Áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế

(Baonghean) - 72 nghìn tỷ đồng là tổng số nợ thuế cả nước lũy kế cho tới thời điểm hiện tại, chiếm 10% số thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, Cục thuế TP. Hồ chí minh là đơn vị đang có số nợ thuế được chương trình quản lý thuế tập trung (TMS) ghi nhận, với  mức nợ lên tới 23 nghìn tỷ đồng. Số ghi nhận là như vậy nhưng thực tế, đây là số nợ rất khó thu hồi.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 của Đảng và Nhà nước giao cho hệ thống thuế là 731.600 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng, thu nội địa là 638.600 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 39.000 tỷ đồng và thu nội địa trừ đất là 599.600 tỷ đồng. Nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2015, cơ quan thuế các cấp đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp quản lý thu, khai thác mọi nguồn thu để huy động nguồn lực vào NSNN. Một trong những biện pháp cơ quan thuế tập trung triển khai là thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN. Ngay từ tháng 12/2014, Tổng cục Thuế đã giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thuế năm 2015 đến từng Cục Thuế, bảo đảm số doanh nghiệp (DN) được thanh tra, kiểm tra đạt tỷ lệ 15% số DN đang hoạt động. Đồng thời chỉ đạo các Cục Thuế chú trọng triển khai các giải pháp chống thất thu NSNN.


Ráo riết truy thu nợ thuế


Theo đó, ngành Thuế chú trọng thanh tra, kiểm tra, tổ chức triển khai việc rà soát kế hoạch đã xây dựng, sắp xếp, sớm bổ sung nguồn lực tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra; Tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, chi cục, đoàn, đội gắn với động viên, thi đua, khen thưởng, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2015; vừa triển khai hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra vừa chú trọng tăng cường quản lý rủi ro theo lĩnh vực, ngành nghề rủi ro cao như: hoàn thuế GTGT, quản lý hóa đơn, thương mại điện tử, chuyển giá...; tổ chức theo dõi và chỉ đạo kịp thời việc triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế hàng tháng, hàng quý; nắm chắc quan hệ thanh toán, nguồn gốc đồng tiền thanh toán và vòng luân chuyển của dòng tiền thanh toán theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Từ đó, cơ quan thuế các cấp có danh sách các DN còn nợ đọng thuế lớn tại các địa phương.


Tại sao việc truy thu nợ thuế lại rất khó khăn, dù ngành Thuế đã có nhiều cố gắng? Lãnh đạo một cục thuế địa phương cho biết, điều cốt yếu nhất là do tình hình sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, khó khăn lớn nhất là DN phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhưng cũng không thể vay dễ dàng và đủ định mức cần thiết. Bởi vậy, dù lãi phạt chậm nộp của ngành Thuế rất cao nhưng DN cũng không thể đi vay lãi mà trả nợ thuế được. Tuy nhiên, cũng có không ít DN chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền thuế, DN được gia hạn thuế nhưng hết thời hạn vẫn tiếp tục không nộp, DN ngưng hoạt động, bỏ trốn và không đóng thuế.


Nguyên nhân thứ hai là do cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế. Theo vị lãnh đạo này, ngành Thuế đang thiếu chế tài để có thể xử lý kiên quyết, một số biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản lại không có giá trị trong thực tế khi tài sản của nhiều DN có số tiền nợ thuế lớn, kéo dài đã được thế chấp hoặc giá trị không cao, thậm chí không có, nhiều DN đã rút khỏi địa điểm đăng ký kinh doanh. Nhưng lại có thể lập DN khác dễ dàng vì Luật Doanh nghiệp hay Luật Quản lý thuế không có quy định nào về việc chủ thể nợ thuế thì không được lập DN mới. Các biện pháp cưỡng chế khác như phong tỏa tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng; cưỡng chế qua bên thứ ba; kê biên tài sản, dừng thủ tục xuất, nhập khẩu; đình chỉ hóa đơn và rút giấy phép kinh doanh (mỗi bước cách nhau 30 ngày) theo quy định hiện nay trên thực tế chưa phát huy được tác dụng vì công tác phối hợp với cơ quan công an, đăng ký kinh doanh... còn lỏng lẻo, thiếu chắc chắn.


Tái áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh


Xuất phát từ thực tiễn, nhiều cục thuế địa phương đã kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có ý kiến trong việc sửa đổi pháp luật liên quan đến việc thu hồi nợ thuế. Trong đó, có ý kiến cần sửa lại Luật Phá sản theo hướng cho phép cơ quan thuế được quyền khởi kiện DN nợ thuế ra tòa án để tuyên bố phá sản; được quyền đề nghị ngăn chặn các giao dịch chuyển đổi sở hữu đối với tài sản của các đối tượng nợ thuế với mục đích trốn tránh nghĩa vụ thuế. Đặc biệt, sửa lại các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, đưa các đối tượng là lãnh đạo, thành viên góp vốn của các DN dây dưa nợ thuế vào diện không được xuất cảnh.

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố danh sách 600 DN nợ thuế lớn, và đã gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, đáng chú ý là nhiều ý kiến không đồng thuận với cách làm này, và đã có những DN “kiện ngược” ngành Thuế, bởi thông tin thiếu cập nhật, gây khó khăn thêm cho DN, đối xử thiếu minh bạch, đàng hoàng giữa cơ quan công quyền với DN. Thêm vào đó, việc thiếu tiêu chí, tiêu thức phân loại DN (như không quy định hạn mức nợ thuế là bao nhiêu, chỉ cần có nợ là bị công bố, bêu tên theo phân vùng địa phương, không căn cứ vào số thuế nợ) đã tạo ra sự bất công bằng giữa DN nợ vài chục, vài trăm triệu đồng với DN nợ hàng chục tỷ đồng.


Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, bộ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định tái áp dụng biện pháp cưỡng chế là cấm xuất cảnh với đối tượng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với những quy định khá chi tiết về số thuế nợ, về đối tượng bị áp dụng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiên quyết sẽ thực hiện công bố hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với các đơn vị chây ỳ nợ thuế.


Thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan thuế, vì vậy, để thu đủ thu đúng dự toán, thu kịp thời, bên cạnh việc tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX, KD thì việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống nợ đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc công khai danh tính DN nợ thuế là một trong những giải pháp khá hữu hiệu trong việc thu hồi nợ đọng. Sau khi công bố danh tính, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, cấm xuất cảnh, DN vẫn chây ỳ thì cơ quan thuế sẽ tiếp tục các biện pháp mạnh hơn, như thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động. Điều quan trọng là ngành Thuế phải làm tốt công tác phân loại DN, nắm chắc nguyên nhân nợ thuế, xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cho DN như cho nộp dần tiền nợ thuế tối đa 12 tháng, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển SXKD, qua đó tăng thu nhập, đồng thời có nguồn tài chính để nộp tiền nợ thuế.


Hồng Hà

Tin mới