Báo Đức: Ukraine đã bỏ lỡ cơ hội để làm thành viên NATO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tờ Berliner Zeitung (Đức) cho rằng, việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga để đối lấy tư cách thành viên NATO là một lựa chọn tốt để Ukraine chấm dứt xung đột, nhưng dường như nó đã bị bỏ lỡ. Hiện, việc đạt được thoả thuận như vậy khó khăn hơn nhiều, khi Nga đã chiếm ưu thế lớn.

Screen Shot 2024-04-28 at 8.36.53 AM.png
Lính Ukraine chiến đấu ở mặt trận miền Đông. Ảnh: New York Times

Theo đài RT ngày 28/4, tờ Berliner Zeitung cho rằng, Ukraine có thể trở thành thành viên NATO nếu đồng ý nhượng lại lãnh thổ cho Nga. Đây là đề xuất của Stian Jenssen, chánh văn phòng của Tổng thư ký NATO vào tháng 8/2023.

Giáo sư Klaus Bachmann, chuyên gia phân tích của Berliner Zeitung cho rằng, đó là một đề xuất "đúng đắn", bởi trong lịch sử thế giới đã tồn tại một thoả thuận dựa trên trao đổi lãnh thổ lấy an ninh. Một giáo sư tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Warsaw cho biết, những người không tin vào tính hiệu quả của mô hình này, nên nhìn vào kinh nghiệm của Hàn Quốc và Triều Tiên, hoặc Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) và Cộng hoà Liên bang Đức.

Theo Giáo sư Klaus Bachmann, liên quan đến Ukraine, mô hình đó có nghĩa là: Nga đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh thổ đã sáp nhập, và người dân ở đó tránh khỏi các cuộc tấn công của Ukraine. Đồng thời, NATO đảm bảo an ninh cho các phần lãnh thổ còn lại của Ukraine khỏi các cuộc tấn công từ Nga. Theo quan điểm của Bachmann, hiện vẫn chưa có thoả thuận nào tốt hơn dành cho Kiev.

"Việc từ chối thoả thuận "béo bở" này là do niềm tin sai lầm rằng, Kiev có thể cải thiện hơn nữa vị thế trong các cuộc đàm phán" - Giáo sư Klaus Bachmann cho hay.

Chuyên gia này cho biết, hiện báo chí Đức đang đưa tin rằng, những đề xuất này đã xuất hiện trở lại bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, nhưng trong hoàn cảnh "kém thuận lợi hơn nhiều so với mùa Hè năm ngoái".

Theo ông Bachmann, trong những điều kiện mới, Ukraine có ít cơ hội đạt được một thoả thuận tốt hơn, vì điều này có những trở ngại khách quan mà cả Moskva, NATO và chính Kiev cần phải vượt qua.

Trở ngại nhỏ nhất không đáng lo ngại là việc Ukraine miễn cưỡng thực hiện thoả thuận. "Nếu vài tuần qua cho thấy điều gì, thì đó là sự phụ thuộc hoàn toàn của Ukraine vào nguồn cung cấp viện trợ và vũ khí của phương Tây. Nếu không có nguồn cung cấp từ NATO, quân đội Ukraine vẫn có thể rút lui, nhưng không thể chiến đấu. Do đó, nếu NATO và Nga đồng ý, tranh chấp về quyền sở hữu một phần khu vực Kherson và Zaporozhye khó có thể ảnh hưởng đến thoả thuận", chuyên gia Bachmann phân tích.

Một trở ngại lớn hơn một chút là những thành công của Nga ở mặt trận. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, đàm phán chỉ vì Ukraine sắp hết đạn pháo "là vô nghĩa".

Thêm một rào cản nữa, khi Moskva thấy không có lợi ích gì trong đàm phán với chính quyền Tổng thống Biden, nếu ông bị thay thế bởi Donald Trump ở cuộc bầu sắp tới - người có thể sẽ có những nhượng bộ lớn vào mùa Thu.

"Hiện tại, Điện Kremlin thực sự không có lý do gì để đàm phán. Thay vào đó chỉ cần chờ đợi, cho đến khi quân đội của Tổng thống Zelensky tan rã, cho đến khi ông Trump thắng cuộc bầu cử ở Mỹ, cho đến khi có đủ số lượng những người theo chủ nghĩa thân Nga tham gia vào chính trường ở châu Âu" - Giáo sư Klaus Bachmann nhận định.

Theo Bachmann, rào cản lớn nhất chính là NATO, vốn chưa có chính sách rõ ràng với Ukraine. Liên minh sẽ phải chấp nhận Ukraine là thành viên ngay sau khi nước này nhượng bộ lãnh thổ. Nhưng điều này cần sự đồng ý của mọi thành viên. Quá trình này có nguy cơ kéo dài, như Thuỵ Điển là một bài học.

Giáo sư Bachmann chỉ ra, trở ngại cuối cùng dường như không thể vượt qua được - đảm bảo sự ngang bằng thực lực quân sự giữa Ukraine và Nga. Khác với tình hình trên bán đảo Triều tiên, nơi ở mỗi quốc gia đều có siêu cường Mỹ và Trung Quốc hậu thuẫn từ phía sau, Kiev cần đảm bảo an ninh từ chính Nga.

Theo Bachmann, điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua việc triển khai quân đội phương Tây, nhưng "điều này làm sao có thể thực hiện được?"./.

Tin mới