Bác sĩ quân hàm xanh tận tụy ở vùng biên Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nhờ mô hình “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn, mà trực tiếp là bác sĩ Nguyễn Bá Lương, nhiều người dân ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn đã được thăm khám khi ốm đau và cứu chữa kịp thời khi gặp tai nạn. 

Kịp thời có mặt khi dân cần

8h sáng, khi bản Cao Vều 2 đang bao trùm bởi cái se lạnh của những ngày cuối tháng 2 âm lịch thì ông Lang Văn Khùn (SN 1953) đã có mặt tại phòng khám và cấp thuốc miễn phí - nơi bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương đang túc trực.

bna-anh-1b-bac-si-nguyen-ba-luong-sn-1973-kham-benh-cho-ong-lang-van-khun-ban-cao-veu-2-xa-phuc-son-anh-son-8395.jpg
Những năm qua, bác sĩ Nguyễn Bá Lương (SN 1973) luôn đồng hành với ông Lang Văn Khùn (bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn, Anh Sơn) trong quá trình phục hồi sau tai biến. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ông kể, cả đêm chỉ chờ đến sáng để sang nhờ bác sĩ Lương khám bệnh vì đau mỏi không thể ngủ được. Từ năm 2022, sau cơn tai biến đột ngột, ông bị yếu hẳn nửa người bên trái. Mấy hôm nay, thời tiết thay đổi, cùng với căn bệnh cao huyết áp hành hạ, ông cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Hai năm qua, bác sĩ Lương đã quá quen với bệnh của ông và là người đã giúp đỡ cho ông rất nhiều trong quá trình hồi phục sau tai biến.

Sau khi hoàn thành việc khám và lấy thuốc cho ông Khủn, bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương (SN 1973) mới có thời gian để chia sẻ về hành trình hơn 5 năm gắn bó với mảnh đất Cao Vều. Ông đã từng trải qua nhiều vị trí công tác, trong đó, gắn bó lâu năm nhất tại Trạm Y tế xã Keng Đu (Kỳ Sơn) và Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) trước khi chuyển về công tác về Đồn Biên phòng Phúc Sơn vào đầu năm 2019.

bna-anh-4-bac-si-nguyen-ba-luong-sn-1973-kham-benh-cho-nguoi-dan-vung-bien-gioi-tai-mo-hinh-tu-thuoc-bien-cuong-cua-don-bien-phong-phuc-son-4799.jpg
Bác sĩ Nguyễn Bá Lương khám bệnh cho người dân vùng biên giới tại mô hình "Tủ thuốc biên cương" của Đồn Biên phòng Phúc Sơn. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thời điểm đó, nơi mà chúng tôi đang đứng là trạm y tế cũ đã ngừng hoạt động nhiều năm. Bởi kể từ năm 2013, theo quy hoạch mới, trạm y tế xã đã được di chuyển ra vùng trung tâm gần Quốc lộ 7. Sau khi y, bác sĩ cùng toàn bộ vật tư y tế, thuốc men chuyển đi, công trình trạm trở nên hoang vắng.

Lúc bấy giờ, người dân các bản giáp biên từ Cao Vều 1 cho tới Cao Vều 4 của xã Phúc Sơn hết sức lo lắng. Quãng đường từ nhà họ cho tới địa điểm mới của trạm y tế xã cách khoảng 20 km đường đồi núi. Với những người già không biết đi xe máy, xe đạp thì đó là quãng đường xa ngái; chưa kể những trường hợp cấp bách, mưa lũ thì thực sự nguy nan.

bna-anh-3-nguoi-dan-vui-ve-sau-khi-duoc-tham-kham-cap-thuoc-mien-phi-tai-mo-hinh-tu-thuoc-bien-cuong-cua-don-bien-phong-phuc-son-3113.jpg
Người dân vui vẻ sau khi được thăm khám, cấp thuốc miễn phí tại mô hình "Tủ thuốc biên cương" của Đồn Biên phòng Phúc Sơn. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thấu hiểu nỗi niềm đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã quyết tâm triển khai mô hình “Tủ thuốc biên cương”, tận dụng trạm y tế cũ làm phòng khám, cấp phát thuốc cho bà con. Đây cũng là mô hình đầu tiên của lực lượng biên phòng được triển khai tại địa bàn biên giới Nghệ An.

Những ngày đầu triển khai mô hình, để có thiết bị y tế và nguồn thuốc cấp phát, chữa bệnh miễn phí cho người dân nơi đây, Đồn Biên phòng Phúc Sơn phải kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và sự đóng góp của các nhà hảo tâm.

Về phía cơ sở vật chất, các chiến sĩ của đồn cùng nhau sửa chữa, vệ sinh, tôn tạo lại hệ thống nhà cửa, bàn ghế và các trang thiết bị. Từ tháng 2/2019, mô hình đi vào hoạt động và bác sĩ Nguyễn Bá Lương trực tiếp đảm nhận công việc thăm, khám, cấp thuốc cho bà con theo quy định của ngành.

bna-anh-1a-duoi-su-no-luc-cua-don-bien-phong-phuc-son-noi-chung-bac-si-quan-y-nguyen-ba-luong-noi-rieng-tu-thuoc-da-duoc-nhieu-don-vi-to-chuc-va-cac-nha-hao-tam-ung-ho-quyen-gop-8781.jpg
Dưới sự nỗ lực của Đồn Biên phòng Phúc Sơn nói chung, bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương nói riêng, tủ thuốc đã được nhiều đơn vị, tổ chức và các nhà hảo tâm ủng hộ, quyên góp. Ảnh: Thanh Quỳnh

