Áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, cần thiết nhưng nên có lộ trình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Trước tình trạng thất thu thuế trong kinh doanh xăng, dầu, Bộ Tài chính quy định phải xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, quy định này theo quan sát đến nay chưa thực hiện được. 

bna_van truong mmm.jpeg
Các cây xăng nhượng quyền thương mại của Công ty Xăng dầu Nghệ An trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng, dầu. Ảnh: Văn Trường

Yêu cầu cửa hàng xăng, dầu xuất hóa đơn điện tử theo lần bán

Quy định về xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán xăng, dầu bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2023. Tại Nghị định 80 về kinh doanh xăng, dầu vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 18/11 cũng nêu rõ các cửa hàng bán lẻ của thương nhân kinh doanh xăng, dầu: "Thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế".

Anh Nguyễn Xuân Sáu - chủ cửa hàng kinh doanh xăng, dầu Sáu Hằng ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Lâu nay, đa số khách hàng đổ xăng, dầu đều không có nhu cầu lấy hóa đơn, chỉ trừ một số ít công ty, doanh nghiệp cần lấy hóa đơn để thanh, quyết toán. Thời gian qua, kinh doanh xăng, dầu kém hiệu quả, chiết khấu không ổn định,trong khi phải bỏ thêm một khoản tiền lớn để đầu tư hạ tầng thiết bị, phục vụ cho áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán, sẽ rất khó khăn. Quy định của Nhà nước thì phải tuân thủ, nhưng cần phải có thời gian và lộ trình phù hợp.

Có mặt tại một cửa hàng xăng, dầu ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu cho thấy, hầu hết người dân sử dụng xe máy, ô tô đều có thói quen không lấy hóa đơn. Anh Trần Văn Tình, ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Lâu nay chúng tôi mua xăng cho xe ô tô cá nhân nhưng không có nhu cầu lấy hóa đơn vì chẳng biết lấy để làm gì, trong khi không muốn phải mất thời gian trong giờ cao điểm vừa chờ đổ xăng vừa chờ lấy hóa đơn…”.

Qua tìm hiểu được biết, việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng, dầu, hiện nay chỉ mới có Công ty Xăng dầu Nghệ An thực hiện áp dụng cho 85 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7/2022. Các cửa hàng khác chưa thấy niêm yết quy định này.

bna_van truong 1.jpeg
Một số khách hàng ở huyện Yên Thành thanh toán không dùng tiền mặt nhưng cũng không lấy biên lai do nhân viên cửa hàng xăng, dầu đưa. Ảnh: Văn Trường

Ông Cao Viết Đông – Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Xăng dầu Nghệ An cho rằng: Việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng là cần thiết, tuy nhiên, quá trình thực hiện có những hạn chế, như mỗi lần dừng bơm, hoặc xảy ra mất điện là phải viết hóa đơn, có khi 2-3 lần, kể cả khách hàng không lấy hóa đơn, thì cửa hàng cũng phải viết xuất hóa đơn (không lấy hóa đơn), cuối ngày tổng hợp xem có bao nhiêu khối lượng xăng, dầu không lấy hóa đơn. Đối với các cửa hàng nhượng quyền thương mại của đơn vị trên địa bàn tỉnh, hiện nay hầu hết chưa thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Công ty Xăng dầu Nghệ An đang tuyên truyền, vận động để các cửa hàng nắm rõ quy định, nghiêm túc thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng như chỉ đạo của ngành chức năng. Để triển khai bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từng lần với hoạt động bán lẻ xăng, dầu, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hệ thống phần cứng lẫn phần mềm, với chi phí khá lớn. Địa bàn Nghệ An có nhiều cửa hàng kinh doanh xăng, dầu lo lắng, khó có thể đáp ứng quy định trong thời gian ngắn.

Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 123) cũng đã quy định rõ: "Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu".

Để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn; đồng thời, ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hóa đơn, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng, dầu tại địa phương; xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ không đúng quy định.

bna_van truong 3.jpeg
Khách hàng đổ xăng, dầu cho ô tô ở Nghệ An hầu hết không có thói quen lấy hóa đơn. Ảnh: Văn Trường

Doanh nghiệp phải đầu tư thêm

Theo tính toán của Bộ Công Thương, với đặc thù ngành xăng, dầu và hiện trạng hệ thống phân phối, các doanh nghiệp, cửa hàng khi xuất hóa đơn điện tử sẽ phải bỏ chi phí khoảng 400 triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng để trang bị phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm trong mỗi cột bơm xăng, dầu (chưa bao gồm chi phí giao dịch phát sinh cho từng lần xuất hóa đơn). Tính đến thời điểm này toàn tỉnh Nghệ An đang có 515 cửa hàng dầu chưa thực hiện áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Đại diện Cục Thuế Nghệ An cho biết: Ngành Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng, dầu giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng, dầu. Đồng thời, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn lộ trình cụ thể cho doanh nghiệp triển khai đồng bộ, vừa là để các doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nhằm ngăn chặn hàng giả, trốn thuế; tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi đổ xăng.

bna_van truong 2.jpeg
Chỉ một số ít doanh nghiệp ở địa bàn Nghệ An lấy hóa đơn điện tử. Ảnh: Văn Trường

Thời điểm xuất hóa đơn điện tử xăng, dầu

Điểm i, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm xuất hóa đơn như sau: Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau: i) Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Như vậy, thời điểm xuất hóa đơn điện tử đối với hoạt động bán lẻ xăng, dầu là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán. Thời điểm lập hóa đơn phải được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn. Ngoài ra, người bán phải tuân thủ quy định về lưu trữ hóa đơn điện tử để phục vụ tra cứu và kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Điều này áp dụng cho cả khách hàng cá nhân không kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Tin mới