Ẩn họa sạt lở mùa mưa bão

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Mùa mưa bão đang đến rất gần nhưng theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi, Nghệ An vẫn còn 169 điểm sạt lở trong khu dân cư với hơn 12.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Ẩn họa từ những điểm sạt lở này đang là nguy cơ đối với sự an toàn tài sản, tính mạng của người dân, đòi hỏi những giải pháp kịp thời trước mắt cũng như lâu dài.

Nơm nớp nỗi lo khi mùa mưa đến

Từ 2 năm nay, bà Lê Thị Quy, xóm 2, xã Quang Sơn (huyện Đô Lương) luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến. Tháng 8/2020, sau một đợt mưa lớn, nước chảy từ trên đồi xuống có màu đỏ, người dân lên kiểm tra phát hiện điểm sạt lở dài 20m, sụt lún gần 3m với những tảng đá lớn trên núi Thọ Bùi.

Từ đó, an toàn của gia đình bà và 13 hộ dân sống ven chân núi đang ngày ngày bị đe dọa, nhất là khi mùa mưa bão đến.

Dưới chân núi Thọ Bùi, hiện có 13 hộ dân sống trong nỗi lo khi mùa mưa đến. Ảnh: Phú Hương

Dưới chân núi Thọ Bùi, hiện có 13 hộ dân sống trong nỗi lo khi mùa mưa đến. Ảnh: Phú Hương

Bà Quy cho biết: “Chưa cần bão, cứ mưa là mang áo mưa, chạy ngược về xóm dưới xin ở tạm nhà hàng xóm, tạnh mưa cả ngày sau mới dám về. Sợ nhất là những hòn đá to bằng cả cái xe ô tô, nếu sạt lở lăn xuống sẽ trở tay không kịp. Không chỉ nhà tôi, mà cả dãy xóm đều phải sơ tán. Tài sản, trâu bò không đưa theo được, đàn ông, thanh niên không dám đi cũng không dám ở lại trong nhà vì sợ nguy hiểm. Ở thì lo lắm nhưng nếu có được bố trí nơi ở khác cũng khó vì không có tiền xây nhà mới, đất đai chật không có chỗ phơi lúa, làm rau”.

Bà Quy kể về những lần chạy "sơ tán" khi mưa lớn. Ảnh: Phú Hương

Bà Quy kể về những lần chạy "sơ tán" khi mưa lớn. Ảnh: Phú Hương

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết, nếu như trước đây, mỗi khi mưa bão, xã Quang Sơn chỉ phải tập trung vào vùng ngập Tân Thắng, thì 2 năm nay, từ khi xuất hiện vết nứt lớn trên núi, xã phải phân tán lực lượng, chia ra 2 nơi để lo thêm cho 13 hộ dân sống ven chân núi. Khi mùa mưa đến, chúng tôi cảnh báo nguy cơ sạt lở đến các hộ dân để bà con chủ động đề phòng, chuẩn bị các điều kiện, tuyên truyền, giúp đỡ di dời bà con đến nơi an toàn khi có mưa kéo dài. Đồng thời, đội dân quân tự vệ của xã tổ chức trực 24/24h để xử lý tình huống kịp thời, hỗ trợ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Hai năm qua, mặc dù mưa bão không nhiều nhưng xã Quang Sơn cũng đã phải tổ chức di dời dân hai lần vào các năm 2020 và 2021. Nếu nước ngấm trong lòng đất, rất dễ gây sạt lở, vùi lấp các hộ dân nơi chân núi. Xã mong muốn được tạo điều kiện san bớt độ cao của núi để giảm ảnh hưởng, nguy cơ sụt lún, bởi phương án di dời không khả thi lắm, khi 13 hộ với 57 nhân khẩu là khá lớn.

Ở Diễn Châu, mỗi khi có bão cấp 12 trở lên, do ảnh hưởng bởi nước biển dâng, triều cường, huyện phải di dời khoảng 1.200 hộ dân của hai xã Diễn Ngọc và Diễn Vạn.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Đây là những vùng cửa biển, thấp trũng, nằm ngoài hệ thống đê ngăn mặn giữ ngọt nên phải sống chung với bão, lụt. Còn khi bão nhỏ hơn cấp 12, thì chỉ tuyên truyền, cưỡng chế di dời những vùng ngoài đê như khu vực Hòn Câu của xã Diễn Hải và biển Diễn Thành vào khu vực trong đê, với khoảng 350 hộ. Đây là những hộ chủ yếu kinh doanh du lịch và một số nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê, vì hệ thống đê biển của Diễn Châu đã chịu được bão mạnh cấp 10 đến cấp 12. Đáng lo ngại nữa là trên địa bàn còn có một số điểm sạt lở ở các xã vùng núi như Diễn Phú, Diễn Lộc và Diễn Lợi.

