Bất cập tưới tiêu vùng màu Diễn châu

(Baonghean) - Là một trong những địa phương có diện tích vùng màu lớn nhất cả tỉnh, Diễn Châu có những điều kiện rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, dù đã thực hiện khá nhiều chính sách đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng vùng màu ở đây vẫn còn nhiều bất cập. 

Gia đình chị Hoàng Thị Thu (xóm 18, xã Diễn Hoàng) có 2 sào đất vùng màu thì trong đó đã có tới một sào thường xuyên bị mất hoặc giảm năng suất do mưa lụt vào vụ hè thu. Năm trồng đậu, năm trồng vừng, nhưng vào giai đoạn cây ra hoa đậu quả, chuẩn bị cho thu hoạch, không ít lần chị phải ngậm ngùi chờ nước rút để dọn sạch đất, chuẩn bị cho vụ mùa sau, chấp nhận mất trắng khi bao công sức bỏ ra đã sắp đến ngày nhận về thành quả. Ông Nguyễn Chí Vinh (Cán bộ nông nghiệp xã Diễn Hoàng) cho biết: Đó là tình trạng chung của những hộ dân có diện tích đất ở 10 ha giáp sông Sơn Tĩnh.
Vào mùa mưa, đồng đất ở đây ngập 4 - 5 ngày là chuyện thường, cây hoa màu thường xuyên mất trắng. Mùa lụt thì vậy, vào mùa nắng hạn, nhiều năm vào cữ tháng 4, tháng 5, những ruộng lạc đã cháy xác xơ vì nắng, củ lạc chưa kịp già, cây đã cháy quắt quay. Chuyện người dân ở đây phải thu hoạch lạc non bán sớm là chuyện bình thường. “Hầu như năm nào cũng hạn, có những năm như năm 2011 - 2012, tới một nửa diện tích cây màu chịu hạn, trên 150 ha lạc giảm năng suất từ 40 - 50%. Còn năm nay, chỉ cần vài tuần nữa không có mưa, hạn xảy ra là điều chắc chắn. Bởi vậy, dù đất ở đây là đất cát pha, rất thích hợp với trồng rau hàng hóa, nhưng diện tích rau thường chỉ có khoảng 4 ha vào vụ đông. Nếu xây dựng được đường điện, mương máng dẫn nước ra đồng, Diễn Hoàng sẽ có thể phát triển thêm khoảng 40 - 50 ha rau màu tại các xóm 2, 6, 8 và 11.”- ông Vinh chia sẻ.
Vùng màu ở Diễn Hoàng (Diễn Châu).
Vùng màu ở Diễn Hoàng (Diễn Châu)
Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các xã trên địa bàn huyện Diễn Châu hiện nay. Xã Diễn Trung có 513 ha vùng màu, vụ xuân trồng lạc, hè thu gieo vừng, vụ đông trồng ngô, lạc làm giống cho vụ sau và một số ít diện tích rau màu các loại. Đất Diễn Trung là đất khô, pha cát, thích hợp cho cây rau màu phát triển.  Hiện tại, một ha ngô vụ đông chỉ có thể thu về 20 triệu đồng, kém xa so với trồng rau. Thế nhưng người dân ở đây vẫn hầu như chỉ trồng rau để phục vụ nhu cầu của gia đình, diện tích rau toàn xã chỉ có khoảng 10 ha trong khi có gần 100 ha đất thích hợp trồng rau.
Vào vụ hè, cây trồng thường xuyên chịu hạn, địa phương vốn cũng đã có kế hoạch lấy nguồn nước từ kênh Nhà Lê về để tưới cho vùng màu, nhưng không khả thi vì nguồn kinh phí quá lớn. Trong khi đó, vào mùa mưa lụt, nguồn nước từ các xã Diễn An, Diễn Thịnh, Diễn Lợi, Diễn Lộc… dồn về, nếu gặp triều cường lên nữa thì úng ngập xảy ra là điều tất yếu. Năm 2012, từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước, Diễn Trung đã xây dựng được 500m kênh tiêu bê tông nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Cao Xuân Vân (Phó Chủ tịch UBND xã) cho biết: “Ngô, lạc được trồng trên đất cát nếu gặp mưa lụt, chỉ cần úng ngập vài tiếng là chết ẻo. Trong khi đó, nhiều diện tích bị ngập 4 - 5 ngày là chuyện thường. Nhiều năm, ngô vụ đông phải gieo trỉa đi gieo trỉa lại sau khi mất trắng vì gặp một trận mưa”.
