Bộ Tư pháp bổ sung thêm 'người được phát ngôn'

Đầu tháng 7, Bộ Tư pháp đã công bố Quyết định 1431/QĐ- BTP về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quy chế phát ngôn lần này đã mở rộng, quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của một số chức danh được phát ngôn.

Theo Quyết định này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc Bộ Tư pháp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo từng lĩnh vực chuyên ngành được giao phụ trách hoặc trong phạm vi và phù hợp với tính chất nhiệm vụ được giao (đối với Trường Đại học Luật Hà Nội).

Ngoài ra, tại địa phương, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Cục hoặc Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được gia.

Nhấn mạnh điều này, tại buổi họp báo Quý II/2016, Người phát ngôn Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng: Với việc quy định chi tiết về các chức danh được chủ động cung cấp thông tin cho báo chí sẽ tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn hoạt động của Bộ Tư pháp.

Người phát ngôn Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng. Ảnh Bộ Tư pháp
Người phát ngôn Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng. Ảnh Bộ Tư pháp

Theo đánh giá của nhiều phóng viên, Bộ Tư pháp là một trong những bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Chính phủ.

Điều 2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

1. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp gồm:

a) Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

b) Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp là Người phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí của Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Người phát ngôn của Bộ Tư pháp);

c) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc Bộ phát ngôn (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Bộ Tư pháp) hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn của Bộ Tư pháp để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

2. Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm:

a) Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Trong trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Cục hoặc Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc (sau đây gọi là Người được ủy quyền phát ngôn của Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

3. Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của Người phát ngôn của Bộ Tư pháp và Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công bố bằng văn bản cho các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cùng cấp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan.

4. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn của Bộ Tư pháp và  Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại Điều này không được ủy quyền tiếp cho người khác. Việc ủy quyền phát ngôn được thực hiện bằng văn bản, chỉ áp dụng trong từng vụ việc và có thời hạn nhất định.

Điều 3. Quyền, trách nhiệm của Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các cá nhân khác trong việc cung cấp thông tin cho báo chí

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc Bộ Tư pháp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo từng lĩnh vực chuyên ngành được giao phụ trách hoặc trong phạm vi và phù hợp với tính chất nhiệm vụ được giao (đối với Trường Đại học Luật Hà Nội). Trong trường hợp cung cấp thông tin về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông qua Người phát ngôn của Bộ.

2. Cá nhân các đơn vị thuộc cơ quan Bộ và Cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh Bộ Tư pháp, Cơ quan Thi hành án dân sự.

3. Thủ trưởng các đơn vị nêu tại khoản 1 Điều này, các cá nhân nêu tại khoản 2 Điều này không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật nhà nước, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật; trung thực khi cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, trước Thủ trưởng cơ quan về nội dung thông tin đã cung cấp.

(Trích Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự được ban hành kèm theo Quyết định 1431/QĐ- BTP)

Theo Infonet

Tin mới