48 năm mòn mỏi ngóng tin hai con đi bộ đội

(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn của bà Lương Thị Lợi (106 tuổi) ở bản Tùng Hương (xã Tam Quang - Tương Dương), với nội dung: “Tôi có 2 người con trai tham gia quân đội vào các thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Nhưng hiện nay gia đình tôi chưa có một thông tin nào về 2 người con của tôi. Tôi từng gặp Ban chính sách tỉnh đội Nghệ An, nhưng trả lời không thuyết phục. Qua Báo Nghệ An tôi cầu mong sự giúp đỡ của quý báo. Tuổi đã cao, nếu có chết đi cũng thoả lòng mong đợi…”. Trước thông tin xúc động này, Ban Biên tập Báo đã cử phóng viên đi xác minh, tìm hiểu sự việc.

Vượt qua hàng trăm km đường rừng quanh co, vắt vẻo trên lưng núi, qua đỉnh Pù Kẽm, bản Tùng Hương hiện ra trước mắt, chúng tôi đến nhà bà Lương Thị Lợi. Lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng bà Lợi vẫn đang ngồi bên bậu cửa ngôi nhà sàn ngóng chờ tin tức của 2 người con trai là Lô Thanh Vĩnh đi bộ đội từ năm 1965 và Lô Văn Bá đi bộ đội năm 1978 mà đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Bà nói với chúng tôi: “Nhớ con lắm, tui già rồi nhưng chưa chết được vì còn phải chờ tin con. Giờ chỉ cần biết con đang làm chi, ở mô là tui nhắm mắt cũng cam lòng…”.

Người con trai sống cùng bà là anh Lô Văn Đạo cho biết: “Anh và em trai tôi nhập ngũ đến nay đã hàng chục năm rồi mà không biết sống chết ra sao, gia đình tôi cũng không hề được hưởng một chế độ chính sách gì cả, lên Huyện đội, Tỉnh đội hỏi thì họ nói gia đình cứ về xác minh thông tin đi rồi gửi lên cho họ. Năm 2009, tôi có gửi giấy xác minh của xã và các nhân chứng cho Ban Chính sách Huyện đội mà mãi vẫn không thấy họ trả lời”.

Bà Lương Thị Lợi (106 tuổi) đang ngày đêm chờ tin 2 người con trai.

Tại bản Tùng Hương, chúng tôi đã gặp ông Lô Mộ Thân, ông Vi Xuân Hoàng… là những người trong bản còn biết và nhớ về anh Lô Thanh Vĩnh. Họ kể về bữa cơm liên hoan, ngày đi khám sức khoẻ và chuyến xe đến đón anh Vĩnh đi bộ đội. Về lá thứ tay anh Lô Văn Bá gửi về gia đình vào năm 1981 từ Campuchia… Chúng tôi cũng tìm về bản Khe Thơi (Lạng Khê-Con Cuông) gặp ông La Văn Tấn, đồng đội cùng nhập ngũ tháng 5/1965 tại E32-D4-F341. Ông Tấn cho biết: Ông Tấn và anh Vĩnh cùng huấn luyện tại Quỳnh Lưu và Diễn Châu, ông Tấn là lính trinh sát, ông Vĩnh là bộ binh. Ngày 17/5/1967, cấp trên điều D4 vào Nam, chỉ huy trưởng là ông Võ Quý Chấp (cấp bậc Đại uý-người Thanh Hoá, chính trị viên là ông Nguyễn Xuân Hồng người Hà Đông). Năm 1968 vào làm hậu cứ ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) đơn vị chiến đấu ở tại cây số 6 phục kích địch, thì bị địch phục kích trước, thấy anh Vĩnh đi không về thì nhận định đã hy sinh.

Đến Ban CHQS huyện Tương Dương tìm hồ sơ của anh Vĩnh và anh Bá thì Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết, do công tác lưu giữ hồ sơ trước đây còn sơ sài nên nay không có hồ sơ của 2 anh ở Ban CHQS huyện.

Chúng tôi nhờ UBND xã Tam Quang thành lập đoàn xác minh, họp các ban, ngành, đoàn thể ở xã và các bản nắm thêm thông tin. Ngày 1/10/2012, UBND xã Tam Quang đã có biên bản “Xác minh quân nhân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” gửi Báo Nghệ An. Trong bản xác minh nêu rõ: “Anh Lô Thanh Vĩnh đi bộ đội khoảng thời gian tháng 2/1965, khi đó anh Vĩnh đang đi dạy ở Hữu Dương (Hữu Khuông-Tương Dương). Anh Vĩnh có giấy gọi nhập ngũ gấp nên không kịp về nhà. Cùng đi với anh Vĩnh có ông Vi Xuân Hường hiện nay sống ở bản Tùng Hương và ông La Văn Tấn hiện sống ở bản Khe Thơi-Lạng Khê-Con Cuông…

