Australia lại "thay tướng", có gì bất ngờ?

(Baonghean) - Sau một cuộc bỏ phiếu diễn ra bất ngờ và chóng vánh, ông Malcolm Turnbull sẽ thay ông Tony Abbott trở thành Thủ tướng của đất nước Australia. Như vậy, chỉ trong vòng 8 năm qua, Australia đã thay Thủ tướng tới 5 lần, và người ta tự hỏi, vị Thủ tướng mới liệu sẽ đem lại những thay đổi gì cho Xứ sở Chuột túi. 

Sự ra đi chóng vánh
Sáng ngày 14/9, ông Tony Abbott vẫn còn là Thủ tướng của Australia. Nhưng vị trí của ông đã hoàn toàn thay đổi chỉ sau một cuộc bỏ phiếu kín trong nội bộ Đảng Tự do cầm quyền. Với 44 phiếu giành được, ông Tony Abbott đành chấp nhận thua cuộc trước 54 phiếu của ông Malcolm Turnbull - người trước đó đã từ chức Bộ trưởng Truyền thông để thách thức vị thế lãnh đạo của Thủ tướng bằng cuộc bỏ phiếu. 
Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Tân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
“Kể từ khi lãnh đạo chính phủ, nội các của tôi đã chặn đứng được các con tàu di cư, cải thiện ngân sách chính phủ, giảm thuế và tạo thêm nhiều việc làm. Chúng tôi đã mang đến những nền tảng tốt hơn cho các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp nhỏ” - lời kêu gọi của ông Tony Abbott đưa ra trước cuộc bỏ phiếu đã không thể giúp ông giành được lợi thế trước ông Turnbull. Thực tế, kinh tế Australia đang gặp rất nhiều vấn đề, và người ta đổ lỗi những yếu kém của nền kinh tế lên vai trò lãnh đạo của ông Abbott. Chính ông Turnbull khi đưa ra lời thách thức cũng đã nói rằng: “Thủ tướng đã thể hiện việc không có khả năng tiến hành chính sách kinh tế mà đất nước chúng ta cần. Ông ấy không thể đảm bảo sự tự tin kinh tế cần thiết cho kinh doanh”. Ông Turnbull còn “lo xa” hơn nữa khi cho rằng, nếu ông Abbott còn tiếp tục giữ chức Thủ tướng, Đảng Tự do sẽ thất bại trong cuộc bầu cử vào năm 2016 của Australia. 
Quan điểm của ông Turbull không phải không có lý, khi dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tony Abbott, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Australia đã rớt xuống mức 2%/năm - thấp hơn nhiều so với mức 3,25% của đời Thủ tướng trước đó. Không những vậy, sự giảm giá sâu của các loại nguyên liệu thô trên thị trường thế giới - cũng là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Australia thời gian qua đang đánh mạnh vào nguồn thu của quốc gia. Các chuyên gia kinh tế còn lo ngại rằng, năm nay, kinh tế Australia sẽ lần đầu tiên suy giảm trong vòng 24 năm trở lại đây. Mặc dù trong giai đoạn cầm quyền, ông Tony Abbott đã xúc tiến ký kết được hai Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản và Hàn Quốc, song Hiệp định với đối tác lớn là Trung Quốc lại không đạt được nhiều tiến triển và đến nay vẫn bị “ách” lại tại Quốc hội. Ngoài ra, ông Tony Abbott còn bị chỉ trích là không thực hiện nhiều lời hứa như tạo điều kiện cho phụ nữ vào chính quyền, ủng hộ hôn nhân đồng tính. Ngoài ra, thành tựu mà chính ông từng đề cập là “chặn đứng các con tàu di cư” lại bị nhìn nhận là “cứng nhắc”, thậm chí là “không tôn trọng luật pháp quốc tế”. 
Như vậy, ông Tony Abbott đã không thể lần thứ hai vượt qua thách thức từ phía ông Malcolm Turnbull như ông đã từng làm được hồi tháng 2 năm nay, đồng nghĩa với việc Australia sẽ chào đón một nhân vật mới ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng - một vị trí chưa bao giờ dễ dàng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, ông Tony Abbott cho biết ông chấp nhận kết quả này và sẽ không có bất cứ hành động nào “gây khó” cho ông Malcolm Turnbull. 
Chờ đợi gì ở tân Thủ tướng? 
Một đất nước đầy sáng tạo, linh hoạt và luôn đổi mới - đó là những gì mà ông Malcolm Turnbull hứa hẹn sẽ mang tới cho Australia. Mặc dù chiến thắng trước ông Tony Abbott, nhưng ông Turnbull tỏ ra khá “fairplay” khi vẫn đánh giá cao những thành tựu của người tiền nhiệm, đồng thời cho biết ông sẽ phát huy những thành tựu đó, kết hợp với những phương pháp mới để giải quyết những khó khăn mà Australia đang phải đối mặt. Một trong những vấn đề mà ông sẽ tập trung sức lực nhiều nhất chính là kinh tế. Theo đó, ông Turnbull hứa sẽ tham vấn nhiều hơn với các thành viên nội các, các luật sư cấp cao, sẽ “giải thích và bảo vệ” các chính sách kinh tế của chính phủ để có được sự đồng thuận chứ không phải là áp đặt - một cách tiếp cận mà ông Turnel cho là khác biệt với người tiền nhiệm. Dù Đảng Tự do là một đảng theo trường phái bảo thủ, nhưng ông Turnbull lại được biết đến với những quan điểm cấp tiến theo đường lối trung tả, nhất là sự ủng hộ nhiệt tình của ông đối với vấn đề biến đổi khí hậu và hôn nhân đồng giới. Với cương vị Thủ tướng mới của Australia, ông Turnbull cho biết ông sẽ đưa ra những đề xuất mới về hạn ngạch khí phát thải tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu tại Paris, Pháp vào tháng 12 tới. Ông Turnbull hiểu rằng, những thách thức đối với đất nước Australia về kinh tế, xã hội sẽ không “biến mất” sau cuộc bỏ phiếu quyết định của đảng Tự do, nhưng quan điểm của ông là một đất nước Australia sáng tạo, linh hoạt và luôn đổi mới dựa trên sức mạnh về công nghệ hoàn toàn có khả năng vượt qua các thách thức đó. Lời cam kết lớn nhất của ông Turnbull là: Chính phủ của ông sẽ là một Chính phủ tự do hoàn toàn hướng tới từng cá nhân và nền kinh tế Australia.
Từng là luật sư và doanh nhân, ông Turnbull hiện là một trong những chính trị gia giàu nhất Australia và lọt vào danh sách 200 người giàu nhất đất nước do tuần báo Business Review bình chọn. Thế nhưng, ở cương vị người đứng đầu đất nước, người ta sẽ đánh giá cao những phẩm chất chính trị của ông hơn. Từng đảm nhận các vị trí quan trọng trong nội các, ông Turnbull được nhìn nhận là một chính khách có năng lực, có khả năng giao tiếp tự tin. Dưới con mắt của các nhà phân tích, tân Thủ tướng của Australia có tư tưởng cởi mở hơn, có cách tiếp cận các vấn đề mềm dẻo và linh hoạt hơn so với ông Tony Abbott - người được cho là có quan điểm khá bảo thủ. 
Ông Malcolm Turnbull cho biết, ông dự định điều hành Chính phủ đến hết nhiệm kỳ chứ không tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, với những “truyền thống” về việc “thay Thủ tướng như thay áo”, người ta chỉ có thể chúc ông có thể đi tới cuối con đường như ông đã định. 
Thúy Ngọc

Tin mới