Huyện Diễn Châu có 13 xã vùng màu với diện tích lên đến hàng nghìn ha. Đây là vùng đất mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho sản xuất nông nghiệp của địa phương ven biển này. Thực tế, cây trồng vùng màu cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Thế nhưng hiện tại, hệ thống tưới tiêu cho vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng này vẫn còn rất nhiều bất cập. Xã Diễn Thành có 260 ha đất trồng màu, quanh năm luôn xanh tốt các loại cây trái, vụ xuân tập trung trồng lạc và dưa hấu, hè trồng vừng, dưa, đậu xanh và vụ đông tập trung phát triển rau màu, ngô, lạc.
Theo bà Lê Thị Hương (Phó Chủ tịch UBND xã) thì mỗi năm, một ha rau màu có thể thu về trên 200 triệu đồng, dưa hấu 250 triệu đồng. Từ năm 2005, người dân xã Diễn Thành đã bắt đầu tập trung xây dựng hệ thống giếng khoan, kéo điện ra đồng, hiện đồng màu Diễn Thành đã có hơn 700 cái giếng khoan, đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng màu. Thế nhưng, những mô hình như Diễn Thành trên địa bàn huyện Diễn Châu hầu như chưa có. Người dân vùng màu gieo  cây trồng xuống, được hay mất vẫn phải hoàn toàn phụ thuộc vào trời. Từ một dự án về tưới cho cây trồng màu, Diễn Châu đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới ở Diễn Thịnh, nhưng không thành công vì nguồn nước ngầm không đủ, điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp.
Theo ông Cao Văn Thái (Phó phòng Nông nghiệp huyện), thì nếu được đầu tư, hệ thống tưới sẽ rất phù hợp với các vùng trồng rau vì ở những vùng này tuy cũng là đất cát pha nhưng tỷ lệ đất thịt nhiều hơn, giữ nước tốt hơn. Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn huyện mới chỉ có Diễn Thành và Diễn Phong đã đầu tư xây dựng được hệ thống tưới cho cây màu, còn lại 11 xã khác vẫn đang hoàn toàn “nhờ trời”, phụ thuộc vào thiên nhiên trong canh tác. Việc xây dựng hệ thống tưới rất khó khăn vì nguồn nước ngầm hầu như không đủ để đáp ứng, hệ thống công trình cấp nước chưa hoàn thiện, chưa có mô hình phù hợp trong phương thức tưới, nếu tưới phun mưa thì chi phí cao, tưới trên mặt đất thì không phù hợp do điều kiện về thổ nhưỡng. 
Đáng lo ngại hơn là bất cập của hệ thống tiêu thoát nước vùng màu. Nếu nắng hạn thường chỉ làm giảm năng suất và chất lượng của cây trồng, thì mưa lụt thường gây mất trắng, do các loại cây trồng vùng màu đều “nhạy cảm” với úng ngập. Năm 2011, sau khi dự án tiêu úng vùng màu của Diễn Châu hoàn thành, tình hình tiêu úng cho vùng màu đã được cải thiện đáng kể. Hai hệ thống kênh lớn là kênh Nhà Lê, Sơn Tĩnh và các công trình trên kênh đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Cùng với đó là xấp xỉ 100 km kênh mương cấp 1, 2; trong đó có gần 50 km được bê tông hóa. Sau khi dự án hoàn thành, ở những vùng như Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Phúc… hiệu quả của dự án có thể thấy rất rõ, sản xuất cây màu đã an toàn 70 - 80%. Nếu trước đây vào tháng 9, tháng 10 sản xuất vụ đông thường bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhiều năm nước ngập 4 - 5 ngày làm ngô, lạc, rau mất trắng luôn thì nay nước đã rút nhanh hơn. Thế nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước vùng màu ở hầu hết các xã. Vào mùa mưa lụt, tình trạng cây trồng bị mất trắng, phải gieo trồng lại hoặc giảm năng suất vẫn là điều thường xuyên xảy ra. Ngoài hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng, thì hệ thống kênh “chân rết” đều đang hoàn toàn là kênh đất, dễ bị bồi lắng, sạt lở, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước. 
Bài, ảnh:  Phú Hương

Tin mới