Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm 2023, công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong mọi hoạt động của ngành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Những tín hiệu tích cực

Nhờ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện nay, các thủ tục, hồ sơ của ngành Bảo hiểm xã hội được thực hiện nhanh chóng, giúp giảm thời gian, chi phí giao dịch cho cá nhân và tổ chức. Việc tham gia và thụ hưởng các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của người dân trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đồng thời, giúp ngành Bảo hiểm xã hội cải thiện chất lượng phục vụ.

bna_Người dân chỉ cần cài VssAI là có thể kiểm tra tất cả các thông tin liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh Thanh Hiền.JPG
Người dân chỉ cần cài VssID là có thể kiểm tra tất cả các thông tin liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh: Thanh Hiền

Dù đã 75 tuổi nhưng ông Đinh Văn Hồng - xã Nghi Phú, thành phố Vinh rất thành thạo khi mở ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số để kiểm tra lần khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế gần đây nhất của mình là ngày nào.

Từ khi cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, ông thấy rất thuận tiện mỗi lần đi khám, không lo tìm thẻ Bảo hiểm y tế giấy. Ngoài ra, ông còn có thể chủ động theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh, số tiền được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả mỗi lần khám…

ông Đinh Văn Hồng – xã Nghi Phú, thành phố Vinh

Không chỉ thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số với điểm nhấn là sự ra đời của ứng dụng VssID, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng là đơn vị được đánh giá cao trong việc triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Tại Nghệ An, việc triển khai Đề án 06 của Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Việc triển khai Đề án 06 nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên lựa chọn nhiệm vụ phục vụ được nhiều người dân và doanh nghiệp để làm trước.

bna_Cán bộ, đoàn viên BHXH tỉnh hướng dẫn người dân tiểu thương chợ Vinh cài đặt VssID. Ảnh Thanh Hiền.JPG
Cán bộ, đoàn viên BHXH tỉnh hướng dẫn người dân tiểu thương chợ Vinh cài đặt VssID. Ảnh: Thanh Hiền

Cụ thể: Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh trong việc cung cấp thông tin người có số định danh cá nhân/Căn cước công dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, rà soát, cập nhật, đồng bộ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội vào Cơ sở dữ liệu quốc gia. Tính đến tháng 3/2024, tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt tỷ lệ 99,05%.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế triển khai việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế đến các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 529/529 (tỷ lệ 100%) cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp với 2.151.675 lượt tra cứu thành công.

bna_Người dân có thể tra cứu thông tin BHXH ngay tại bộ phận 1 cửa của BHXH tỉnh. Ảnh Đình Tuyên.JPG
Người dân có thể tra cứu thông tin BHXH ngay tại bộ phận 1 cửa của BHXH tỉnh. Ảnh tư liệu Đình Tuyên

Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy khai sinh, giấy báo tử tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục liên thông và giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe trực tuyến. Tính từ thời điểm triển khai đến nay, toàn tỉnh đã phát sinh 39.515 hồ sơ giấy chứng sinh, 143 hồ sơ giấy chứng tử, 87.357 hồ sơ giấy khám sức khỏe được tiếp nhận trên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh còn đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến để phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp giao dịch trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân. Tại khu vực đô thị, tính đến tháng 3/2024, tỷ lệ người hưởng các chế độ qua tài khoản cá nhân đạt 46,8%. Riêng tại địa bàn thành phố Vinh, số người nhận các chế độ Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đạt tỷ lệ 53,0%.

Tiếp tục tăng cường phối hợp để triển khai Đề án 06

Nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác chuyển đổi số và đặc biệt là triển khai Đề án 06 trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện nhiệm vụ Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

bna_Nhờ chuyển đổi số mà người dân có thể tra cứu thông tin BHXH, BHYT trên hệ thống một cách dễ dàng. Ảnh Đức Anh.jpg
Nhờ chuyển đổi số mà người dân có thể tra cứu thông tin BHXH, BHYT trên hệ thống một cách dễ dàng. Ảnh: Đức Anh

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công thiết yếu bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp, rộng rãi đến người dân, tăng cường thời lượng tuyên truyền. Phối hợp ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện rà soát, cập nhật số định danh điện tử/căn cước công dân của người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đảm bảo 100% người tham gia được làm sạch dữ liệu, xác thực được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tiếp tục triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, viên chức và người lao động trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định. Đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

khu-vuc-dang-ky-kham-chua-benh-bhyt-bang-cccd-gan-chip-tai-benh-vien-da-khoa-thanh-pho-vinh-anh-thanh-cuong-5175.jpg
Khu vực đăng ký khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh tư liệu Thành Cường

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc sử dụng căn cước công dân khi đi khám, chữa bệnh. Quyết tâm thực hiện mục tiêu hàng tháng đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên địa bàn triển khai thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh.

Đẩy mạnh việc thực hiện liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế. Đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu đúng thời gian quy định. Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh, hướng dẫn người dân có thông tin trên thẻ Bảo hiểm y tế sai lệch với thông tin trên căn cước công dân trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi tham gia để nộp hồ sơ điều chỉnh thông tin.

su-dung-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-trong-kham-chua-benh-bao-hiem-y-te-giup-rut-gon-duoc-thoi-gian-dang-ky-cung-nhu-tranh-duoc-nhung-sai-sot-anh-thanh-chung-6857.jpg
Sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giúp rút gọn được thời gian đăng ký cũng như tránh được những sai sót. Ảnh tư liệu Thành Chung

Ông Hoàng Văn Minh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp./.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn, với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.

Tin mới