ASEAN lần đầu diễn tập quân sự chung: Chuẩn bị ứng phó khủng hoảng?

(Baonghean.vn) - Theo Tiến sĩ Abdul Rahman Yaacob, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Lowy, việc toàn bộ các thành viên ASEAN tham gia cuộc diễn tập chung này có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi khối các quốc gia khu vực Đông Nam Á không phải là một liên minh quân sự.

Binh lính tham gia cuộc diễn tập quân sự chung của ASEAn tại Indonesia, khai mạc hôm 19-9. Ảnh Reuters.jpeg
Binh lính tham gia cuộc diễn tập quân sự chung của ASEAn tại Indonesia, khai mạc hôm 19/9. Ảnh: Reuters

Toàn bộ thành viên tham gia

Cuộc diễn tập quân sự chung đầu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tên gọi Cuộc diễn tập Đoàn kết ASEAN 2023 vừa mới kết thúc. Diễn ra từ ngày 19 đến 23/9 dưới sự chủ trì của Indonesia, đây là cuộc diễn tập quân sự đầu tiên trên quy mô toàn ASEAN mà không có sự tham gia của bên ngoài.

Cuộc diễn tập về bản chất không mang tính chiến đấu, mà bao gồm các hoạt động trên biển và trên bộ liên quan đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn, di tản y tế và chống cướp biển. Toàn bộ 10 quốc gia thành viên đều tham gia, trong đó Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore triển khai tàu chiến.

Việc toàn bộ các thành viên ASEAN tham gia là điều quan trọng, nhất là trong bối cảnh ASEAN không phải là liên minh quân sự. Theo CNA, ban đầu có sự hoài nghi về việc liệu cuộc tập trận có diễn ra hay không sau khi Campuchia nêu quan ngại về địa điểm tập trận được đề xuất ở Biển Đông. Cuối cùng, Indonesia với tư cách chủ nhà đã chuyển cuộc tập trận tới Batam và quần đảo Natuna.

Có nhiều lý do để các nước tham gia tập trận quân sự, trong đó có mục đích tạo lòng tin giữa các lực lượng quân sự và tăng khả năng tương tác.

Phương tiện của các nước ASEAN tham gia cuộc diễn tập vừa rồi. Ảnh Getty.jpeg
Phương tiện của các nước ASEAN tham gia cuộc diễn tập vừa rồi. Ảnh: Getty

Tín hiệu gửi các cường quốc

Diễn tập Đoàn kết ASEAN 2023 phục vụ mục tiêu gì?

Đầu tiên, cuộc tập trận có thể được hiểu là một tín hiệu gửi tới các cường quốc rằng ASEAN có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh các vùng biển trong khu vực và có cơ quan để đảm bảo an ninh cho các vùng biển đó. Do căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, các quan chức quốc phòng ASEAN lo ngại rằng bất kỳ xung đột quân sự nào giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các vùng biển trong khu vực.

Thêm vào đó, cuộc diễn tập được tổ chức vào thời điểm sự lấn lướt của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Biển Đông, từ việc quấy rối các hoạt động hàng hải của một số thành viên ASEAN trong vùng đặc quyền kinh tế của họ cho đến công bố bản đồ mới tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là của riêng mình.

Trên thực tế, địa điểm tập trận ban đầu ở Biển Đông là tín hiệu của Indonesia gửi đến Trung Quốc rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với toàn bộ Biển Đông đang gây tranh cãi.

Thứ hai, cuộc tập trận giúp các lực lượng quân sự ASEAN xây dựng lòng tin với nhau mà không cần sự tham gia của lực lượng bên ngoài. Sự tin tưởng dẫn đến thông tin liên lạc tốt hơn, điều này rất quan trọng nếu ASEAN cần khai thác lực lượng quân sự của khu vực để giải quyết nhanh chóng một cuộc khủng hoảng lớn.

Hiện nay, có một số thỏa thuận đa phương trong khu vực nhằm tăng cường an ninh hàng hải. Chúng bao gồm các cuộc tuần tra phối hợp giữa Malaysia, Indonesia và Philippines để giải quyết các vấn đề an ninh ở Biển Sulu và Khuôn khổ tuần tra eo biển Malacca có sự tham gia của Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan để đảm bảo an ninh cho eo biển Malacca và Singapore.

Tuy nhiên những nội dung này chỉ giới hạn ở các khu vực địa lý cụ thể trong khu vực chứ không liên quan đến tất cả các thành viên ASEAN.

Trọng tâm cuộc diễn tập quân sự của ASEAN là những vấn đề an ninh phi truyền thống do đây là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Ảnh Flickr.jpeg
Trọng tâm cuộc diễn tập quân sự của ASEAN là những vấn đề an ninh phi truyền thống do đây là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Ảnh: Flickr

Thứ ba, cuộc tập trận góp phần nâng cao năng lực cho các lực lượng hải quân ASEAN. Khả năng tương tác là rất quan trọng để thực hiện các sứ mệnh nhân đạo. Việc tập trung vào an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và sơ tán y tế, là thiết thực trong bối cảnh tần suất thiên tai ở Đông Nam Á thường xuyên xảy ra. Trên thực tế, hơn 50% số ca tử vong do thảm họa toàn cầu xảy ra ở khu vực này từ năm 2004 đến năm 2014.

Hơn nữa, khả năng tương tác giữa các lực lượng quân sự ASEAN để phục vụ các sứ mệnh sơ tán nhân đạo sẽ rất quan trọng trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào ở Đài Loan. Hơn 730.000 công dân ASEAN đang làm việc tại Đài Loan và việc sơ tán họ đến nơi an toàn sẽ là điều tối quan trọng trong bất kỳ khả năng xảy ra xung đột quân sự nào trong tương lai tại eo biển Đài Loan. Không thành viên ASEAN riêng lẻ nào có đủ năng lực về đường không và đường biển để sơ tán công dân của họ khỏi Đài Loan. Một sứ mệnh nhân đạo chung của ASEAN có thể là điều cần thiết. Vì vậy, Diễn tập Đoàn kết ASEAN 2023 có thể là nền tảng để ASEAN chuẩn bị cho các sứ mệnh chung như vậy.

Liệu cuộc diễn tập này có phải là một hướng đi thực tế để chuẩn bị cho một tình huống bất ngờ trong tương lai hay không còn tuỳ thuộc vào 2 vấn đề: Liệu cuộc diễn tập có tiếp tục diễn ra trong thời gian dài, ngay cả khi Chủ tịch ASEAN thay đổi? Và nếu có, liệu các thành viên có đồng ý mở rộng quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận trong tương lai để phù hợp với các mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng không?

Đây là những câu hỏi mà ASEAN phải tìm ra câu trả lời sau khi “cơn nhiệt” về Cuộc tập trận Đoàn kết ASEAN 2023 dần lắng xuống.

Tin mới