện khi có những triệu chứng cúm.

Còn ở tỉnh miền Trung Hà Nam, có thêm một bệnh nhân được ra viện sau quá trình điều trị. Đây là trường hợp hồi phục thứ ba của tỉnh này, dù bệnh nhân trước đó nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Giới chức y tế Trung Quốc hiện đang làm việc chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế để theo dõi và nghiên cứu về chủng cúm H7N9. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nấu chín kỹ thịt gia cầm trước khi ăn. Trong cuộc họp mới đây Tổ chức Thú y Thế giới đã đánh giá nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong đối phó dịch cúm là hiệu quả. Ông Keith Hamilton, chuyên gia của Tổ chức Thú y Thế giới cho biết: “Không có bằng chứng cho thấy ăn thịt gia cầm hay trứng gia cầm sẽ khiến con người nhiễm cúm. Thịt và trứng gia cầm đều an toàn và cần được nấu chín trong các bữa ăn”.

Tại Đài Loan, Trung Quốc, khu vực có bệnh nhân nhiễm cúm H7N9 duy nhất ngoài Trung Quốc đại lục cũng đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan Nông nghiệp của Đài Loan ngày 29/4 cho biết sẽ tăng cường công tác khử trùng và vệ sinh công viên ven sông có nhiều chim bồ câu tại thành phố Đài Bắc. Giới chức Đài Loan cũng ra lệnh cấm người dân không tới gần hay cho chim bồ câu ăn. Những trường hợp vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tới 200 USD. Thị trưởng Đài Bắc, ông Eric Chu nói: “Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo với người dân về dịch cúm và công bố lệnh cấm tiếp xúc gần với chim bồ câu. Lệnh cấm này là cần thiết. Người dân cần hiểu rõ tình hình và tự bảo vệ sức khỏe bản thân trong thời điểm này”.

Cơ quan Nông nghiệp của Đài Loan cũng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ các cửa hàng và các khu vực buôn bán gia cầm tại khu vực này, để phát hiện sớm virus H7N9 nếu có./.

Theo VOV - ĐT

Tin mới