Những năm qua, Nghệ An đã tập trung nâng cấp các tuyến đê biển, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Ảnh: Tư liệu Phú Hương

Những năm qua, Nghệ An đã tập trung nâng cấp các tuyến đê biển, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Ảnh: Tư liệu Phú Hương

“Nguy hiểm nhất là ở xã Diễn Lợi đã xuất hiện hố sâu từ năm 2018, mỗi khi mưa bão sẽ dễ sụt đất của 3/4 ngọn núi xuống, hơn 100 hộ dân sống ngay dưới chân núi của một số xóm xã Diễn Phú, Diễn Lợi… sẽ bị ảnh hưởng, nguy hiểm. Hiện nay, chúng tôi đang giao các xã thường xuyên theo dõi, có phương án di dời, sơ tán nếu nguy cơ xảy ra sụt lún. Về lâu dài, huyện đã xin chủ trương của tỉnh quy hoạch vùng tái định cư, di dời hẳn hơn 100 hộ dân của xã Diễn Phú đến nơi ở mới”, ông Lê Thế Hiếu cho hay.

Cần phương án lâu dài

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, sụt lún, sạt lở đất, lốc, hạn, mưa đá, gây thiệt hại lớn không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp, mà còn làm hư hại các công trình nhà ở, tài sản, cơ sở hạ tầng của người dân và Nhà nước, đặc biệt là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ uy hiếp tính mạng, an toàn tài sản của người dân.

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm tỉnh, từ nhiều nguồn và nỗ lực của các địa phương, Nghệ An đã xử lý, khắc phục được một số điểm. Tuy nhiên, con số đó chưa đáng kể.

Chỉ qua các đợt thiên tai từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có tới 169 vị trí, khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất núi, bờ sông, ảnh hưởng đến 3.064 hộ, với 12.283 nhân khẩu và cơ sở hạ tầng.

Trong đó, có 141 điểm, khu vực bị sạt lở núi, ảnh hưởng đến 5.914 nhân khẩu; 28 điểm, khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, suối ảnh hưởng đến 6.369 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực; số còn lại ảnh hưởng nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các điểm sạt lở, sụt lún đều nằm ở khu vực vùng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc di dời đến nơi ở mới rất khó. Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão lụt hàng năm không nhiều nên không thể đủ để di dời cho hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng.

Mùa mưa bão đã đến gần, theo ông Nguyễn Quang Đông - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tại các vị trí bị sụt lún, sạt lở hoặc xuất hiện nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở đất, chính quyền địa phương các huyện phải sẵn sàng các phương án và triển khai sơ tán bà con ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi xuất hiện thời tiết bất lợi.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 141 điểm, khu vực bị sạt lở núi, ảnh hưởng đến 5.914 nhân khẩu. Ảnh: Phú Hương

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 141 điểm, khu vực bị sạt lở núi, ảnh hưởng đến 5.914 nhân khẩu. Ảnh: Phú Hương

Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, nhất là trong các đợt thiên tai, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm, sơ tán những nhà dân có nguy cơ cao. Với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ không ảnh hưởng đến các hộ dân, thì người dân và chính quyền địa phương bố trí và cân đối các nguồn lực để khắc phục, nhằm đảm bảo an toàn về người và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm các điểm sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bằng các giải pháp công trình và phi công trình chống sạt lở, thì Nghệ An cần nguồn vốn khá lớn.

Chúng tôi đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, trình tỉnh các biện pháp công trình và phi công trình; có thể sử dụng các nguồn xã hội hóa để xử lý các điểm sạt lở nhỏ. Nếu sạt lở lớn thì có thể di dời dân theo hình thức xen ghép hoặc di dời hẳn đến nơi ở mới.

Sau rà soát, trên địa bàn Nghệ An cần di dời theo hình thức ở tập trung 512 hộ với 2.506 nhân khẩu; xen ghép 94 hộ với 375 nhân khẩu và tại chỗ 2.233 hộ với 8.504 nhân khẩu. Ước tính nguồn kinh phí khoảng hơn 1.168 tỷ đồng

Ông Nguyễn Quang Đông - Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh

Tin mới