Bài 3: "Không có tiền đổ xăng để chở con đi học!"

(Baonghean) - Trăn trở trước sự việc hàng chục học sinh tiểu học và mầm non, khối Toàn Thắng hay còn gọi là làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương không đến trường sau gần 3 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi tiếp tục quay trở lại làng Văn Hà để hiểu hơn nguồn cơn sự việc…
>>Bài 2: Từ hiếu học đến... thất học
Tiếp cận một số người dân, họ đưa ra lý do nhằm phản đối chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ vào điểm trường chính là đường sá xa xôi, vất vả (đoạn đường từ điểm trường lẻ khối Toàn Thắng lên điểm trường chính chỉ khoảng 2 km – PV); bận làm ăn không có thời gian để chở con đi học; mặt khác kinh tế khó khăn, không có tiền đổ xăng chở con đi học. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi thì điều kiện kinh tế của các hộ dân trong làng khá ổn định. Toàn khối có 424 hộ, 1.680 nhân khẩu, 100% hộ có nhà ngói. Trong số 53 học sinh hiện đang nghỉ học, chỉ có 1 em là con hộ nghèo. Thậm chí có những hộ như ông Lê Đăng Đại, xóm 9, điều kiện kinh tế khá giả nhất nhì làng nhưng vẫn kiên quyết không cho 3 đứa con (lớp 3, lớp 1 và mẫu giáo) đến lớp.
Việc con em nghỉ học ở nhà gần 3 tháng nay khiến công việc của nhiều gia đình bị đình trệ  vì bố mẹ phải ở nhà trông nom con cái.  Nhất là từ ngày 23/10 khi phụ huynh khối Toàn Thắng cố tình cho trẻ mầm non nghỉ học đồng loạt để gây sức ép với chính quyền thì mọi việc càng thêm rối ren. Cả cụm mầm non có 72 cháu, nhưng bình quân mỗi ngày có khoảng 35 - 40 cháu nghỉ học. Gia đình Chị Lê Thị Nga ở xóm 8 có 4 người con, hai cháu đầu đang theo học THCS vẫn đến trường bình thường, còn cô con gái thứ 3 học lớp một thì đã nghỉ học từ nhiều tháng nay.
Chưa dừng lại ở đó, cách đây 3 tuần chị tiếp tục cho cậu con trai đang gửi tại cụm mầm non Vân Hà nghỉ học với lý do “con chị không đi học thì thằng em học làm gì”. Trò chuyện với chúng tôi chị thản nhiên bày tỏ “Con cái ở nhà thì chừ bố mẹ cũng ở nhà, mặc kệ…”. Không biết với suy nghĩ như chị Nga thì cuộc sống của hai vợ chồng và 4 đứa con đang tuổi ăn học ai lo?  Còn chị Nguyễn Thị Xuân - xóm 10 thì không ngần ngại cho biết: “Tôi có 3 đứa con, hai đứa không đi học, thằng anh không đi học thì không cho thằng em đi học luôn, chỉ có đứa đầu học lớp 7 là cho đi”.
Những đứa trẻ không đến trường
Những đứa trẻ không đến trường
Trao đổi với chúng tôi, ông  Bính - Xóm trưởng xóm 9 không giấu nổi nỗi buồn khi “chủ trương sáp nhập thì đúng mà người dân vẫn không đồng thuận. Thậm chí có nhà hàng ngày vẫn chở con học lớp 4 đến điểm trường chính nhưng vận động mãi họ vẫn để con lớp 3 ở nhà. Ngay đến bản thân tôi mặc dù đã xung phong chở cháu ngoại đi học mà bố mẹ cháu vẫn không đồng ý?!”.  Ông bày tỏ mong muốn các gia đình sớm cho con đi học để yên ổn làm ăn, còn chính quyền sớm có giải pháp để ổn định tình hình. 
Còn những học sinh tiểu học bị buộc phải nghỉ học ở làng Văn Hà chỉ biết hồn nhiên tụm ba, tụm bảy leo trèo, nghịch đất, rồi lại kéo nhau theo người lớn trong xóm lao xao mỗi khi có người lạ đến mà không biết rằng tuổi thơ của mình đang bị đánh cắp.
Rời làng Văn Hà khi đã nhá nhem tối, chúng tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh các em nhỏ chơi tha thẩn quanh điểm trường cũ. Chúng tôi tự hỏi nếu như các bậc làm cha, làm mẹ vẫn tiếp tục cố chấp, ăn thua, vô trách nhiệm với chính tương lai của con em mình thì truyền thống hiếu học của làng Văn Hà mà nhiều thế hệ vẫn coi đó là niềm tự hào có bị xoá mờ? Và không ai khác, chính những người tự xưng là “đại diện của làng” đã đưa truyền thống hiếu học thành… thất học! 
Nhóm PV

Tin mới