Lần giở những trang ghi chép cẩn thận về tên người, địa chỉ, số thuốc cấp phát trong sổ khám, chữa bệnh, bác sĩ Lương cho biết, kể từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay, phòng khám đã khám, cấp thuốc cho gần 5.000 lượt trẻ em, người lớn. Và trong số đó, có những ca bệnh mà mãi mãi ông không bao giờ quên…

Tháng 6/2023, trong khi đi chăn trâu, chị Tô Thị Hằng (33 tuổi ở bản Cao Vều 3) bị ong vò vẽ đốt 13 vết vào đầu và mặt. Nguy hiểm hơn, ong còn chích trúng những huyệt đạo quan trọng trên mặt, khiến nọc độc lan nhanh. Chỉ sau ít phút, chị Hằng đã bị choáng, ngất lịm. Bà con xung quanh phát hiện ra và ngay lập tức gọi cho bác sĩ Lương.

Ông tức tốc di chuyển đến nơi người gặp nạn, nhanh chóng lấy đá lạnh để chườm đầu nạn nhân, hạn chế nọc độc lan vào máu; cùng với đó là thuốc kháng độc và các dụng cụ y tế cần thiết. Nhờ can thiệp kịp thời, chị Hằng đã tỉnh lại và sau 4 ngày thì phục hồi.

Và rồi, còn biết bao trường hợp bị tai nạn lao động trong rừng, bị chó dại cắn, bị ngộ độc thực phẩm… đã được bác sĩ Lương giúp đỡ. Một mình ông đảm nhận toàn bộ công việc nhưng chưa bao giờ thấy ông từ chối một lời yêu cầu giúp đỡ nào từ người dân. Đằng sau dáng vẻ điềm tĩnh ấy là một trái tim ấm áp, sẵn sàng vượt nắng mưa để hỗ trợ người dân nghèo nơi bản làng biên giới.

Clip: Thanh Quỳnh

Tô thắm tình quân dân

Khi biết tin chúng tôi tới thăm mô hình “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn, ông Đặng Đình Lâm - Trưởng bản Cao Vều 2 hồ hởi có mặt. Ông bảo, trưa nay nhất định phải mời được bác sĩ và mọi người về nhà mình ăn cơm thì mới thỏa lòng. Bởi đối với ông, bác sĩ Nguyễn Bá Lương như một người thân trong gia đình, do vậy, bạn của bác sĩ cũng được trân quý như thế.

Trưởng bản Đặng Đình Lâm chia sẻ: Đồn Biên phòng Phúc Sơn nằm ở bản Cao Vều 1, còn mô hình “Tủ thuốc biên cương” thì nằm ở bản Cao Vều 2. Thời gian qua, bà con dân bản đã quen với hình ảnh bác sĩ quân y Nguyễn Bá Lương tận tình đến tận nhà bà con khám bệnh trong mọi trường hợp cấp bách. Số điện thoại của bác sĩ ai cũng thuộc làu, để có chuyện cần còn kịp thời liên lạc.

bna-anh-2-bac-si-nguyen-ba-luong-giua-anh-tro-chuyen-cung-nguoi-dan-bi-cho-dai-can-ma-minh-da-so-cuu-truoc-do-8507.jpg
Bác sĩ Nguyễn Bá Lương (giữa ảnh) trò chuyện cùng người dân bị chó dại cắn mà mình đã sơ cứu trước đó. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nếu như trước đây, khi dân bản có bệnh, họ thường tự chữa trị tạm thời bằng cây cỏ quanh nhà, trên rừng, chỉ đến khi bệnh nặng không chịu được nữa mới đi đến trạm y tế; thì nay, bà con đã biết phòng bệnh, hiểu rõ giá trị của phương pháp điều trị tây y và tin tưởng vào năng lực của bác sĩ mang quân hàm xanh.

Thiếu tá Lê Văn Giang - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Phúc Sơn chia sẻ với chúng tôi rằng, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đóng quân trên địa bàn bản Cao Vều 1, cách trung tâm huyện hơn 20 km, quản lý 17 thôn, bản, trong đó có 4 bản Cao Vều giáp biên giới với hơn 1.000 nhân khẩu, đại đa số là đồng bào dân tộc, cuộc sống khó khăn. Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đi lại và khám, chữa bệnh.

bna-bien-cuong-989.jpg
Nhiều cây thuốc chữa bệnh được trồng tại mô hình để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh cho người dân. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình “Tủ thuốc biên cương” đối với bà con, trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ huy, chỉ đạo. Ngoài các trang thiết bị, thuốc men được trang cấp, Ban Chỉ huy thường xuyên quan tâm và chủ động tham mưu, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chia sẻ, ủng hộ thuốc men nhằm đảm bảo phục vụ bà con.

Từ năm 2019 đến nay, mô hình đã tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 5.000 lượt người, trong đó, có hàng chục trường hợp cấp cứu khẩn cấp do tai nạn lao động. Đồng thời, đồn đã phối hợp vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ các loại thuốc men trị giá gần 200 triệu đồng.

Cùng với mô hình tủ thuốc ở xã Phúc Sơn, đến nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã và đang triển khai, duy trì hiệu quả gần 10 phòng khám quân - dân y và tủ thuốc biên cương. Những phòng khám lặng thầm nơi biên giới, với hình ảnh bác sĩ quân y tận tụy, luôn là điểm tựa vững vàng để người dân nương nhờ những lúc nguy nan, tô thắm tình quân - dân son sắt.

Tin mới