Anh Lô Văn Bá có đơn đi bộ đội thay người trong bản, nhập ngũ tháng 4/1978, cùng đi với anh Bá có ông Lô Văn Hiếu ở bản Tùng Hương-Tam Quang… Đoàn xác minh xã Tam Quang đã gặp ông Vi Văn Ký (sinh 1956), ông Ký cho biết: Đơn vị của ông Ký là C2-D7-E3-F31 thuộc Quân đoàn 3. Ông Ký nhập ngũ tháng 10/1977 huấn luyện ở Tân Kỳ-Nghệ An, tháng 3/1978 vào Tân Biên-Tây Ninh. 30/4/1978 chiến đấu với quân Pôl Pốt. Khoảng tháng 6/1978 thì gặp anh Bá, quen nhau ở Campuchia. Năm 1980 có nghỉ phép 1 lần và nhận 1 bức thư của anh Bá để đưa cho gia đình. Đến năm 1981 thì ông Ký xuất ngũ. 

Đoàn xác minh tiếp tục gặp ông Lô Huy Hoàng (sinh 1952) ở bản Châu Định (Châu Khê-Con Cuông), ông Hoàng cho biết: Tháng 4/1978 (khi đó ông Hoàng là bộ phận nhận quân Tiểu đoàn 2, F441, cấp bậc Thượng sỹ), ông có nhận anh Lô Văn Bá con ông Lô Văn Thoong và bà Lương Thị Lợi ở bản Tùng Hương (Tam Quang-Tương Dương). Anh Bá chuyển về Tiểu đoàn 3-F441. Sau 1978 giao quân cho Quân khu 9 tại ngã 3 Lạc Thiện, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1978 anh Bá có viết 2 bức thư cho ông Hoàng vào khoảng cuối năm. 2 bức thư nhận được 1 lần do chậm, nội dung thư có viết “hiện anh Bá ở Campuchia, chiến trường rất ác liệt”, hòm thư JK. Năm 1981 ông Hoàng phục viên… Với những căn cứ, con người cụ thể, đoàn xác minh chúng tôi kết luận: 1-Anh Lô Thanh Vĩnh và Lô Văn Bá tham gia lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. 2-Hiện nay chưa xác định được mất tích hay còn sống”.

Từ những thông tin thu thập được, Báo Nghệ An đã có Công văn gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ CHQS tỉnh Nghệ An “đề nghị hỗ trợ xác minh thông tin về hai người con của bà Lương Thị Lợi là Lô Thanh Vĩnh và Lô Văn Bá, để trả lời cho gia đình”. Bộ CHQS Nghệ An đã có công văn “Về việc xác minh trường hợp quân nhân mất tin, mất tích” gửi Sư đoàn 341 (Quân khu 4) và Phòng Quân lực (Quân khu 9)-(những nơi mà người nhà và các nhân chứng nói là Lô Thanh Vĩnh và Lô Văn Bá đã huấn luyện và gia nhập các đơn vị bộ đội ở đó) để xác minh thông tin.

Ngày 13/11/2012, Sư đoàn 341 có công văn trả lời: “Căn cứ vào nội dung Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cung cấp thì 2 trường hợp con bà Lương Thị Lợi không thuộc quân nhân của Sư đoàn 341A; bởi vì đồng chí Lô Thanh Vĩnh nhập ngũ khi đơn vị chưa thành lập, đồng chí Lô Văn Bá nhập ngũ 8/1978 sau đó đi Campuchia không thuộc đơn vị với lý do Sư đoàn 341A thành lập 23/11/1972 huấn luyện SSCĐ tại huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) đến tháng 1/1975, thực hiện quyết định của trên toàn sư đoàn hành quân vào miền Đông Nam bộ tham gia giải phóng miền Nam và làm quân quản tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ngày 2/4/2013, làm việc với phóng viên Báo Nghệ An, Đại tá Trần Nguyên Dương-Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh Nghệ An cho biết: Chúng tôi đã 2 lần gửi Công văn cho Phòng Quân lực-Quân khu 9 để đề nghị xác minh thông tin nhưng chưa có phản hồi.  Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi công văn đề nghị Phòng Quân lực Quân khu 9 khẩn trương xác minh thông tin về 2 trường hợp này. 

Đại uý Lê Thanh Phong-Ban Chính sách-Bộ CHQS Nghệ An cho biết: Ngày 16/7/2012, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2012 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”. Theo đó, trường hợp của ông Lô Thanh Vĩnh và Lô Văn Bá con bà Lương Thị Lợi là “người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g của Khoản 1, Điều 11, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung” nên có thể công nhận là liệt sỹ. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang chờ Nghị định hướng dẫn cụ thể.

Ai biết thêm thông tin về các anh Lô Thanh Vĩnh và Lô Văn Bá xin báo tin về gia đình bà Lương Thị Lợi ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương hoặc Báo Nghệ An-số 3 Đại lộ Lênin, để người mẹ đã già yếu sớm được biết tin về hai người con của mình.

Đức Chuyên

Tin mới